Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Dartmouth, Mỹ, phát hiện ra rằng những người ăn cá và hải sản thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc bệnh thần kinh vận động (Motor Neurone Disease - MND) cao gấp đôi người không ăn hoặc ít ăn.
Các nhà khoa học khảo sát 518 người về số lượng hải sản họ đã tiêu thụ trong một năm, kết quả, 294 người mắc MND. Họ cũng tiến hành đo nồng độ thủy ngân bằng cách lấy các mẫu móng chân từ những người tham gia khảo sát.
Việc tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài được tính toán dựa trên mức độ thường xuyên ăn nhiều loại hải sản khác nhau, bao gồm cả những loại có hàm lượng thủy ngân thấp như cá mòi, cá hồi.
Thịt cá kiếm và cá mập có chứa hàm lượng thủy ngân rất cao, do đó có thể làm tăng nguy cơ mắc MND và xơ cứng teo cơ một bên (Amyotrophic Lateral Sclerosis - ALS), tiêu thụ trong thời gian dài sẽ gây ra các tổn thương nghiêm trọng ở não và có thể dẫn đến tử vong.
Tiến sĩ Elijah Stommel, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Đối với nhiều người, cá là một phần của một chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng về lâu dài, lượng thủy ngân có trong cá được tích tụ dần dần sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta”.
Thủy ngân gây hại cho con người khi tiếp xúc với không khí và được hít vào phổi. Chúng tồn tại ở dạng hữu cơ (methyl thủy ngân) có thể xâm nhập vào cơ thể khi con người ăn một số loài cá, đặc biệt là loài cá lớn như cá mập, cá kiếm, cá ngừ. Cá kiếm và cá mập được cho là có thủy ngân nhiều nhất, bởi chúng nằm ở đỉnh của chuỗi thức ăn. Chúng ăn những con cá nhỏ hơn, do đó lượng thủy ngân được tích lũy ngày một tăng.
Thủy ngân là một kim loại hiếm xuất hiện tự nhiên trong vỏ trái đất. Chúng được phân tán vào môi trường chủ yếu là do các hoạt động của con người, chẳng hạn như từ các nhà máy nhiệt điện đốt than, lò đốt chất thải, khai thác mỏ, đốt than để sưởi ấm và nấu ăn.
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên người lớn chỉ nên ăn thịt cá mập hoặc cá kiếm một tuần một lần. Trẻ em và phụ nữ có thai không nên ăn các loại cá này.