Bà H.T.Th (59 tuổi, xã Tân Việt, Yên Mỹ, Hưng Yên) đã 17 năm chung sống với bệnh viêm khớp dạng thấp, mỗi năm đều đặn 3-4 lần phải lên bệnh viện Bạch Mai khám và lấy thuốc điều trị uống hàng ngày, bệnh có cải thiện tốt, bà đi lại và sinh hoạt cá nhân được.
Khoảng 6 tháng trước khi vào Bệnh viện Phổi Trung ương, bà Th xuất hiện đau khớp gối bên trái, ban đầu bà nghĩ là đó là do bệnh viêm khớp dạng thấp mạn tính của bà, kèm theo cơn đau chưa dữ dội nên đã chủ quan, không khám xét kĩ. Bệnh tiến triển nặng dần, khớp gối bên trái của bệnh nhân ngày càng sưng to, đến khi đau nhiều, không đi lại được, khớp gối vỡ rò mủ mới đến bệnh viện Phổi Trung ương.
Bà H.T.TH cho biết, do chủ quan, một phần do không có kiến thức về bệnh lao khớp nên bà Th đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, các cơ vùng đùi đã teo, khớp đã cứng, không đi lại sinh hoạt được, khớp rò mủ liên tục khiến các cháu nội ngoại không dám đến gần bà nữa.
Tháng 1/2021, sau khi bị sưng, đau rất nhiều tại khớp gối trái, bà Th. lên khám tại bệnh viện Bạch Mai, sau đó được chuyển sang bệnh viện Phổi Trung ương và được xét nghiệm dịch khớp gối phát hiện dương tính với vi khuẩn lao. Ngay lập tức, người bệnh đã được điều trị thuốc lao đa hóa trị liệu, chụp Cắt lớp vi tính thấy khớp gối bị phá hủy, có nhiều mủ áp xe.
Các bác sĩ đã hội chẩn, quyết định thực hiện phẫu thuật làm sạch khớp gối, song song với điều trị đa hóa trị liệu. Cho tới tháng 3/2021, người bệnh nhập viện theo hẹn khám lại, sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm thấy tình trạng viêm giảm nhiều, chụp phim đánh giá không còn áp xe khớp gối nữa, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp quyết định phải tiến hành phẫu thuật thay khớp gối nhằm giúp cho người bệnh có cơ hội trở lại sinh hoạt bình thường.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 tiếng rưỡi, được thực hiện trong môi trường vô khuẩn tuyệt đối với độ chính xác cao. Sau khi phẫu thuật, tình trạng sức khỏe người bệnh ổn định, sau 2 ngày được tập phục hồi chức năng ngay, người bệnh có thể gấp duỗi khớp gối trong phạm vi nhất định, so với trước mổ khớp gối bị cứng, hầu như không gấp duỗi được.
Sau hơn 1 tuần, người bệnh đã có thể bước đi những bước đầu tiên mà không cần sử dụng dụng cụ hỗ trợ, không cần người dìu dắt.
Bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp gối đã có thể tự đứng dậy và đi lại |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Tráng – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: “Phẫu thuật thay khớp gối bằng khớp nhân tạo là một phương pháp tiên tiến giúp bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn chức năng vận động của khớp.
Chỉ định thay khớp gối nhân tạo đa số do thoái hóa khớp, ngoài ra còn chỉ định trong trường hợp chấn thương làm hỏng khớp, các bệnh lí viêm khớp – màng hoạt dịch làm hỏng sụn khớp.
Đối với lao khớp gối, cho đến nay quan điểm một số nước trên thế giới cũng như một số bệnh viện ở nước ta là không thay khớp.
Có một số lí do, thứ nhất việc phẫu thuật thay khớp do lao là rất khó khăn do vi khuẩn lao phá hủy xương nhiều, không như trong bệnh lí thoái hóa chủ yếu tổn thương vùng sụn ở bề mặt, phần xương phía dưới còn khá nguyên vẹn nên việc thay khớp dễ dàng hơn nhiều.
Thứ hai, lao là bệnh lí nhiễm trùng nên một số quan điểm rất ngại đặt dụng cụ nhân tạo.
Thứ ba, trong lao khớp gối thì việc điều trị thuốc lao là yếu tố quyết định thành công.
Trong lao xương khớp nói chung, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời người bệnh có thể khỏi hoàn toàn vừa không để lại di chứng gì. Tuy nhiên người bệnh đến với chúng tôi chủ yếu là ở giai đoạn muộn, khớp đã bị biến dạng và phá hủy nhiều, trước đây đa phần đều làm phẫu thuật hàn cứng khớp.
Từ nhiều năm nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiến hành thay đốt sống nhân tạo, khớp háng, khớp vai do lao cho kết quả rất tốt. Với kinh nghiệm trong phẫu thuật chuyên ngành ngoại lao cùng với việc tư vấn, kiểm soát chặt chẽ việc điều trị lao trước và sau mổ nên bệnh viện đã mạnh dạn tiến hành thay khớp gối cho người bệnh Th. (Hưng Yên)."
Với kết quả thành công của ca thay khớp gối nhân tạo cho người mắc lao xương khớp đầu tiên tại Việt Nam, đây sẽ là cơ hội mới cho những trường hợp mắc lao xương khớp, lao cột sống ở giai đoạn muộn đã có di chứng có thể trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.