Mang Tết Việt sang trời Tây

(Ngày Nay) - Sân bay Nội bài ngày mồng 8 Tết năm Mậu Thìn (24/2/1988), cô gái trẻ Đỗ Thị Thanh Vân chia tay bố mẹ, họ hàng và người yêu để đi xuất khẩu lao động ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Đó là cái Tết cuối cùng ở Việt Nam mà chị được đón Tết trọn vẹn…
Chị Thanh Vân (giữa) cùng các bạn ngoại quốc làm bánh chưng
Chị Thanh Vân (giữa) cùng các bạn ngoại quốc làm bánh chưng

Bỡ ngỡ xứ người

Trước ngày chia tay, còn bao nhiêu tiền mà mọi người tặng, Đỗ Thị Thanh Vân đã trao cho người mình yêu - lúc đó đang là bộ đội đóng quân ở biên giới phía Bắc - kịp về tiễn cô lên đường với một mong muốn tha thết trong lòng là anh sẽ dùng số tiền đó để mua tem, gửi thư cho cô đều đặn. Ngày ấy kinh tế chưa có, mua tem đã khó, huống chi anh đi biền biệt nơi biên giới…  Vậy nhưng, anh đã trao hết số tiền này cho mẹ của cô ở quê nhà - điều này về sau các em viết thư gửi sang Đức, cô mới hay.

Hành trang mang theo người của chị Đỗ Thị Thanh Vân là những lá thư của người yêu, của các bạn đi học xa nhà và cả những lời dặn dò của bố mẹ. Cái tết Mậu Thìn cách đây 30 năm đã ăn sâu vào ký ức của cô gái trẻ 19 tuổi mà nay đã trở thành người phụ nữ 49 tuổi.

Mang Tết Việt sang trời Tây ảnh 1

Những ngày đầu xa quê, trog nhịp sống xô bồ mưu sinh ở xứ người, nỗi nhớ bố mẹ và quê hương cồn cào khiến cô gái 19 tuổi không thể chợp mắt. Ban ngày đi làm quần quật, buổi tối của Vân là những khoảng lặng nhớ nhung quê nhà, là những giọt nước mắt chảy vội trên những trang thư còn thơm mùi giấy. Thời đó nếu có thư thì nhanh nhất cũng phải 3 tuần Vân mới nhận được.

“Niềm vui lớn nhất của chúng tôi ngày đấy là được nhận thư. Quê mới, mọi thứ đều lạ lẫm từ con người, khí hậu, đồ ăn và ngôn ngữ. Đội lao động của chúng tôi ngày đó toàn sàn sàn tuổi nhau, rất trẻ và nhiều bỡ ngỡ nên không có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống ở xứ người. Mọi thứ đi từ vạch xuất phát, chúng tôi phải bắt đầu tự lập” – chị Thanh Vân kể.

Những ngày đầu, hương vị quê hương vẫn còn vương vấn và đầy ắp vì trong đội lao động, ai cũng nhét đầy balo những đồ ăn Việt vì không quen đồ ăn bơ sữa…  Hết thời gian 2 tháng học tiếng, cả nhóm xuất khẩu lao động bắt đầu các ngã rẽ, được sắp xếp chia vào nhà máy làm việc, 2 hoặc 3 ca tuỳ theo từng công việc cụ thể.

“Nhịp sống cứ thế vào nếp. Chúng tôi bắt đầu quen với guồng làm việc của nước bạn, quen dần với môi trường, cuộc sống và cách sinh hoạt ở đất mới. Lúc ấy tuổi trẻ dạt dào, nhóm phụ nữ sàn sàn tuổi nhau lại đông nên cuộc sống mới với chúng tôi khá vui và phấn khởi. Cứ đến ngày lễ tết, sinh nhật của ai đó, chúng tôi đều tổ chức tập thể linh đình để xua đi  nỗi nhớ quê sâu thẳm trong lòng mỗi đứa”.

Cả trời thương nhớ trong chiếc bánh chưng

“Qua một năm đầu, chúng tôi cũng quen dần và cũng đã biết làm những món ăn quê hương bằng cách giữ lại quà của nhà gửi sang chứ không bán nữa. Món Nem rán là sở trường của chị em chúng tôi ngày đó” – chị Vân hồi tưởng.

Mang Tết Việt sang trời Tây ảnh 2

Rồi chị cười: “Bạn hỏi Tết ư? - Ngày đó chúng tôi không có Tết, hay đúng ra là không có ngày Tết, ban lãnh đạo đội và nhà máy tổ chức cho phép chúng tôi vui chơi tập thể chứ chưa có ngày lễ Tết trong từng cá nhân. Có lẽ ngày đấy còn trẻ quá. Ngày 7/10/1989 nước Đức xảy ra đảo chính, suốt một thời gian sau đó, những người lao động như chúng tôi bị trả về nước rất nhiều. Những người ở lại thì cũng chưa biết chắc mình sẽ đi đâu về đâu? có được ở lại không? ở lại sẽ ra sao và sẽ ăn ở thế nào? Cũng trong thời gian này, hàng hoá người Việt ở trời tây nước Đức đã tràn sang rất nhiều, chúng tôi đã có đồ ăn mang hương vị quê hương như gạo nếp, đỗ xanh, nước mắm, măng khô… Vì vậy cái Tết của chúng tôi cũng đã dần dần đầy đủ hơn và tự mỗi người lo Tết vì lúc này nhà máy đã thuộc tư nhân”…

Sau vài năm bắt kịp cuộc sống xứ người, chị Đỗ Thanh Vân và các bạn xa quê bắt đầu có những chiếc bánh chưng cho ngày Tết nhưng được gói bằng giấy bạc và nilon, không có sợi lạt đậm chất Việt như ở quê mẹ. Ai cũng rung rung xúc động, “cầm chiếc bánh trong tay thấy cả trời thương nhớ”.

