Lật tẩy mánh khoé kinh doanh của hệ thống làm đẹp Vita Clinic

(Ngày Nay) - Sau khi Sở Y tế TP.HCM phản hồi loạt bài “Loạn thị trường tế bào gốc làm đẹp” mà Ngày Nay đăng tải, toà soạn tiếp tục nhận được phản ánh của độc giả về nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực làm đẹp bằng tế bào gốc trái phép. Trong đó, hệ thống Vita Clinic là đơn vị nổi cộm với nhiều thủ thuật “móc túi” khách hàng.

Bài 1: Hào nhoáng bên ngoài, bát nháo bên trong

Thành lập vào năm 2016, chuỗi thẩm mỹ Eri International liên tục bị khách hàng phàn nàn “thao túng tâm lý” khi được nhân viên của cơ sở làm đẹp tư vấn kiểu “up sale” để moi tiền trong lúc sử dụng dịch vụ, kèm với đó là nhiều sai phạm bị cơ quan chức năng xử phạt.

Tháng 12/2021, hệ thống làm đẹp Eri International đổi tên thương hiệu và vận hành dưới tên Vita Clinic. Tại TP.HCM, Vita Clinic thuộc Công ty TNHH Esme Quá Đẹp Việt Nam (Tầng 3, Khu 1, số 346, Đường Bến Vân Đồn, Phường 1, Quận 6) đăng ký hoạt động kinh doanh với 7 chi nhánh.

Lật tẩy mánh khoé kinh doanh của hệ thống làm đẹp Vita Clinic ảnh 1

Nhiều độc giả phản ánh hệ thống Vita Clinic “móc túi” khách hàng.

Nhiều bác sĩ không đăng ký hành nghề

Theo các quảng cáo trên không gian mạng, hệ thống Vita Clinic tự nhận là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành thẩm mỹ với đội ngũ bác sĩ hùng hậu, chuyên môn cao. Thế nhưng, thực tế không giống như quảng cáo bởi hàng loạt bát nháo về nhân sự và chuyên môn. Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho thấy, 7 chi nhánh thẩm mỹ của Công ty Esme Quá Đẹp Việt Nam hiện được cấp 7 giấy phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa da liễu.

Theo đó, bác sĩ Lâm Bình Diễm phụ trách chuyên môn tại cơ sở Vita Clinic địa chỉ Tầng 3, Toà nhà Thảo Điền Pearl, 12 Quốc Hương, Thảo Điền, Thủ Đức. Bác sĩ Lê Thảo Hiền phụ trách chuyên môn tại cơ sở Vita Clinic địa chỉ Tầng 3 Trung tâm Thương mại Vincom Center Landmark 81, 772 Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thanh phụ trách chuyên môn tại cơ sở Vita Clinic địa chỉ Lầu 7 Toà nhà Sài Gòn Centre, 65 Lê Lợi, Phường Bến Nghé, quận 1.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trang phụ trách chuyên môn tại cơ sở Vita Clinic địa chỉ Lầu 3 Toà nhà Pico Plaza 20 Cộng Hoà, Phường 12, quận Tân Bình. Bác sĩ Trần Vũ Anh Đào phụ trách chuyên môn tại cơ sở Vita Clinic địa chỉ Lầu 4 Toà nhà SC Vivo City 1058 Nguyễn Văn Linh, Phường Tân Phong, Quận 7. Bác sĩ Lư Huỳnh Thanh Thảo phụ trách chuyên môn tại cơ sở Vita Clinic địa chỉ Tầng 4 Trung tâm Thương mại Gigamall 242 Phạm Văn Đồng, Phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Bác sĩ Trần Khiêm Hùng phụ trách chuyên môn tại cơ sở Vita Clinic địa chỉ Lầu 3 toà nhà Pearl Plaza 561A Điện Biên Phủ, Phường 25, quận Bình Thạnh.

Ngoài 7 bác sĩ này, hệ thống Vita Clinic tại TP.HCM không có thêm bác sĩ nào đăng ký hành nghề. Thế nhưng hiện tại đang có tình trạng nhiều bác sĩ không đăng ký hành nghề tại các cơ sở trên nhưng thường xuyên “chạy sô” qua lại giữa các chi nhánh Vita Clinic để hoạt động khám, chữa bệnh. Danh sách bác sĩ mà phóng viên có được gồm: Đoan Trang, Ngọc Hà, Tuấn Anh, Kiều Nga, Hà Anh, Thanh Bình, Mỹ Duyên, Lê Thị Loan. Đối với các bác sĩ đứng tên phụ trách chuyên môn trên giấy phép hoạt động, dường như họ chỉ là “cây cảnh”.

