Kỳ thi của cha mẹ

Cách đây đúng 20 mùa hè, Chiến đi bộ từ lò luyện thi trường Giao thông Vận tải ở Cầu Giấy đến thăm tôi ở lò luyện thi trường Báo chí trên đường Xuân Thủy. Chiến bảo: “Mỗi ngày tớ chỉ dám ngủ vài tiếng thôi. Bố mẹ tớ đã vay một chỉ vàng cho tớ đi Hà Nội thi đại học”.
Nhà báo Hồng Phúc
Nhà báo Hồng Phúc

Chiến được thuê một giường ở ký túc xá đại học Giao thông. Giá 20 nghìn một ngày nhưng cậu được giảm còn 17 nghìn vì là học sinh dân tộc Mường. Bố Chiến ngủ tạm ở bến xe khách trên đường Nguyễn Trãi cho đỡ tốn.

Ngày chúng tôi thi đại học, mẹ tôi đứng chầu chực ở cổng trường cũng là lúc bố cậu đi bộ từ bến xe Sơn La ra trường Cầu Diễn ngồi ngóng con cùng hàng trăm phụ huynh khác.

Buổi trưa thi xong môn cuối, Chiến gọi điện từ bốt điện thoại công cộng bến xe khách về nhà tôi thông báo, làm bài xong, cậu được bố đưa đi Thủ Lệ “cho biết Hà Nội”, bây giờ sẽ lên xe về Hòa Bình.

Chiến người Mường, nhà ở Hòa Bình. Chúng tôi quen nhau vì một bài thơ tôi được đăng trên báo Hoa Học Trò đầu năm lớp 12, bên dưới có địa chỉ trường và lớp tôi. Nửa tháng sau ngày báo đăng, tôi nhận được phong bì thư Chiến gửi để kết bạn làm quen.

Chiến kể cả xã có hai đứa được đi học cấp 3 thôi. Bố mẹ cậu có hơn một quả đồi, trồng chè, su su, mướp, chanh, đem ra chợ bán nuôi cậu trọ học trên huyện. Cuối tuần Chiến đạp xe gần 30 cây số đường đất núi về thăm nhà. Trời mưa con đường về bản dốc và trơn lắm, nên bố mẹ chỉ mong Chiến thi được vào đại học Giao thông vận tải để còn đi xây đường.

Tháng 9 nhập trường, Chiến lại đi bộ từ ký túc xá Giao thông ở Cầu Giấy đến trường báo chí ở Xuân Thủy rủ tôi đi ăn cơm bụi. Cậu thuộc lòng thực đơn: 500 đồng lạc, 500 đậu sốt cà chua, 500 cơm với lại rau xào. Chiến bảo 500 lạc rang được 17 hạt, cô bán cơm xúc chuẩn lắm. Ăn thịt thì tốn, 1.000 đồng được có ba miếng thịt luộc thôi. Mà bố mẹ cậu vẫn còn nợ một chỉ vàng.

Hơn một năm sau ngày trở thành sinh viên, bố Chiến mất vì bệnh. Cậu bạn cùng phòng ký túc xá Giao thông chở tôi đi xe máy về bản nhà Chiến ở Hòa Bình. Tôi ngồi sau xe không dám động đậy vì đường khó đi, chỉ dám thở hắt ra khi cậu bạn chỉ ngôi nhà sàn dưới dốc có cây cờ vàng đỏ - báo hiệu nhà có đám. Bố Chiến mất vì bị bệnh nhưng không đi bệnh viện. Mẹ cậu bảo sẽ bán đi nửa quả đồi để trả nợ chỉ vàng, nhưng chồng bà trước khi mất cũng yên tâm, thằng Chiến học xong chắc sẽ có việc làm. Trong tủ kính tôi vẫn thấy cái ảnh chụp hai bố con khoác vai nhau ở cạnh hồ Thủ Lệ.

Hôm nay, cả nước có 925.790 thí sinh đặt bút viết vào bài thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Tức là, có hàng triệu bậc cha mẹ cũng sẽ khó có giấc ngủ sâu trong những ngày nóng nhất của mùa Hè.

Tôi lại nhớ Chiến. Chuyện của Chiến là một mô-típ kinh điển của những kỳ thi đại học suốt nhiều thập niên ở Việt Nam. Hay đúng hơn, là hình ảnh cha và mẹ Chiến, đã trở thành hình mẫu kinh điển của rất nhiều miền quê Việt Nam, mỗi lần “thi đại học”. Phụ huynh, cũng chính là những thí sinh vất vả nhất mỗi kỳ thi ở nước ta.

So với những năm trước, kỳ thi THPT quốc gia kiêm thi đại học bây giờ đã bớt căng thẳng vì cách thức thi, cách thức “chọi” dễ thở hơn, thí sinh được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng xét tuyển nên khả năng đỗ đại học khá cao. Đặc biệt, cái thời bố mẹ và con rồng rắn về Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn thi đại học đã không còn.

Nhưng những cải cách của cuộc thi THPT quốc gia dường như không đủ khiến sự nghiệp làm phụ huynh ở xứ này bớt vất vả đi. Đại học không còn là điều tột cùng xa xỉ, những lo toan về đường học hành của con cái không còn đo bằng chỉ vàng, hay bằng 500 đồng lạc rang, thì nó sẽ được nâng cấp thành những dạng thức mới. Nó có thể là trường điểm, trường quốc tế, hay là nỗ lực tuyệt vọng tìm đường đưa con ra nước ngoài.

Tại Việt Nam, việc học hành của con cái vẫn được chứng minh là mối quan tâm lớn nhất của cha mẹ. Khi các phụ huynh được hỏi rằng họ quan tâm đến con ở khía cạnh nào nhất, câu trả lời nhiều nhất là mong con có kết quả cao trong học hành. Và hệ quả, nhiều cha mẹ vẫn ép con học quá sức.

Ở chiều ngược lại, nhiều con cái trưởng thành không trả lời được câu hỏi “Ước mơ của bố mẹ bạn là gì?”. Một khảo sát 200 người cho biết, gần 50% người con trưởng thành không biết cha mẹ mình có ước mơ nào muốn thực hiện. Bóng dáng của những phụ huynh như trong câu chuyện của bạn Chiến tôi năm xưa, vẫn còn đấy, chỉ thay đổi hình thái thể hiện.

Mặc dù tình mẫu, phụ tử là thứ tình yêu người ta ít khi phải cố gắng để có, nhưng nghề làm cha mẹ lại là nghề khó nhất. Một kỳ thi ngắn của con trẻ, lại là lúc chúng ta nhắc nhau rằng kỳ thi của đời làm cha mẹ ở xứ này dài đến thế nào.

Theo Vnexpress
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.