Lễ công bố ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tối 1/2 (tức 11 tháng Giêng năm Quý Mão), Lễ công bố Quyết định ghi danh “Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai mạc Lễ hội năm 2023 đã được tổ chức.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (bên phải) trao chứng nhận “Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (bên phải) trao chứng nhận “Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh cùng đông đảo du khách thập phương và nhân dân đã dự lễ.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 132 di tích được xếp hạng; 714 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 4 di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Mới đây, ngày 16/01/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ công bố ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia ảnh 1
Nghi lễ dâng hương tại Lễ hội Đền Đông Cuông. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Bản sắc văn hóa trong Lễ hội đền Đông Cuông đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt. Là một trong những lễ hội đặc sắc, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính, một sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh độc đáo được tổ chức thường niên, mang thương hiệu riêng của huyện Văn Yên và tỉnh Yên Bái.

Tại buổi Lễ, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định ghi danh “Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ công bố ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia ảnh 2
Lễ hội truyền thống Đền Đông Cuông giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Trao Quyết định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Yên Bái xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội đền Đông Cuông; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của Lễ hội; lập quy hoạch tổng thể, quan tâm hoàn thiện hạ tầng giao thông, cảnh quan môi trường sinh thái cùng với tu bổ, tôn tạo Di tích đền Đông Cuông; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến thực hành tín ngưỡng, công tác tổ chức, hoạt động lễ hội…

Tiếp sau Lễ công bố và trao Quyết định chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia là chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng với chủ đề “Linh thiêng thánh Mẫu Thượng Ngàn”, gồm 3 chương: Múa kịch sử thi Truyền tích mẫu Đông Cuông với màn nhạc vũ kịch kết hợp âm nhạc, múa giới thiệu về truyền tích Mẫu Đông Cuông và đền Đông Cuông; “ Linh thiêng đất Mẫu” với màn múa, hát chèo Văn Yên vào hội, màn hát múa Giá Mẫu Đông Cuông; “Văn Yên ngày mới” thể hiện bằng các tác phẩm hát, múa hiện đại ca ngợi mùa Xuân, ca ngợi quê hương Văn Yên, Yên Bái đang từng ngày khởi sắc. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, diễn viên chuyên và không chuyên của Trung ương và địa phương.

Điểm đặc biệt trong Lễ hội đền Đông Cuông năm nay là sau lễ rước Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia từ khu vực sân khấu vào trong Đền chính có sự kết hợp giữa màn diễu rước và màn múa xòe Tày cổ hầu Mẫu tại khu vực sân chính của đền với sự tham gia của 300 phụ nữ dân tộc Tày Khao của hai xã Tân Hợp và Đông Cuông, đem đến cho nhân dân và du khách ấn tượng đặc biệt về sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Tày từ lâu đời trên vùng đất thượng lưu sông Hồng.

Lễ công bố ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia ảnh 3
Nhiều tiết mục văn hoá văn nghệ đặc sắc tại Lễ hội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Từ lâu, Đông Cuông đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng và được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

Ngôi đền là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, cũng là nơi thờ các vị anh hùng dân tộc đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII và các vị thủ lĩnh người Tày, người Dao đã anh dũng hy sinh trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm Giáp Dần 1914.

Với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành và nhân dân, đến nay, đền Đông Cuông đã có diện mạo khang trang, bề thế, phong quang, sạch đẹp, thể hiện được sự uy nghiêm, linh thiêng, được đông đảo du khách ghi nhận, đánh giá cao khi đến tham quan, chiêm bái.

Chương trình Lễ hội đền Đông Cuông diễn ra trong hai ngày 1-2/2 (tức ngày 11-12 tháng Giêng) với nhiều hoạt động đặc sắc khác như: Nghi lễ dâng trâu tế thần theo truyền thống tại cây mít cổ thụ trước cửa đền chính - đền Đông Cuông; Lễ dâng Chúc văn; nghi lễ rước Mẫu sang sông; nghi lễ cúng chính tiệc và các hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi…, tạo không khí tưng bừng phấn khởi cho nhân dân những ngày đầu Xuân mới.

Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.