Ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều người lao động mất việc, đã có hàng chục nghìn công nhân rơi vào cảnh khó khăn, phải tìm đủ cách để trang trải sinh hoạt phí. Trước tình hình này, nhiều nhóm quảng cáo thu mua sổ Bảo hiểm xã hội của người lao động để trục lợi.
Người bán giá hời, kẻ mua hưởng lợi
Sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) là nơi ghi chép quá trình làm việc, đóng và hưởng bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm theo quy định pháp luật. Đây là căn cứ nhằm chi trả, bù đắp cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do ốm đau, thai sản, thất nghiệp, lương hưu... được sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật.
Sổ BHXH là loại tài sản đặc biệt gắn liền với nhân thân, quyền lợi của người lao động và không dùng để mua bán. Vậy, trong trường hợp sổ này được đem ra để giao dịch trái phép, những "đầu nậu" thu mua sổ BHXH có mục đích gì và hưởng lợi phi pháp thế nào?
Tài khoản Facebook giả mạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương thu mua sổ bảo hiểm. Ảnh chụp màn hình |
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Ngọc Quảng (Đoàn Luật sư TP.HCM) lý giải thông qua giao dịch, người mua sẽ chi trả số tiền thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực lãnh của người lao động được hưởng. Đồng thời, ràng buộc người lao động phải ký giấy uỷ quyền làm thủ tục hưởng chế độ sang cho người mua. Như vậy, người mua sẽ nhận được khoảng chênh lệch cao hơn số tiền ban đầu họ trả cho người lao động.
Theo đó, mức thiệt hại của người lao động là 50-60% số tiền trợ cấp BHXH một lần đúng ra được hưởng. Mức thiệt hại cụ thể căn cứ vào quá trình đóng BHXH dài hay ngắn, tiền lương cao hay thấp thì mức hưởng sẽ tương ứng.
Luật sư lấy ví dụ: Nếu tính theo mức bình quân hưởng BHXH một lần ở Bình Dương năm 2019 khoảng 37 triệu đồng/người, thì mỗi lao động thiệt hại ở mức 50%, rơi vào khoảng 18,5 triệu đồng/người.
"Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, chúng ta có thể hiểu được chuyện họ cần tiền gấp để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, nếu người lao động bán sổ Bảo hiểm xã hội cho những người thu gom, trước mắt họ sẽ bị ép giá, toàn bộ quá trình đóng BHXH của người lao động sẽ bị mất.
Đặc biệt, người bán sổ sẽ đối mặt với việc không còn phụ cấp lương hưu khi hết tuổi lao động. Còn nếu tiếp tục làm việc, họ phải tham gia BHXH lại từ đầu", luật sư Quảng nói thêm.
Theo quy định hiện nay, nếu người lao động nghỉ chờ việc sẽ được chủ doanh nghiệp trả lương, tiền lương đó không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đối với người lao động nghỉ việc, họ sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp do quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả.
Liên quan đến việc nhóm người lợi dụng dịch bệnh đi thu gom, trao đổi sổ Bảo hiểm xã hội trái quy định trên mạng xã hội gần đây, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu cán bộ đơn vị các cấp siết chặt quản lý và xử phạt nghiêm những trường hợp này.
Có thể xử lý hình sự
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định tất cả hành vi giao dịch mua bán sổ bảo hiểm là trái pháp luật. Cơ quan bảo hiểm xã hội không thể nhận người được ủy quyền từ 2 sổ BHXH trở lên để hưởng trợ cấp.
Theo luật sư Nghiêm, người nào mang từ 2 sổ BHXH trở lên theo hình thức nhận ủy quyền của người lao động để làm thủ tục hưởng BHXH một lần thì bắt buộc cơ quan bảo hiểm xã hội phải rà soát lại.
Trong trường hợp nhân viên bảo hiểm vẫn nhận hồ sơ cho người được liên hệ ủy quyền từ 2 sổ BHXH trở lên thì hành vi này được xem là thông đồng với người mua sổ. Do đó, trách nhiệm của cơ quan BHXH phải xác định được đúng đối tượng mình trả BHXH một lần để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
"Đăng tin quảng cáo mua sổ BHXH, thực chất đây là hành vi mua bán, trục lợi từ khó khăn của người lao động. Muốn xử lý hình sự hành vi này, chúng ta vẫn có thể áp dụng Điều 226, Bộ luật Hình sự 2015 về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông Internet, mức phạt tối đa là 3 năm tù giam", luật sư Nghiêm nêu quan điểm.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm, các hành vi cầm cố, thế chấp, mua bán sổ BHXH của người lao động rồi sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật và sẽ bị xử phạt.
Người nào có hành vi mạo danh cơ quan BHXH để mua bán sổ BHXH, thu gom sổ BHXH được xem là hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng.
Đồng thời, theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, người có hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể phải nộp phạt 10-20 triệu đồng.
"Tùy tính chất hành vi, hậu quả mà có thể sẽ xử lý hình sự theo tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, với mức phạt lên đến 3 năm tù giam", luật sư Hùng lý giải.
Ngô Thị Thúy Kiều, người thu gom sổ BHXH trên mạng xã hội bị đưa về cơ quan điều tra. - Ảnh: M. Hải. |
Trong khi đó, theo luật sư Quảng, hành vi của những người làm dịch vụ thu gom nhằm kiếm lợi từ sổ Bảo hiểm xã hội được xem là "biến tướng" của nạn cho vay nặng lãi.
Người thu mua sổ hưởng lợi 30-100 triệu đồng sẽ đối diện với mức phạt hành chính 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ 3 năm về tội Cho vay nặng nặng lãi trong giao dịch dân sự, quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.
Người phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Theo luật sư, mặc dù hành vi mua bán, thu gom sổ Bảo hiểm xã hội này có dấu hiệu của tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đây là vấn đề tương đối mới.
"Để hạn chế việc người lao động đem sổ Bảo hiểm xã hội đi bán, cầm cố, thế chấp cũng như ngăn chặn hành vi mua sổ, luật Bảo hiểm xã hội cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp", luật sư Quảng đề nghị.
Trước đó, tại tỉnh Bình Dương, một số người đã lập trang Facebook mạo danh Bảo hiểm xã hội tỉnh này để rao mua sổ bảo hiểm nhằm trục lợi. Đó là Ngô Thị Thúy Kiều và chồng là Lê Quốc Việt (cùng sinh năm 1990, quê Bình Định).
Nhà chức trách xác định vợ chồng Kiều - Việt đã lập trang Facebook giả mạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương để thu mua sổ bảo hiểm của người lao động mất việc do dịch bệnh. Ngoài trang "Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương", cặp đôi này còn lập hàng loạt tài khoản khác để giao dịch như: “Thu mua bảo hiểm xã hội giá cao”, “Thu mua bảo hiểm xã hội”…
Quá trình xác minh vụ việc, cơ quan công an đã thu được hàng chục sổ bảo hiểm xã hội của công nhân và nhiều tài liệu liên quan khác. Bộ Công an đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương điều tra làm rõ những người có hành vi tương tự.