Viện chăm sóc sức khoẻ và Sắc đẹp Thanh Hằng Beauty Medi tại cơ sở số 9 Phùng Khắc Khoan, Quận 1. |
Kinh doanh tế bào gốc không phép
Bộ Y tế Việt Nam chưa cấp phép sử dụng tế bào gốc người và động vật để làm đẹp. Thế nhưng, vì thị hiếu khách hàng và lợi nhuận khổng lồ từ dịch vụ này đem lại nên nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn lén lút mời chào, cung cấp trái phép.
Lâu nay, trong giới thẩm mỹ thường truyền tai nhau về hệ thống thẩm mỹ Thanh Hằng chuyên cung cấp các dịch vụ tế bào gốc tiền tỷ dành cho nghệ sĩ và những khách hàng lắm tiền. Để kiểm chứng, chúng tôi theo chân một khách hàng đến Viện chăm sóc sức khoẻ và Sắc đẹp Thanh Hằng Beauty Medi tại cơ sở số 9 Phùng Khắc Khoan, Quận 1. Tại đây, chúng tôi được nữ bác sĩ Hàn Quốc có tên Shin Kyoung Mi khám da. Tiếp đến, PV được đưa ra khu vực riêng để một nhóm nhân viên báo giá về các dịch vụ.
Theo đó, đối với làn da của khách hàng, bác sĩ Shin Kyoung Mi sẽ thực hiện tiêm săn chắc da và tạo hình, sau đó tiêm tinh chất tế bào gốc cá hồi trẻ hoá da và đắp mặt nạ với tổng giá giảm còn 115 triệu đồng. Để củng cố niềm tin cho khách hàng, một nữ nhân viên mở hình Hoa hậu Jennifer Phạm cho chúng tôi xem và nói: “Đây là ảnh trước khi Jennifer thực hiện dịch vụ, khách hàng nào xem ảnh này cũng nói Jennifer xấu quá, nhưng sau khi tiêm tế bào gốc, chị ấy khác hẳn”.
Không chỉ Jennifer Phạm mà qua lời của những nhân viên ở đây, được biết rất nhiều người nổi tiếng trong giới showbiz Việt đã sử dụng dịch vụ tiêm tế bào gốc không phép của Thanh Hằng Beauty Medi.
Catalog quảng cáo về tế bào gốc cá hồi của Thanh Hằng Beauty Medi |
Có thể thấy, việc cung cấp dịch vụ tế bào gốc trái phép của hệ thống thẩm mỹ này đã tồn tại từ lâu. Nhờ vậy, mặc dù bán các sản phẩm chưa được Bộ Y tế công nhận nhưng vẫn được những người nổi tiếng và khách hàng lắm tiền tìm đến để sử dụng. Thậm chí, dù là dịch vụ không phép nhưng vẫn được người có sức ảnh hưởng đến công chúng như Hoa hậu Jennifer Phạm đồng ý sử dụng hình ảnh để quảng cáo.
Ngoài cung cấp dịch vụ tiêm tế bào gốc, Thanh Hằng Beauty Medi còn bán các sản phẩm mỹ phẩm tế bào gốc nhau thai được giới thiệu nhập khẩu từ Nhật Bản, Tây Ban Nha gồm: kem dưỡng da nhau thai Tennenbi, kem chống nắng Tennenbi, tinh chất ngăn ngừa nám nhau thai Tennenbi.
Quảng cáo, bày bán công khai hàng loạt sản phẩm làm đẹp da bằng tế bào gốc không phép, nhưng vì sao cho đến nay đơn vị này chưa bị cơ quan chức năng “sờ gáy” vẫn là một dấu hỏi lớn?
Khách hàng cần cẩn trọng
Theo TS. BS Trần Nguyễn Ánh Tú - Trưởng khoa thẩm mỹ Da - Bệnh viện Da liễu TP HCM: “Bệnh viện Da Liễu tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị tai biến do việc uống, bôi, tiêm tế bào gốc, điểm chung của những trường hợp này là họ mang tiếng sử dụng tế bào gốc nhưng đa số là đó là những thành phần chiết xuất từ tế bào gốc, môi trường tế bào gốc hoặc dán nhãn tế bào gốc nhưng đó không phải là tế bào gốc thật sự. Tiêm tế bào gốc vào cơ thể, bên cạnh những lợi ích mà theo giả thuyết là nó có thể như vậy thì nó vẫn có những tác dụng phụ như chúng ta không thể kiểm soát được khi tế bào gốc tiêm vào trong cơ thể mình nó sẽ tăng sinh, biệt hoá như thế nào. Chính vì điều này nên việc sử dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ vẫn còn đang được nghiên cứu nhiều hơn nữa trước khi được đưa vào ứng dụng rộng rãi. Tế bào gốc trong thẩm mỹ không thật sự an toàn như những lời quảng cáo”.
Nhiều loại mỹ phẩm tế bào gốc đang được Thanh Hằng Beauty Medi kinh doanh |
Theo các chuyên gia tế bào gốc Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia) và ý kiến của một số bác sĩ chuyên ngành thì cho đến nay Việt Nam chưa hề được tiếp cận với những công bố về mặt khoa học thực sự của các phòng nghiên cứu chính thống trên thế giới đối với những dạng mỹ phẩm liên quan đến “tế bào gốc”.
Ngay cả trong điều trị bệnh, việc sử dụng công nghệ tế bào gốc cũng khá ngặt nghèo, dè dặt vì tế bào gốc bên cạnh những ưu việt nổi trội cũng có phản ứng ở khía cạnh nào đó khá giống với tế bào ung thư nên không thể khống chế được hoàn toàn. Việc sử dụng sản phẩm tế bào gốc tại Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn nghiên cứu, chỉ mới có một số Bệnh viện lớn đủ điều kiện phòng lab và trang thiết bị tối tân mới được phép áp dụng trong điều trị bệnh lý chứ không được phép áp dụng trong thẩm mỹ.
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cũng cho biết, hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi và những ứng dụng của tế bào gốc vẫn trong vòng thí nghiệm chứ chưa có một quy trình rõ ràng trong điều trị thật sự cho bệnh nhân. Ngay cả trên thế giới, tế bào gốc và những chất có nguồn gốc tế bào gốc thậm chí còn bị cấm dùng trong các sản phẩm mỹ phẩm tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kích thước của tế bào gốc khoảng 15 - 20 micromet nên chúng không thể thâm nhập qua da. Hơn nữa, nguồn tế bào gốc (nếu có) trong mỹ phẩm hoàn toàn khác với cấu trúc tế bào của người sử dụng, do vậy sẽ xảy ra phản ứng đào thải tế bào lạ và gây ra phản ứng viêm hoặc dị ứng cho người sử dụng.