YouTuber Thơ Nguyễn – Từ ảo tưởng đến “sập hầm”Kuman Thong
Kênh YouTube Thơ Nguyễn với gần 9 triệu người đăng ký, đối tượng các clip hướng đến đa phần là trẻ em. Ảnh: Chụp màn hình. |
Thơ Nguyễn có thu nhập khủng nhờ vào các clip đăng tải trên kênh YouTube và TikTok của mình. Bằng chứng là theo số liệu công bố mới nhất từ Cục Thuế tỉnh Bình Dương, tính từ năm 2019 tới nay Thơ Nguyễn đã nộp tổng cộng hơn 2 tỉ đồng tiền thuế.
Ngày 15/3, tại TP.Thủ Dầu Một, Thanh tra Sở TT-TT Bình Dương phối hợp với Công an tỉnh làm việc với YouTuber Thơ Nguyễn có tên là N.T.H.T (28 tuổi, ngụ Bình Dương) liên quan đến việc đăng tải video "xin vía học giỏi" trên kênh TikTok gây bức xúc dư luận xã hội thời gian qua.
Giải trình với cơ quan chức năng, YouTuber Thơ Nguyễn cho biết, đăng tải đoạn video có nội dung xin vía học giỏi trên mạng xã hội TikTok có 2 phần, nhưng do chính sách của TikTok chỉ cho đăng tải mỗi đoạn video có thời lượng tối đa là 60 giây, nên có tình trạng là video nêu trên được đăng tải ở hai thời điểm khác nhau gây hiểu nhầm cho cộng đồng mạng.
Thơ Nguyễn và clip "xin vía học giỏi" bằng Kuman Thong. Ảnh: Cắt từ clip. |
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Thơ Nguyễn bị phản ứng vì đăng tải các clip dành cho trẻ em nhưng có nội dung phản cảm hay gây lo lắng. Trước đây, trên kênh YouTube của mình, Thơ Nguyễn cũng đã từng đăng tải một số clip có nội dung được cho rằng dễ gây ra nhận thức sai lệch khiến trẻ em bắt chước theo sẽ gặp nguy hiểm.
Khi đó, một số tờ báo đã lên tiếng cảnh báo, Thơ Nguyễn đã có phản ứng rất mạnh. Thậm chí, cô dùng những lời lẽ nặng nề qui chụp là “hết sức vớ vẩn”, “câu views rẻ tiền”, và “xin chúc mừng tác giả vì họ đã đạt được mục đích của họ rồi”.
Trong vai “chị” xưng hô với người xem là trẻ em, Thơ Nguyễn còn tự cho rằng mình là người mang view đến cho bài báo: “Chị biết rằng, họ rất mong muốn chị phản bác lại bài báo này để có thêm nhiều người biết đến trang báo…”.Không dừng lại ở đó, Thơ Nguyễn còn kêu gọi triệu fan của mình tẩy chay tờ báo.
Ít ai biết rằng, trước khi làm youtuber cô từng làm việc trong một ngân hàng lớn. Nhưng sau đó Thơ Nguyễn quyết định rẽ hướng sang kinh doanh và sản xuất các video dành riêng cho trẻ em và gặt hái được những thành công rõ rệt. Tiếc thay, với sự thách thức ngông nghênh trên thế giới ảo cùng sự quay cuồng đua tranh tăng view, nữ YouTuber đã nhận về cú “sập hầm” Kuman Thong nhớ đời.
Quay cuồng trong tiền quảng cáo bằng clip rác
Mặc dù gây tranh cãi với các video nhảm nhí, NTN Vlogs là kênh YouTube đầu tiên tại Việt Nam sở hữu 3 nút Play vàng. Nhờ đó, chủ kênh này cũng bỏ túi số tiền không hề nhỏ. Theo báo cáo của SocialBlade, Nguyễn Thành Nam có thể thu về từ 410 đến 6.600 USD mỗi tháng, 4.900 - 78.800 USD mỗi năm.
Ngoài kênh NTN Vlogs, Nguyễn Thành Nam cũng sở hữu hai kênh Youtube khác với lượng người theo dõi tương đối lớn là Monster NTN (1,85 triệu lượt theo dõi) thu về 311 - 5.000 USD/ năm và Funny Game (1,52 triệu lượt theo dõi), thu về 227 - 4.400 USD/ năm.
Nguyễn Thành Nam từng bị triệu tập vì làm clip đóng giả nhóm khủng bố IS quăng bom. Ảnh: Itn |
Nguyễn Thành Nam có lẽ là cái tên từng gây tranh cãi này nhiều nhất. YouTuber sinh năm 1994 này từng bị triệu tập vì làm clip đóng giả nhóm khủng bố IS quăng bom hồi năm 2016. Sau đó, Nam tiếp tục làm các clip nguy hiểm khác như: Thử thách trèo lên cột điện 100m, thả 100 con dao từ trên cao xuống, ... hoặc các clip cổ súy lãng phí như: Đốt hàng trăm nghìn que diêm, làm ngôi nhà từ 5.000 ống hút nhựa, tắm với 50 kg bỏng ngô...
