Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ GD&ĐT cùng UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học.
Thu nhiều khoản sai quy định
Nội dung công văn nêu rõ đầu năm học mới 2017-2018, một số trường học có tình trạng thu nhiều khoản không đúng quy định, gây khó khăn cho không ít học sinh (HS), phụ huynh. Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát các văn bản của Bộ đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các khoản thu tài trợ, đóng góp tự nguyện phải đảm bảo đúng tinh thần tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cần bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục địa phương theo quy định. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu các khoản thu theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm. Hỗ trợ kịp thời các trường HS có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở giáo dục ở khu vực khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, đảm bảo tất cả HS được đi học đầy đủ.
Tạm đình chỉ hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Cương
Ngày 20-9, ông Nguyễn Văn Phức, Chánh Văn phòng UBND huyện An Dương (Hải Phòng), cho biết bắt đầu từ ngày 20-9 sẽ thực hiện quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với bà Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Cương.
Cũng theo ông Phức, việc đình chỉ công tác bà Thủy là để làm rõ những phản ánh về việc lạm thu đầu năm học và việc sử dụng cán bộ, công chức theo phản ánh của báo chí. Trước đó, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Đặng Cương phản ánh đầu năm học 2017-2018, nhà trường đã đưa ra các khoản thu rất cao và sai quy định. Đặc biệt, đối với khối lớp 1, tổng số các khoản thu lên tới hơn 10 triệu đồng/HS.
Trước đó, vào đầu năm học 2017-2018, bà Thủy đã bị các phụ huynh của trường tố cáo lạm dụng chức quyền, làm việc thiếu minh bạch trong các khoản thu chi của trường cũng như chèn ép giáo viên, nhân viên trong trường.
Luật sư của bà Thủy cho biết sẽ làm đơn khiếu nại quyết định trên của UBND huyện An Dương. Báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với bà Thủy để xác minh và bà cũng xác nhận là sẽ khiếu nại quyết định của UBND huyện.
Muôn kiểu lạm thu của các trường
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thanh tra tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An và phát hiện nhiều trường lạm thu. Qua thanh tra cho thấy danh nghĩa là các khoản thu tự nguyện nhưng các trường đã tự đứng ra tổ chức thu và áp một mức chung là sai quy định.
Cụ thể, tại Trường Tiểu học Đặng Cương (xã Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng) có khoảng 20 khoản thu tự nguyện khác nhau. Các khoản thu sai như ủng hộ cơ sở vật chất 1,3 triệu đồng (HS trái tuyến thu 1,5 triệu đồng). Tiền sách giáo khoa và đồ dùng học tập 805.000 đồng. Tiền trại hè 800.000 đồng. Tiền chuyên đề ngoại khóa và hoạt động sáng tạo 640.000 đồng. Tiền kỹ năng sống 1 triệu đồng… Trường cũng huy động lắp đặt hệ thống điện, đèn và quạt cho khu nhà mới và bàn ghế cho HS lớp 1 trên 228 triệu đồng, trang bị 12 máy điều hòa với số tiền 110 triệu đồng.
Tại Trường Tiểu học Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội, đoàn kiểm tra phát hiện có 17 khoản thu tự nguyện. Trong đó nhiều khoản nhà trường đã quy định mức thu và tổ chức thực hiện không đúng: Tiền lắp máy điều hòa: 1 triệu đồng/HS, tiền máy chiếu 500.000 đồng/HS... Trong đó riêng tiền máy điều hòa trường chưa thực hiện thu nhưng tiền máy chiếu đã thực hiện thu và lắp đặt cho tám phòng học của tám lớp.
Tại Trường THCS Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều khoản thu sai như tiền vở viết 110.000 đồng, tiền vở bài tập thực hành 350.000 đồng, tiền đồng phục 750.000 đồng, tiền sửa chữa trong trường 300.000 đồng, tiền học thêm trên 3 triệu đồng…
Theo Pháp luật TP HCM