Theo Daily Mail, các nhà khoa học của Trung tâm Y tế Đại học Boston, Anh, đã nghiên cứu và nhận thấy những người luôn dành cả ngày dài ở trên giường có khả năng phát triển bệnh mất trí nhớ trong khoảng 10 năm tiếp theo của cuộc đời.
Kết luận này được đưa ra sau khi các nhà khoa học thực hiện cuộc nghiên cứu trên 2.400 người và theo dõi trong vòng 10 năm. Những người ngủ nhiều hơn 9 tiếng hoặc lâu hơn có khối lượng não nhỏ hơn, thiếu tỉnh táo, mất nhiều thời gian để xử lý thông tin và có dấu hiệu mất trí nhớ.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Matthew Pase, cho biết kết quả này cho thấy thời gian ngủ có thể là một công cụ hỗ trợ lâm sàng hữu ích để giúp dự đoán người có nguy cơ tiến triển bệnh mất trí nhớ trong vòng 10 năm tiếp theo.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy những người bị chứng mất trí sớm thường có giấc ngủ bị gián đoạn. Đây cũng là một dấu hiệu của thoái hóa thần kinh.
Các nhà khoa học thuộc Đại học California, Mỹ, từng đưa kết luận rằng những người bị bệnh Alzheimer thường bị mất ngủ hoặc gián đoạn giấc ngủ, nhưng không đưa được kết luận liệu người có giấc ngủ kém có bị phát triển thành bệnh Alzheimer hay không.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy protein beta-amyloid trong não sẽ phát triển mạnh ở người có giấc ngủ kém. Protein beta-amyloid phá hủy bộ nhớ, dần dẫn đến bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Trung tâm Y tế Đại học Boston đã cho thấy những trường hợp không thể thức giấc và ra khỏi giường sớm, dù đặt đồng hồ báo thức, được cho là một triệu chứng chứ không phải là một nguyên nhân gây ra những thay đổi của não, dẫn đến bệnh Alzheimer.