Bất ngờ “phải lòng” Việt Nam
Năm nay tròn 34 tuổi, James là con út trong một gia đình có 3 anh em ở Spring Field, Ohio, Mỹ. Anh cười nói, anh “bén duyên” với Việt Nam một cách rất tình cờ.
“Lần đầu tiên Kendall đến Việt Nam theo lời mời của anh trai đang giảng dạy tại một trường đại học ở Việt Nam. Ngày đó, Kendall chưa biết nhiều về Việt Nam, gia đình, bạn bè… cũng không có ai tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam nên lý do để Kendall bay qua nửa vòng trái đất chủ yêu là để thăm anh mình” – Kendall nói.
James Joseph Kendall và các hoạt động làm sạch môi trường ở Hà Nội |
Giống như bao khách du lịch Mỹ, Việt Nam đơn giản chỉ là một điểm du lịch ở châu Á, giống như rất nhiều quốc gia ở châu Á khác mà Kendall từng đặt chân đến. Anh nói vui, quyết định đến mảnh đất hình chữ S này với tâm thế của một khách vãng lai, không tìm hiểu trước, không đặt quá nhiều kỳ vọng. Vậy mà, ngay từ lần đầu đến, Việt Nam đã chinh phục trái tim Kendall: “Con người Việt khá thân thiện, làng xóm yên bình với những căn nhà mái dốc lớp ngói hoặc rơm rạ, vô cùng thân thương. Tôi nhận ra một thế giới ấm áp, dân dã rất riêng mà chỉ ở Việt Nam mới tìm thấy. Không phải thế giới của bê tông hóa, những tòa nhà chọc trời, những ngả đường chen kín ô tô…”.
Lần “chạm mặt” chóng vánh trong 1 tháng ấy kết thúc trong nước mắt. Kendall khóc như đứa trẻ khi chia tay anh về Mỹ và bị thôi thúc trong lòng, nhất định phải quay trở lại Việt Nam một lần nữa.
Ngày anh trai Kendall kết thúc công việc ở Việt Nam về nước, Kendall quyết định trở lại và quyết định táo bạo hơn: ở một mình tại Việt Nam lâu dài. “Tôi không thể lý giải được hành động hay suy nghĩ của mình. Chỉ thấy rằng tôi hạnh phúc khi ở Việt Nam”- Kendall chia sẻ. Kendall thuê một căn nhà nhỏ ở quận Tây Hồ để “định cư”. Ngày ngày anh đi dạy tiếng Anh cho trẻ em Việt. Chỉ trong một thời gian ngắn, Kendall đã thuộc đường, học cách “hòa nhập” với giao thông Thủ đô, tìm hiểu về văn hóa, cách người Việt sinh hoạt. Anh nói, gia đình anh ở Mỹ ủng hộ con trai vô điều kiện. Mỗi năm anh về Mỹ thăm bà và mẹ một lần, sau đó lại quay trở về Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình.
Gia đình nhỏ ở Mỹ, gia đình to chính là Việt Nam
So với cuộc sống hiện đại, đầy đủ tiện nghi ở Mỹ, Việt Nam nghèo chẳng thể “đuổi kịp”. Nhưng với Kendall, cuộc sống ở Việt Nam cứ bình yên là đủ, nó khiến anh hạnh phúc. “Bây giờ mà tôi phải trở về Mỹ, tôi sẽ thấy rất xa lạ và bất tiện” – anh hóm hỉnh.
Theo Kendall, cuộc sống của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng đã cải thiện rất nhiều so với trước. Không khí hiện đại, náo nhiệt đã lan trùm khắp phố phường. “Những ngày giáp Tết này, nếu ra phố quan sát, sẽ thấy rất nhiều ô tô xuôi ngược, ô tô ở Việt Nam đắt hơn ở Mỹ; sẽ thấy người dân mua sắm đông đúc trong các trung tâm thương mại. Người Hà Nội đang ngày càng hiện đại hơn, hội nhập quốc tế hơn”.
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao huy chương cho James vì việc làm sạch môi trường |
Đã ở Việt Nam hơn 3 năm, 3 năm đón Tết Việt, Kendall nói rằng, anh thực sự bị cuốn hút bởi là đã được thưởng thức những món ăn Việt truyền thống trong Tết như bánh chưng… Nhưng điều Kendall thích nhất ở Tết Việt, chính là không khí đầm ấm, sum họp mà Tết Việt đem lại cho mỗi gia đình, mỗi con người. Anh gọi đó là sự động viên tinh thần quý giá, là động lực để mỗi người được nạp them năng lực, sức mạnh sau một năm làm việc bận rộn. “Đôi khi tôi cũng cảm thấy hơi buồn khi người Việt ai cũng nô nức trở về với gia đình, sum vầy bên cha mẹ. Nhưng không sao, gia đình nhỏ của tôi ở Mỹ, còn gia đình to của tôi chính là ở Việt Nam!”.
Anh nói thêm rằng, anh không muốn đến đâu khác kể từ khi anh biết tới Việt Nam. “Tôi đã là người Việt Nam” – James khẳng định.
Điều mong muốn lớn nhất trong năm mới 2017 của Kendall là được thực hiện tất cả những ý tưởng mới, được cộng đồng ủng hộ, được nhiều cộng tác viên chung tay giúp đỡ, để làm sao để cải thiện môi trường sống của Hà Nội nói riêng cũng như trên khắp đất nước Việt Nam. Một điều ước nữa, đó là Việt Nam sẽ mang tới cho anh một nửa của đời mình, vì anh rất yêu phụ nữ Việt, nhất là khi được nhìn họ trong trang phục áo dài thướt tha trong những ngày Xuân.
James hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ “Keep Hanoi Clean” (Xanh lên) - một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận vì môi trường với mục đích chung tay dọn dẹp rác thải tại các điểm dân cư và tuyên truyền bảo vệ môi trường. Theo James, lúc đầu nhóm chỉ có vài người, sau nửa tháng hoạt động, nhóm đã tăng lên hơn 3.000 tình nguyện viên tham gia. Tại mỗi chương trình, câu lạc bộ đều mang theo những khẩu hiệu tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân không vứt rác bừa bãi.