Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm trước thông tin 7 người dân cùng 17 y, bác sỹ trong qúa trình cứu nạn vụ tai nạn giao thông trưa 30/6 tại Kon Tum, đã tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân bị nhiễm HIV mà không chuẩn bị phòng hộ.
Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum , xét nghiệm sàng lọc cho thấy 24 y, bác sĩ cùng người dân phát hiện, cấp cứu cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông đều cho kết quả âm tính với HIV.
Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum đã đề nghị cấp thuốc miễn phí cho 24 trường bị phơi nhiễm HIV.
Cũng theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tới sáng 3/7, thêm 11 người tham gia cứu hộ vụ tai nạn giao thông trên cũng được chỉ định dùng thuốc ARV phòng chống phơi nhiễm HIV. Nâng tổng số người bị nghi phơi nhiễm HIV liên quan tới vụ tai nạn giao thông trên lên con số 35. Trong đó có 24 y bác sĩ, 1 chiến sĩ công an và 10 người dân. Qua xét nghiệm ban đầu, 35 trường hợp nói đều có kết quả âm tính.
Với 24 y bác sĩ và 1 công an bị phơi nhiễm HIV khi ứng cứ nạn nhân vụ tai nạn, theo Luật Phóng chống HIV/AIDS, sẽ được dùng thuốc ARV phòng phơi nhiễm miễn phí do những người này bị nghi nhiễm HIV khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, với 10 người dân bị nghi phơi nhiễm HIV khi ứng cứu nạn nhân vụ tai nạn, có không ít những lo lắng. Bởi có những phản ánh từ dư luận cho rằng trong quá trình triển khai, có một số bác sĩ từ chối cấp thuốc ARV cho những người này do không thuộc diện được cấp thuốc miễn phí.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Bảo trợ xã hội cho biết, về mặt nguyên tắc, cán bộ, chiến sĩ, người dân cứu giúp người khác trong tình huống khẩn cấp gặp rủi ro, bị phơi nhiễm HIV thì được khám và cấp thuốc ARV miễn phí. Tuy nhiên, có thể quy định với người dân tham gia ứng cứu khẩn cấp gặp rủi ro nhiễm HIV vẫn chưa rõ ràng.
“Theo tôi, nên có chính sách với các trường hợp người dân gặp rủi ro nhiễm bệnh do ứng cứu các trường hợp khẩn cấp, nếu chưa có cần bổ sung. Do người dân là các tình nguyện viên, họ cần được quan tâm, ưu đãi, để khuyến khích tham gia ứng cứu tai nạn khẩn cấp. Phải có chính sách để khuyển khích người ta làm việc thiện”, ông Hồi nói.
Theo ông Hồi, chính sách bảo trợ xã hội chỉ áp dụng với trường hợp người đã bị nhiễm HIV/AIDS nhưng thuộc diện hộ nghèo. Trường hợp này sẽ được trợ cấp tối thiểu 270.000 đồng/tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Sau khi có thông tin những người dân trên không được cấp thuốc ARV phóng phơi nhiễm HIV miễn phí, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y Tế) đã có văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn liên hệ với các cơ quan ở Kon Tum để tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV.
Đồng thời đề nghị Kon Tum cấp thuốc ARV miễn phí cho cả những người dân trực tiếp tham gia cấp cứu người bị nạn, chỉ đạo các cơ quan hướng dẫn những người nghi bị phơi nhiễm tiến hành xét nghiệm và nhận thuốc ARV miễn phí.
Việc điều trị phơi nhiễm HIV theo phác đồ sẽ kéo dài trong vòng 28 ngày.