Cụ Nguyễn Hữu Lâm (Hà Nội):Gia đình tôi bàng hoàng, đau xót
Dù không phải họ hàng với Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhưng cụ vẫn đeo khăn tang, băng đen để tưởng niệm như đã mất đi người thân trong gia đình.
“Khi nhận tin Chủ tịch nước từ trần, gia đình tôi bàng hoàng, đau xót”, cụ nói.
Cụ Nguyễn Hữu Lâm. Ảnh: Diệu Bình |
Cụ Lâm kể, cụ được gặp Chủ tịch nước 2 lần. Lần đầu tiên, khi ông Trần Đại Quang còn làm Bộ trưởng Công an và lần thứ hai khi ông là Chủ tịch nước.
“Trong đó, một lần tôi được Chủ tịch nước tặng chiếc áo sơ mi trắng. Chiếc áo này tôi chỉ mặc trong những dịp trọng đại. Tôi cất giữ áo cẩn thận tại một vị trí trang trọng ở nhà”.
Nguyên Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế:Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người rất hòa đồng...
Có mặt tại Nhà tang lễ, nguyên Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế chia sẻ: “Tôi đi từ nhà lúc 5h30, tập trung cùng các nguyên Bộ trưởng. Đoàn có mặt lúc 6h30”.
Nguyên Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế. Ảnh: Ngọc Trang |
“Kỷ niệm lớn nhất của tôi với Chủ tịch nước là ông tặng chúng tôi (các nguyên Bộ trưởng) mỗi người một cuốn sách. Đó là cuốn 'Không gian mạng - Tương lai và hành động' do ông viết”, ông Hồ Tế xúc động.
Ông chia sẻ: "Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người rất hòa đồng, gần gũi với mọi người. Trong công tác, ông là người nghiêm túc, làm việc khoa học. Đặc biệt ông rất nghiêm khắc với chính bản thân”.
Chị Bảo Trâm, doanh nhân (SN 1982, ở quận 7, TP.HCM) đi máy bay ra Hà Nội từ chiều qua.
Kỷ niệm ấn tượng nhất với chị là lần chị cùng đồng nghiệp được gặp Chủ tịch nước vào dịp đầu năm mới. Chủ tịch nước lì xì cho mỗi người một phong bì nhỏ.
“Món quà giản dị này khiến tôi cảm động và được lưu giữ cẩn thận”, chị Trâm chia sẻ.
Vượt hàng trăm km, xếp hàng từ sớm chờ được vào viếng
Sáng nay, nhiều người dân đến từ các tỉnh lân cận Hà Nội đứng chờ bên ngoài Nhà tang lễ để vào viếng.
Người dân chờ vào viếng Chủ tịch nước. Ảnh: Vũ Lụa |
Bà Hoàng Thị Khuê (86 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện sống ở Hà Nội) đứng chờ ở cổng Nhà tang lễ từ 6h30 với hy vọng được viếng và nhìn thấy Chủ tịch nước lần cuối.
Bà Hoàng Thị Khuê. Ảnh: Diệu Bình |
Bà Lê Thị Thắm (Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh: Vũ Lụa |
Bà Lê Thị Thắm (56 tuổi, Hoa Lư, Ninh Bình) lên Hà Nội từ chiều qua. 6h sáng nay, bà đã đứng chờ ở cổng chính Nhà tang lễ.
Chiều nay bà sẽ lại về Ninh Bình, quê hương của Chủ tịch nước, để đưa tiễn ông vào sáng mai.
Ông Đỗ Tín Nhiệm (Đại tá quân đội nghỉ hưu, ở xã Cao Đại, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc - quê hương phu nhân Chủ tịch nước) đi từ 5h sáng.
Ông chia sẻ: “Khi ông Trần Đại Quang còn là Thượng tá Công an, một số cuộc họp của dòng họ dù rất bận nhưng vợ chồng ông đều tham gia. Thời điểm còn là cán bộ cấp cao Bộ Công an, mỗi lần về thăm quê, ông đều gần gũi, bắt tay từng người. Ông còn nói chuyện, ngâm thơ cùng những người cao tuổi".
Ông Đỗ Văn Kiệm. Ảnh: Ngọc Trang |
Ông Đỗ Văn Kiệm (82 tuổi - Vĩnh Phúc) chia sẻ: Đoàn gia đình tôi khoảng 300 người, đi xuống đây từ hôm qua. Sáng nay chúng tôi có mặt ở Nhà tang lễ từ rất sớm để đưa tiễn Chủ tịch nước.
"Mỗi lần về quê, tôi và Chủ tịch thường ngồi hàn huyên, tâm sự. Ông rất quan tâm đến chuyện học tập của các con cháu trong họ. Ông luôn khuyến khích thế hệ trẻ phấn đấu", ông kể.
Cụ Trần Tiếp Thủy (82 tuổi - Bắc Giang) bật khóc sau khi vào viếng Chủ tịch nước. Cụ nói: "Tôi và chồng là thanh niên xung phong và bộ đội ở chiến trường Đông Hà (Quảng Trị) năm 1972. Hai vợ chồng bị nhiễm chất độc da cam. Hôm nay tôi nhờ người trông cậu con trai sinh năm 1981 bị khuyết tật để viếng Chủ tịch nước....". Ảnh: Diệu Bình |
Đoàn học sinh xuất sắc của trường tiểu học Lương Yên cùng cô tổng phụ trách Phạm Thị Hải Yến (SN 1984) đến viếng Chủ tịch Trần Đại Quang. Ảnh: Diệu Bình |
Hai mẹ con đến từ Đông Hưng, Thái Bình chờ để được vào viếng Chủ tịch nước. Ảnh: Vũ Lụa |
Các phật tử chờ vào viếng Chủ tịch nước. Ảnh: Diệu Bình |