Người được nhắc đến là ông Phan Liêm (78 tuổi, trú ở tổ dân phố 22, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Ông Liêm cũng đang là chủ cơ sở đan thuyền thúng mang tên chính mình.
Yêu nghề
Nhâm nhi ly trà nóng, ông Liêm cho hay ông học được nghề từ người bố của mình - một ngư dân nặng lòng với biển. “Bố tôi học nghề đan thúng chai ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam rồi mang về cắc củm hằng ngày. Khi bố mất, tôi đã quyết tâm giữ nghề và theo nữa đời người rồi đó...”, ông Liêm chia sẻ.
Thuyền thúng là phương tiện truyền thống mà ngư dân miền biển thường sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ hoặc sử dụng những cái thúng rái lớn để câu mực “xa bờ”. Nhà ông Liêm có đến 4 đời làm nghề và cháu nội ông hiện mới 15 tuổi cũng nhất định theo cha học nghề. Loại thuyền thúng này được tạo ra từ nhiều công đoạn. Trước hết, tre già phải chắc như tre mỡ được đặt mua từ các huyện Hoà Vang (TP Đà Nẵng) hay Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Tre được chẻ nan phơi gần một tuần và mang vào nhà đan, rồi nức, lận vành bằng cước nilon trắng. Sau đó dùng phân bò tươi quét đều hai mặt trong và ngoài thúng và đem phơi từ 6 - 7 ngày cho khô rồi quét dầu rái để bảo vệ và chống thấm (trong quét 3 lớp, ngoài quét 2 lớp). Sau khi quét dầu rái, phơi thêm vài nắng nữa là bán được...
Sản phẩm của ông Liêm không chỉ xuất khẩu trong nước mà còn đi ra khắp thế giới |
Nhìn đôi mắt chăm chú và tay khéo léo của ông lão đang chau chuốt từng sợi nan, chắc nịch từng nhát chày, tỉ mỉ trong từng nhát dao vót tre, chẻ lạt... để đan chiếc thuyền thúng còn dang dở, tôi thấy thật khâm phục ông ở cái tuổi đã “gần đất xa trời”. Ông Liêm bảo, để làm được thuyền thúng không đơn giản và phải có tâm, phải chịu khổ, phải cẩn thận... “ Gọt tinh tre, ra tre, chẻ nan, vót nan, đan, lận thúng cho tròn... đều phải học kĩ càng và lâu dài. Đặc biệt công đoạn lận thúng phải có tay nghề chắc vì nếu không thúng sẽ không được tròn đâu. Và người thợ cũng phải có sức khỏe dồi dào để dùng kít kéo sát vành thúng và các nan đan lại vào nhau...”, ông Liêm nói.
Thời gian để hoàn thành thuyền thúng nhỏ khoảng từ 3 - 7 ngày còn với thúng lớn khoảng nữa tháng. Bình quân mỗi tháng gia đình ông đan khoảng trên dưới 15 chiếc, loại lớn đường kính 2,2m có giá khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng/chiếc. “Tính ra, mỗi ngày công thì một người thợ thu được khoảng 200 ngàn đồng, chỉ lấy công làm lời thôi nhưng đó là tâm huyết...” - ông Liêm nói.
Vươn ra “biển lớn”
Ông Liêm kể, vào năm 2000 có một đoàn khách du lịch ở Úc đi dạo ở phố phường Đà Nẵng thì đã vô tình thấy cha con ông làm thuyền thúng, họ không ngần ngại khi đưa ra ý định mang thuyền thúng Việt Nam về nước làm du lịch. Ông đã tỏ ra vui mừng và không ngần ngại nhận hàng. “Khách đặt mua hơn 10 chiếc. Khi hoàn thành, họ yêu cầu khắc thêm chữ “thuyen thung made by Phan Liem” (thuyền thúng được làm bởi ông Phan Liêm- PV) lên vành thúng để người khác được biết khiến tôi rất vui. Mấy đứa con tôi đóng thùng và gửi về nước cho họ...”, ông Liêm hào hứng.
Đó cũng là mẻ thúng đầu tiên xuất ngoại của ông Liêm. Kể từ đó, thuyền thúng của cha con ông không chỉ nổi tiếng khắp vùng biển miền Trung, ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mà còn vượt đại dương, có mặt khắp các khu du lịch nổi tiếng ở Philippines, Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp... với câu chữ “tây hóa” trên. Mỗi năm, cơ sở của ông xuất khoảng gần 100 chiếc thuyền thúng ra nước ngoài... Thỉnh thoảng lại có những đoàn khách trong nước và ngoại quốc ghé đến nơi ông Liêm làm thúng. Sự ngưỡng mộ, trầm trồ, khâm phục... của khách là điều không thể thiếu vắng khi đến thăm ông. Không ít lần ông và các con đã hướng dẫn cho những người khách ấy một vài công đoạn thú vị.
“Tôi thấy những chiếc thuyền thúng của cụ Liêm rất độc đáo, chắc chắn và mang tính thẫm mỹ cao. Đó là những dụng cụ không thể thiếu của ngư dân, mong rằng gia đình cụ sẽ giữ nghề này mãi về sau”, chị Lê Phương Anh (du khách Nha Trang) bộc bạch.
Cũng theo ông Liêm, trên địa bàn phường cách đây chừng hơn 20 năm có khoảng 30 cơ sở làm nghề đan thuyền thúng như ông. Tuy nhiên với sự xuất hiện của những chiếc thuyền thúng làm bằng vật liệu composite có giá rẻ được nhiều ngư dân chọn mua khiến các gia đình không bám trụ nổi với nghề và bỏ dần dần... Hiện giờ ba người con trai của ông Liêm là các anh Phan Minh, Phan Ánh và Phan Hữu Tiến cũng nối nghiệp của người cha. “Nói thật thì nghề này cũng như nhiều nghề khác mà thôi, không có gì thú vị cả. Nó cũng chỉ là công việc mưu sinh hàng ngày nhưng tôi thấy vui vì sản phẩm của mình được xuất ngoại và tự hào khi các con theo nghiệp tôi” - ông Liêm chia sẻ.