Thời gian trôi qua. Cái Tết của những người Việt xa xứ dần đầy đủ như ở quê nhà, chỉ thiếu cái không khí ấm áp thiêng liêng của gia đình, của trời Việt. “Chúng tôi được phép ở lại định cư tại Đức, rồi dần hình thành một xã hội Việt Nam, bắt đầu có thế hệ thứ 2, thứ 3 được chào đời và lớn lên tại Đức. Tôi nhận ra, nhu cầu gìn giữ và truyền bá văn hoá dân tộc Việt trên xứ người cần phải được trân trọng, để con cháu tôi biết thế nào là Tết truyền thống, hiểu thế nào là bánh chưng, xôi xéo, hoa đào… Việc giữ gìn Tết Việt được những người thuộc thế hệ nhập cư đầu tiên như chúng tôi thực hiện” – chị Vân nói.

Theo năm tháng, những hội đoàn của người Việt dần hình thành trên nước Đức, mục tiêu chung của những người Việt xa xứ là gìn giữ bản sắc dân tộc cho thế hệ sau và giới thiệu văn hóa đẹp của người Việt với bạn bè nước sở tại.

Mang Tết Việt sang trời Tây ảnh 3

Theo chị Đỗ Thanh Vân, mỗi hội đoàn người Việt trên nước Đức thường chọn một ngày cuối tuần gần nhất vào dịp Tết Nguyên đán để tổ chức cho toàn thể bà con cộng đồng chung vui đón Tết cổ truyền. Tại buổi lễ đón Tết này, các tiết mục ca nhạc, các món ăn truyền thống được trình diễn hấp dẫn, bày biện cầu kỳ để giúp các cháu thế hệ thứ 2, thứ ba và bạn bè người Đức hiểu về Tết Việt. Sau  mỗi buổi lễ, sự đoàn kết và gắn bó của bà con cộng đồng người Việt trên nước Đức dường như gần gũi hơn, thắt chặt hơn.

Chị Vân nói thêm: “Cá nhân tôi, tại gia đình nhỏ bé của mình, tôi luôn có cỗ cúng ông công ông táo và tôi luôn giải thích với các con ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp này. Mâm cỗ cúng Giao thừa tôi cũng vẫn luôn sửa soạn đầy đủ như ở quê hương, cũng mâm ngũ quả, gần đây còn có cả đào, quất, mai nhập từ Việt nam sang. Thiêng liêng và đủ đầy cho một mùa Xuân mới. Năm nào cũng thế, đúng 18h bên Đức (trùng với giờ Giao thừa tại Việt Nam), sau khi thắp nén hương lên ban thờ tổ tiên, cả gia đình chúng tôi thành kính chắp tay khấn tổ tiên, trời đất phù hộ cho cả gia đình một năm mới no đủ. Ngày giao thừa không thể thiếu những lời chúc tụng, quà mừng tuổi và đặc biệt là những lời căn dặn các con trong năm mới. Khi đã hoàn tất những việc trên, chúng tôi nhấc điện thoại gọi về quê chúc Tết hai bên gia đình nội - ngoại. Cả nhà truyện trò vui vẻ chờ hết hương, xin lộc, cùng nhau sum vầy trong không khí ấm cúng nhỏ bé nơi đất khách”.

Rồi chị ngậm ngùi, “xa quê càng lâu thì hình như con người ta càng muốn giữ lại những nét đặc trưng của quê mình. Tôi rất sợ đánh mất không khí thiêng liêng của Tết Việt giữa xứ người”. Chính vì vậy, chị Vân luôn là người xông xáo, tiên phong tổ chức các ngày lễ Tết, tập hợp các cháu gái và đặc biệt cả các bạn người Đức của các cháu đến để dạy các cháu gói bánh chưng... Nhiều dịp lễ, chị dạy con cháu làm bánh trôi bánh chay, nem rán, xôi xéo, bánh dày… Những đặc sản Việt không chỉ dạy con cháu lòng yêu quê, tìm  về nguồn cội, mà còn giúp chị Vân bán hàng thu lợi nhuận. Số tiền bán quà quê được bao nhiêu chị mang ủng hộ cho dự án Cơm có thịt ở quê nhà hết cả, khi thì 500 Eu, lúc được 1.000 Eu…

“30 năm xa quê, hơn lúc nào hết, tôi và những người thuộc thế hệ nhập cư đầu tiên tại Đức luôn khao khát giữ được và sẽ tiếp tục giới thiệu những nét đẹp, nét truyền thống của đất nước Việt Nam sang xứ người”. Không chỉ chị Đỗ Thanh Vân, rất nhiều phụ nữ Việt trên nước Đức, Mỹ, Canada… đang cùng chung tay, nỗ lực góp sức mình gìn giữ và quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc biệt của người Việt tới các thế hệ trẻ ở nước ngoài, tới bạn bè năm châu quốc tế.

“Quê hương mỗi người chỉ một”, với chị Vân, giữ Tết quê, giữ hồn Việt trong Tết cổ truyền là cách để thể hiện lòng yêu quê hương, yêu nước nồng nàn của mình.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.