Dù bị YouTube cảnh cáo bằng việc tắt kiếm tiền nhiều lần nhưng Nguyễn Thành Nam vẫn kháng cáo thành công. Càng ngày, NTN Vlogs lại cho ra đời những video táo tợn, bất chấp tất cả để câu view mạnh mẽ hơn dù người xem vẫn phản đối gay gắt.
Cách đây không lâu, kênh YouTube Thánh Lầy Vlogs từng nhận mưa gạch đá khi thực hiện thử thách chui vào quan tài để nằm. Trong video kéo dài hơn 10 phút, nam thanh niên bật nhạc đám ma và hút thuốc phì phèo hết sức phản cảm.
Thánh lầy nằm trong quan tài xin hút điếu thuốc lần cuối. Ảnh: Cắt từ clip. |
Một kênh khác có hơn 4,3 triệu lượt theo dõi là PHD Troll gây bức xúc cho người xem khi thực hiện thử thách ăn ớt. Trong video 8 phút thu hút 5,8 triệu lượt xem, nam thanh niên đặt ra thử thách ăn ớt sẽ được tiền. Đáng nói, đối tượng thực hiện thử thách này bao gồm cả trẻ em.
Nguyễn Văn Hưng - chủ kênh YouTube Hưng Vlog 2 lần bị xử phạt bởi làm clip "cháo gà nguyên lông", clip có nội dung "lấy cắp tiền trong heo đất của em".
Ngay từ tiêu đề clip để thấy sự nhố nhăng, nhảm nhí và thậm chí là độc độc hại nếu đối tượng xem clip là trẻ em, những thành phần chưa kịp đủ chính chắn để nhận thức.
Clip "Nấu cháo gà nguyên lông" của Nguyễn Văn Hưng bị Sở TT-TT Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng. |
Thực tế, tài khoản có gần 3 triệu người theo dõi - Hưng Vlog được biết đến với chủ nhân của những video có nội dung thử thách nhảm nhí hay troll mẹ (Bà Tân Vlog) như: thử thách 24h sống trong căn nhà vỏ lon trên cao; thử thách nhảy xuống hố cát sâu đến ngực rồi lấy chuối, tiền âm phủ, nén hương để "cúng vong cho 2 đứa em ngoan hiền lại"; troll dùng nước ngọt nấu cơm cho cả nhà ăn...
Với hàng triệu lượt xem cho mỗi video đăng tải, Hưng Vlog có thể nhận được thu nhập được đánh giá là là Vlog có thu nhập "khủng" từ YouTube. Ngoài ra, Nguyễn Văn Hưng còn sở hữu 2 kênh khác là Hưng Troll và Hưng Gamer. Trong đó, với kênh Hưng Troll, con trai bà Tân Vlog có thể kiếm được từ 12.700 - 202.800 USD/tháng (khoảng 294 triệu - 4,7 tỷ đồng).
Một thống kê trên SocialBlade, chuyên trang thống kê độc lập uy tín nhất thế giới hiện tại về các nền tảng mạng xã hội và YouTube, kênh Hưng Vlog có thể kiếm được số tiền từ 15.400 - 246.300 USD/tháng (khoảng 356 triệu - 5,7 tỷ đồng). Còn với kênh Hưng Gamer, ước tính từ SocialBlade cho thấy, kênh YouTube này có thể giúp cho Nguyễn Văn Hưng kiếm được từ 24 - 381 USD/tháng (khoảng 556.000 - 8,8 triệu đồng).
Sau những ồn ào chỉ trích, hiện tại kênh của Hưng Vlog bị xoá khỏi nền tảng YouTube mà không nêu rõ lý do.
Theo thăm dò của phóng viên Ngày Nay, một YouTube khi là đối tác sản xuất các video sẽ được Youtube tự động đặt các quảng cáo và chi trả 2,5 - 3 USD/1.000 lượt xem. Bên cạnh đó, với những kênh có tương tác mạnh còn nhận được những hợp đồng quảng cáo từ các nhãn hàng, thương hiệu bên ngoài.
Trong khi đó, vốn liếng bỏ ra không cần nhiều, và với những clip nhảm nhí kể trên, sự đầu tư và giá trị mà chúng mang lại là quá ít ỏi. Chính từ việc thu nhập “khủng” đã khiến cho việc các kênh YouTube nhảm bất chấp sự phản cảm và dị hợm mà mọc lên như nấm sau mưa.
Cũng có cách tính đơn giản hơn được những người trong giới truyền tai nhau: Nhân 3 số lượt người xem sẽ ra số tiền được hưởng. Như vậy, với clip đạt 1 triệu view, chủ tài khoản sẽ được YouTube trả về tài khoản 3 triệu đồng. Chưa kể những nguồn thu khác từ Facebook, hoặc từ việc lồng nội dung quảng cáo các nhãn mác, dịch vụ vào trong clip...
Làm nội dung và kiếm tiền tiền trên YouTube không có gì sai trái mà ngược lại hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, những YouTuber kiếm tiền bằng các clip có nội dung nhảm, “bẩn”, phản cảm đã tự biến mình thành một loại “ký sinh trùng” thời 4.0 hăm he, chực chờ nhảy bổ vào người xem bất chấp hệ luỵ đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi không thể bao quát hết được nội dung cho con cái khi xem dẫn đến nhiều điều thương tâm trong đời thực.
(Bài 3: Học theo YouTube, trẻ em thiệt mạng)