Xã vùng cao Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ nơi có độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, những ngày này nền nhiệt giảm sâu, lạnh giá cộng với sương mù ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy và học của thầy và trò các trường học trên địa bàn. Việc phòng, chống rét và giữ ấm cho học sinh luôn là nhiệm vụ quan trọng của các trường học khi mùa đông đến.
Năm nay, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ có 633 học sinh, trong đó 407 học sinh ở bán trú, hầu hết là người dân tộc Mông. Để chống rét cho học sinh, nhà trường luôn tìm các giải pháp tối ưu đảm bảo khẩu phần ăn cho học sinh bán trú để các em có được bữa ăn nóng, ngon và đủ chất. Các vật dụng như chăn, màn đầy đủ, nơi ở kín đáo để giữ ấm cho các em, giúp đảm bảo sức khỏe.
Năm học này, huyện biên giới Phong Thổ có 48 trường học, gần 21.000 học sinh ở các cấp học. Trong đó, 41 trường với hơn 10.000 học sinh thuộc diện bán trú.
Ông Nguyễn Vương Hùng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ cho biết, phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm việc phòng, chống rét cho học sinh trong những tháng mùa đông nhiệt độ xuống thấp. Đầu năm, Phòng rà soát các trường về cơ sở vật chất như nơi ăn, chốn ở được tu sửa phục vụ cho công tác nuôi dạy bán trú. Nhà trường được yêu cầu chủ động chuẩn bị chăn ấm, áo ấm thông qua các nguồn từ thiện hoặc từ các năm trước; tổ chức bữa ăn cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng, tăng khẩu phần ăn. Phòng tăng cường kiểm tra, giám sát việc nuôi dưỡng học sinh bán trú tại các nhà trường về an toàn thực phẩm, hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Các trường học trên địa bàn chủ động thay đổi khung giờ học, cho học sinh nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Trường Mầm non Dào San, xã Dào San (một trong những xã vùng cao của huyện Phong Thổ) có 708 trẻ, 28 lớp, 13 điểm trường. Để giữ ấm cho học sinh, các cô giáo chủ động trải xốp, đệm trong lớp học và che chắn phòng học đảm bảo kín gió. Nhà trường chỉ đạo giáo viên các lớp đón trẻ muộn hơn 15 phút so với mùa hè và hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời; tăng thêm chút dầu mỡ trong khẩu phần ăn của học sinh để có thể giữ ấm.
Cô Trần Thị Phương Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Dào San chia sẻ: Do địa hình vùng núi cao nên mùa đông trời rất lạnh. Nhà trường chú trọng dinh dưỡng, thay đổi thực đơn mỗi ngày, cho các con ăn đủ định lượng để đảm bảo sức khỏe...
Theo cô giáo Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch về phòng, chống rét cho học sinh như: bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo các lớp học đều có cửa đóng kín được. Học sinh ở bán trú luôn được thầy, cô nhắc nhở mặc ấm, vệ sinh sạch sẽ; quan tâm đến chỗ ngủ để kịp thời bổ sung chăn ấm cho các em; thức ăn, nước uống luôn đảm bảo ấm nóng. Nhà trường còn làm tốt công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về việc chú ý giữ ấm cho các em khi đến lớp và huy động máy sưởi từ phụ huynh, giáo viên để sưởi ấm cho học sinh.
Năm học này, xã Dào San có 2.438 học sinh thuộc ba cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở. Để đối phó với các đợt rét đậm, rét hại, giúp các trường học nêu cao tinh thần chủ động phòng, chống rét, chính quyền xã chỉ đạo các trường theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhà trường căn cứ tình hình thời tiết thực tế trên địa bàn để điều chỉnh thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học trong những ngày quá rét, chủ động đảm bảo cơ sở vật chất để giữ ấm cho học sinh.
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu có 329 trường với 150.766 học sinh ở tất cả các cấp học. Để phòng, chống rét cho học sinh, ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, Sở đã có công văn chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Đặc biệt quan tâm đến công tác ăn uống, nơi ở của học sinh để đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng và nơi ở ấm áp, kín gió. Nhà trường được quyền quyết định cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp và chủ động tổ chức cho học sinh học bù để đảm bảo khung chương trình năm học. Tùy tình hình thực tế, nhà trường có thể tự điều chỉnh thời gian vào lớp để học sinh không phải đến trường quá sớm; hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời nếu điều kiện thời tiết không đảm bảo an toàn cho học sinh.
Theo dự báo, mùa đông năm nay thời tiết tại Lai Châu diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu các trường học trên địa bàn tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống rét đảm bảo giữ ấm cho học sinh khi nhiệt độ giảm sâu.