Lật tẩy mánh khoé kinh doanh của hệ thống làm đẹp Vita Clinic ảnh 2

Tra cứu thông tin từ Sở Y tế TP thì không có bác sĩ Lê Thị Loan nào đăng ký hành nghề tại cơ sở Vita Clinic chi nhánh Sài Gòn Centre và Landmark 81.

Trong vai khách hàng, chúng tôi thường xuyên đến làm đẹp tại các cơ sở Vita Clinic, mỗi lần lại được diện kiến một bác sĩ khác nhau. Ngày 30/7, chúng tôi được bác sĩ Lê Thị Loan thăm khám da tại Vita Clinic cơ sở Landmark 81. Ngày 31/8, khi đặt lịch đến chăm sóc da với bác sĩ Lê Thị Loan thì phóng viên lại được mời đến cơ sở Saigon Centre. Về lịch thăm khám của các bác sĩ trong ngày 31/8, nhân viên tư vấn của hệ thống Vita Clinic cung cấp như sau: Bác sĩ Đoan Trang làm việc ở Pearl Plaza, bác sĩ Tuấn Anh làm việc ở Vivo City, bác sĩ Thanh Bình làm việc ở Landmark 81, bác sĩ Mỹ Duyên làm việc ở Gigamall, bác sĩ Hà Anh làm việc ở Thảo Điền Pearl.

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm thực hiện đăng ký hành nghề cho người hành nghề làm việc tại cơ sở mình, gửi danh sách đến cơ quan có thẩm quyền để được xét duyệt, đăng tải công khai trên cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh ngành y tế. Nhiều bác sĩ tại TP.HCM đã bị tước giấy phép hành nghề liên quan đến việc khám, chữa bệnh “lụi” này.

Dịch vụ tế bào gốc “chui”

Trong nhiều bài phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, bà Dee Trương – CEO hệ thống Vita Clinic từng giới thiệu về phương pháp làm đẹp độc quyền dành cho phụ nữ Việt Nam. Theo đó, bà chia sẻ: “Vita Clinic theo đuổi vẻ đẹp đích thực từ bên trong, phương thức này bao gồm ba yếu tố cốt lõi là “điều trị thẩm mỹ”, “trẻ hoá từ bên trong” và “liệu pháp tế bào”.

Lật tẩy mánh khoé kinh doanh của hệ thống làm đẹp Vita Clinic ảnh 3

Nhân viên Vita Clinic chi nhánh Pearl Plaza đang tư vấn tế bào gốc mô mỡ cho khách hàng.

Khi tìm hiểu về phương pháp độc quyền mà bà Dee Trương giới thiệu, chúng tôi mới vỡ lẽ “liệu pháp tế bào” mà hệ thống Vita Clinic đang cung cấp cho khách hàng là những dịch vụ chui, tiềm ẩn rủi ro cao cho khách hàng. Bộ Y tế Việt Nam cấm sử dụng tế bào gốc người và động vật để thực hiện làm đẹp vì thực hư tác dụng của nó chưa được nghiên cứu rõ ràng.

Trong bảng giá dịch vụ mà hệ thống Vita Clinic cung cấp, liệu pháp tế bào gốc có đến 9 kỹ thuật với các mức giá khác nhau. Kỹ thuật RSC, RCS – Female, MSC – Male, MSC – Female đồng giá 28 triệu đồng. Kỹ thuật DSC và BSC đồng giá 39 triệu 200 nghìn đồng. Kỹ thuật PRP Basic giá 20 triệu đồng. Kỹ thuật JESC 2ml giá 130 triệu đồng. Kỹ thuật JESC 5ml giá 290 triệu đồng. Với mỗi kỹ thuật đều đi kèm những bài viết rất chi tiết, giới thiệu về dịch vụ.

