Như nhiều lần trước, Chính phủ và nhiều bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc. Biên giới được kiểm soát chặt chẽ. Những sự kiện tập trung đông người không cần thiết được yêu cầu dừng tổ chức. Phương án truy vết, khoanh vùng dập dịch, xây dựng bệnh viện dã chiến... đã hình thành. Hà Nội nâng mức cảnh báo lên mức độ cao từ khá sớm, cùng thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng quyết định hủy bỏ việc bắn pháo hoa vào dịp 30-4, 1-5. Thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) thêm một lần được nhấn mạnh. Các di tích, điểm đến du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường biện pháp phòng dịch, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ.
Với kinh nghiệm đã có từ các đợt dịch COVID-19 trước đó, Ban Giám hiệu nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng cả về thiết bị và nhân lực để dạy học trực tuyến khi dịch có diễn biến phức tạp.
Điều chỉnh lịch học, tuân thủ 5K
Ngay khi dịch bệnh bùng phát, các địa phương có dịch COVID-19 đã quyết định cho học sinh nghỉ học một tuần, trong khi các trường đại học nhanh chóng chuyển sang dạy và học trực tuyến.
Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp trên địa bàn, các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam đã thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 4/5 đến ngày 9/5 để phòng dịch COVID-19. Cán bộ, giáo viên, học sinh được yêu cầu tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, đặc biệt là việc tuân thủ quy định 5K, hạn chế tập trung đông người.
Tại Hưng Yên, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Phù Cừ (nơi phát hiện ca nhiễm COVID-19) cho học sinh dừng đến trường, tổ chức dạy học trực tuyến ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cho đến khi có thông báo mới. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố còn lại tổ chức dạy học bình thường nhưng phải đảm bảo tuyệt đối yêu cầu phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học.
Liên tiếp các địa phương khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... dù học sinh vẫn tới trường bình thường nhưng sở giáo dục và đào tạo các địa phương đều quán triệt việc tuân thủ quy định 5K, trong đó đặc biệt là việc khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, theo dõi sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên.
Trong khi đó, các trường đại học đã nhanh chóng chuyển sang dạy và học trực tuyến ngay sau kỳ nghỉ lễ.
Đại học Tài nguyên Môi trường thông báo điều chỉnh hình thức giảng dạy học tập từ trực tiếp sang trực tuyến của sinh viên đại học và học viên cao học từ ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới. Riêng đối với các học phần giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, thí nghiệm, thực tập... trường không tổ chức đào tạo trực tuyến nhưng các sinh viên học học phần này sẽ học trước phần lý thuyết theo hình thức trực tuyến.
Đại học Mở Hà Nội thông báo tức kích hoạt hệ sinh thái công nghệ của trường để chuyển toàn bộ hoạt động dạy-học và các sự kiện đông người tham gia sang hình thức trực tuyến ngay từ ngày 28/4.
Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng triển khai dạy và học trực tuyến từ ngày 4/5 đến ngày 8/5. Học kỳ II của năm học theo đó cũng được điều chỉnh kéo dài đến hết ngày 27/5, lịch thi bắt đầu từ ngày 28/5. Tương tự, các trường Đại học Tài chính-Ngân hàng Hà Nội, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho sinh viên học trực tuyến từ ngày 4/5 đến 8/5. Các trường đều yêu cầu cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế, hạn chế tập trung đông người.
Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có một trường hợp sinh viên là F1. Toàn bộ các giảng viên, sinh viên thuộc đối tượng F2 phải cách ly tại nhà 14 ngày. Trường chuyển sang học trực tuyến từ ngày 4/5 đến 9/5. Những lớp thực hành và sinh viên làm đề tài tốt nghiệp vẫn đến trường nhưng phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách và “5K” của Bộ Y tế.
Sẵn sàng các phương án thi
Việc tái bùng phát dịch COVID-19 khi chỉ còn một tháng nữa là đến thời điểm tổ chức các kỳ thi quan trọng của học sinh là thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021 khiến ngành giáo dục càng rốt ráo hơn nữa để vừa đảm bảo công tác phòng dịch, vừa sẵn sàng cho các kỳ thi phía trước.
Với vai trò chỉ đạo tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản lưu ý các cơ sở giáo dục việc chủ động xây dựng phương án tổ chức kỳ trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hoặc thiên tai xảy ra ở địa phương. Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị chủ động sẵn sàng phương án chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, dạy học qua mạng internet nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Đối với học sinh lớp 12, căn cứ đề thi tham khảo, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Trong quá trình ôn tập, chú trọng trang bị, củng cố cho học sinh nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chương trình cấp trung học phổ thông, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12.
Riêng với nội dung kiến thức lớp 11 học kỳ II năm học 2019-2020, thực hiện theo Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH ngày 30/3/2020 về hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh lớp 12 nghiên cứu, học tập quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả, nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh tham gia kỳ thi nghiêm túc, an toàn. Các trường chú ý phân loại các nhóm đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập cho phù hợp, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Với các đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập, nhà trường cần rà soát, từ đó vận động mỗi giáo viên hỗ trợ ít nhất một học sinh nhằm tạo điều kiện giúp đỡ các em hoàn thành tốt kỳ thi.