Người được nhắc đến là bà Nguyễn Thị Mai (SN 1963, trú ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).
Nghe tin ở làng Cảnh Dương có một khu mộ bề thế được người dân xây dựng cho cá voi rất cung kính và mang danh là “làng cá voi”, chúng tôi đã tìm về nơi đây vào một ngày tháng Tư nắng gắt và đầy gió.
Để hiểu rõ hơn về khu mộ cũng như người phụ nữ bỏ công săn sóc các mộ cá voi, theo chỉ dẫn của nhiều người, chúng tôi đã tìm gặp ông Hồ Quang Hướng (58 tuổi, Phó Chủ tịch Hội ngư dân xã Cảnh Dương).
Theo ông Hướng, cũng như nhiều ngôi làng biển khác, người làm nghề đánh cá ở làng Cảnh Dương quanh năm đối mặt với phong ba bão táp ở ngoài khơi. Những lúc gặp nạn thường có một loài cá xuất hiện cứu giúp ngư dân thoát chết, đó chính là cá voi. “Cá voi là loài có tình cảm, nó có cảm nhận và tâm linh như con người. Chuyện cá voi cứu ngư dân gặp nạn trên biển không phải là chuyện lạ mà đã gắn liền với cuộc sống người dân vùng biển. Cũng chính vì vậy, người ngư dân luôn tôn thờ và hết mực yêu quý đối với loài cá này”, ông Hướng nói.
Cũng theo ông Hướng, làng Cảnh Dương có hẳn một nghĩa trang cho cá voi. Trước kia chỉ có vài ngôi mộ, nhưng khoảng 20 năm trở lại đây cá voi lụy vào bờ nhiều nên số lượng ngày càng tăng lên. “Khu mộ cá voi này được một người phụ nữ trong làng tự nguyện trông giữ, hương khói nhiều năm nay nên chắc chắn bà là người am hiểu nhất. Cứ đi về cuối làng hỏi bà Mai canh mộ cá thì ai ai cũng biết”, ông Hướng chỉ dẫn.
Khu mộ dành cho cá voi tại làng Cảnh Dương |
Tiếp đón chúng tôi, bà Mai niềm nở cho hay gia đình bà có truyền thống làm ngư dân và bà đã được nghe ông bà, bố mẹ... kể về truyền thuyết cá voi dạt vào bờ biển của làng. Đến bây giờ ngay cả những bậc cao niên trong làng cũng không rõ nghĩa trang cá voi có từ khi nào. Chỉ biết là nó tồn tại cũng đã rất lâu.
“Cách đây 21 năm, chính xác là ngày 30/6/1997 tôi đi nhặt củi khô ở biển. Tôi thấy miếu thờ cá voi không ai hương khói, quét dọn nên đã dọn dẹp rồi mua hương, hoa quả bánh kẹo về thắp cúng. Xong việc thì tôi thấy rất vui, tâm hồn thanh thản và từ đó về sau, tôi tự nguyện chăm sóc cho khu mộ hằng ngày”, bà Mai nhớ lại.
Nghĩa trang cá voi của làng Cảnh Dương hiện tại nằm sát bờ biển, hướng mình nhìn ra khơi xa. Ở giữa nghĩa trang có ngôi miếu nhỏ với 4 chữ lớn “Phụng vị ngư hào”. Nơi đây có tất cả 24 ngôi mộ cá nằm gọn trong một khuôn viên xây bằng tường rào. Các mộ được cắm bia, đặt tên và chăm sóc chu đáo không khác gì nghĩa trang dành cho người.
Bà Mai nói rằng mỗi lần có cá dạt vào, dân làng sẽ đưa cá về khu mộ, trước khi hạ táng thì bà đích thân nấu nước từ nhiều loại hoa tự nhiên và tắm cho cá thật sạch sẽ rồi mới làm lễ. Lúc chờ hạ táng, dân làng sẽ tổ chức hát chèo cạn, sau đó chọn ra 6 người trai tráng khỏe mạnh chưa lập gia đình để hạ táng các “ngài”. Sau khi hạ táng, khoảng 6- 7 năm sau sẽ bốc mộ và lập bia đá. Khi đó đích thân bà sẽ đặt tên cho từng ngôi mộ và người dân sẽ cho khắc lên bia đá để tưởng nhớ...
“Tất cả ngôi mộ đều có xưng danh rõ ràng, thứ bậc riêng và được xếp theo thứ tự từ lớn đến bé. Hiện tại, toàn khu mộ có 18 ngôi đã được tôi đặt tên, 6 ngôi còn lại mới được hạ táng nên chưa thể bốc mộ”, bà Mai thông tin.
Không chỉ riêng bà Mai, người dân làng biển Cảnh Dương rất coi trọng cá voi, đối xử rất mực cung kính và gọi cá voi là “đức Ông, đức Bà”.
Ngư dân làng Cảnh Dương cũng bảo rằng trước khi ra khơi thì họ vẫn hay đến nghĩa trang cá voi của làng để cầu bình an. Còn hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng, lễ hội cầu ngư cũng được dân làng tổ chức rất trọng thể. Cứ xong lễ cầu ngư thì mọi người thường tìm đến nghĩa trang cá voi thắp một nén hương để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với loài cá thiêng hay cứu giúp người. Thói quen này đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh được gìn giữ từ đời này sang đời khác của người dân làng biển nơi đây...