Tại các màn hình quảng cáo đặt ở quầy tư vấn, Vita Clinic cũng giới thiệu rầm rộ về công nghệ chiết tách và tác dụng chống lão hoá của tế bào gốc trung mô mỡ. Tư vấn cho chúng tôi, nhân viên của Vita Clinic cơ sở Pearl Plaza cho biết: “Hệ thống bên em liên kết với Bác sĩ người Nhật, chị cần phải làm xét nghiệm trước, sau đó bên em sẽ gửi kết quả xét nghiệm này cho Bác sĩ bên Nhật xem. Bác sẽ lên phác đồ xem chị cần truyền bao nhiêu tỷ tế bào, từ đó mới báo giá cụ thể cho chị được. Sau khi có kết quả từ Nhật, bên em sẽ liên hệ chị đến để lấy mỡ bụng, gửi sang Nhật chiết tách và truyền lại vào người chị”.

Khi thấy khách hàng lưỡng lự về giá cả không được rõ ràng, nhân viên của Vita Clinic nói: “Chị yên tâm, dịch vụ này khách bên em đã làm nhiều nhưng truyền tế bào gốc mỗi người là khác nhau do đó phải có kết quả xét nghiệm và ý kiến bác sĩ em mới báo giá chi tiết được”.

Truy cập website vitaclinic.vn cũng có những bài viết giới thiệu về tế bào gốc như: “FSC - Liệu trình trị nám, hồi sinh làn da từ tế bào gốc của Vita Clinic”, “Tại Vita đang có các sản phẩm tế bào gốc như FSC (Tế bào gốc từ mỡ) để tái tạo và trẻ hoá da, kích thích mọc tóc; tế bào gốc từ tuỷ răng sữa DSC với hoạt tính mạnh giúp trẻ hoá da tối ưu…”.

Lật tẩy mánh khoé kinh doanh của hệ thống làm đẹp Vita Clinic ảnh 4

Thông tin quảng cáo về tế bào gốc trên trang vitaclinic.vn và quảng cáo tế bào gốc trung mô công khai tại các cơ sở của Vita Clinic.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết tại Việt Nam, điều trị tế bào, đặc biệt là tế bào gốc còn mang tính tự phát, nhiều nơi ứng dụng không đúng quy định. Đặc biệt, nhiều quảng cáo không được kiểm chứng khoa học, có thể gây hậu quả cho người hoặc hiệu quả không rõ ràng gây tốn kém.

Việc sử dụng tế bào gốc trong làm đẹp hiện nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, ngay cả trong các bệnh viện công cũng chưa chính thức đưa vào để thực hiện vì ẩn chứa nhiều rủi ro. Thế nhưng, Vita Clinic chỉ là một đơn vị tư nhân có phạm vi hoạt động phòng khám da liễu, không hiểu vì lý do gì vẫn công khai bán dịch vụ tế bào gốc trái phép cho khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sử dụng những thủ thuật qua mặt cơ quan chức năng để kiếm lợi nhuận mà chúng tôi sẽ đề cập ở bài sau. Bài 2: Sự thật về viện điều trị nội tiết trị bách bệnh.

TIN LIÊN QUAN
Hố lớn trên đường lăn sân bay Miyazaki sau vụ nổ bom. Ảnh: CNN.
Bom từ Thế chiến II phát nổ tại sân bay Nhật Bản
(Ngày Nay) - Một quả bom Mỹ chưa được phát hiện từ Thế chiến II đã phát nổ tại một sân bay của Nhật Bản, khiến cho hơn 80 chuyến bay bị ảnh hưởng và phải hoãn lại. Chính quyền Nhật Bản cho biết vụ việc không gây ra bất kì thương vong nào.
Hình logo OpenAI được chụp vào ngày 20/5/2024. Ảnh: Reuters.
Những tính năng mới của OpenAI nâng cấp quá trình tạo giọng nói
(Ngày Nay) - OpenAI đã hé lộ một loạt các công cụ mới giúp các lập trình viên dễ dàng tạo ra những phần mềm ứng dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt là trong bối cảnh khi ChatGPT đang phải cạnh tranh với những “ông lớn công nghệ” khác để theo kịp cuộc đua AI.
Mỹ áp đặt lệnh cấm lên các công ty thép và phụ gia thực phẩm của Trung Quốc
Mỹ áp đặt lệnh cấm lên các công ty thép và phụ gia thực phẩm của Trung Quốc
(Ngày Nay) - Mỹ đã cấm nhập khẩu hàng hoá từ hai công ty Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 3/10. Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm loại bỏ các hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng của quốc gia này.