Theo lịch của người Hindu, ở Ấn Độ có 6 tới mùa. Đó là mùa xuân (kéo dài từ tháng 2 - 4); mùa hè (tháng 4 - 6); mùa gió mùa (tháng 6 - tháng 8); mùa thu (tháng 8 -10), mùa chuyển đông (tháng 10 - 12); mùa đông (tháng 12 - 2). Và mùa đẹp nhất để du lịch đến nước này là bắt đầu từ tháng 9 hàng năm.
Đất nước Nam Á này được xem là một vùng đất linh thiêng, nhiều điều huyền bí mà giới khoa học khó đưa ra lời giải thích. Tại một ngôi làng nhỏ tên Shivapur ở Pune, ngôi đền Hazrat Qamar Ali Darvesh có một câu chuyện thần bí. 800 năm trước, ngôi đền này là một sân tập võ. Một vị thánh Sufi tên Qamar Ali bị những tay vật ở đây trêu chọc. Vị thánh đã phù phép một tảng đá được các tay vật dùng để tập luyện. Hòn đá nặng 70 kg có thể được nâng lên chỉ bằng cách chạm ngón tay vào và kêu tên vị thánh thật to. Đến nay, hòn đá Qamar Ali vẫn có thể được nâng lên một cách dễ dàng bằng cách đọc tên vị thánh.
Hay như ngôi làng Mayong vốn được mệnh danh là “Vùng đất của ma thuật”, nằm cách thành phố Guwahati 40 km, gần khu bảo tồn Pobitora. Người ta tin rằng cái tên Mayong bắt nguồn từ “Maya” (ảo giác) trong tiếng Sanskrit. Tại đây có nhiều câu chuyện về những người đột ngột biến mất giữa không trung, người biến thành động vật, thú dữ được thuần hóa bằng phép thuật. Các phép phù thủy và ma thuật được thực hiện và truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều di vật cổ của Ayurveda và ma thuật đang được bảo quản tại bảo tàng Trung tâm Mayong.
Mayong, ngôi làng được mệnh danh là “Vùng đất của ma thuật”. Getty |
Ngoài những điều kỳ thú trong tự nhiên hay những mảnh đất kỳ lạ, Ấn Độ cũng lưu giữ những nét văn hóa rất khác biệt so với thế giới bên ngoài.
Ở Ấn Độ, thay vì gật đầu khi đồng ý như hầu hết các quốc gia khác, người Ấn Độ lại lắc đầu. Điều đó có nghĩa là với người Ấn Độ, gật đầu là không tán thành với ý kiến hoặc hành động đó. Khi nhận được những cái gật đầu, bạn phải để ý ngay hoặc có thể hỏi lại họ điều vừa hỏi để chắc chắn mình không làm gì sai. Và bạn cần phải thật sự chú ý để tránh nhầm lẫn, khó xử khi du lịch tại đất nước này.
Ăn chay là một trong những đặc điểm truyền thống của Ấn Độ giáo. Điều đó lý giải tại sao có đến 60% người ăn chay ở Ấn Độ. Nơi đây cũng có tỷ lệ tiêu thụ thịt bình quân mỗi người thấp nhất thế giới. Điều này giúp cho Ấn Độ trở thành quốc gia có số lượng người dân ăn chay đông nhất thế giới.
Trong văn hóa nước này, chòm râu, ria mép đóng vai trò quan trọng với đàn ông. Được biết, nhân viên cảnh sát ở Ấn Độ được trả tiền thưởng nếu họ có ria mép. Ý tưởng này dựa trên lập luận cho rằng việc có ria mép sẽ làm cho đàn ông trông uy tín và nam tính hơn. Ngoài ra, đó cũng là một phong tục của văn hóa dân gian Ấn Độ.
Trong văn hóa của Ấn Độ, hình tượng con bò được khắc họa một cách rõ nét và gắn liền với tín ngưỡng thờ phụng của người dân. Tất cả đều xuất phát từ sự gần gũi và tầm quan trọng của loài vật này trong đời sống con người. Ở Tây Bengal - một bang của Ấn Độ, mỗi con bò đều có một thẻ căn cước có dán ảnh, không khác gì ở người.
Ấn Độ cũng là một nước có quan điểm khác biệt khi coi béo đồng nghĩa với sự khỏe mạnh, thậm chí càng béo càng tốt. Nhiều người Ấn Độ tin rằng, tăng cân là dấu hiệu của người có sức khỏe dồi dào, “ăn sung mặc sướng”. Vì thế, họ cũng rất thích thú khi được người khác khen là mới tăng cân. Mặc dù hàng triệu người Ấn Độ còn sống nghèo đói, trẻ em suy dinh dưỡng nhưng đa số người ở thành thị đều phát phì, nhất là ngày càng nhiều người đàn ông có bụng phệ.
Những du khách đến thăm Ấn Độ cũng cần phải chú ý tới vấn đề vệ sinh, nếu không muốn bị phạt nặng. Thành phố Mumbai mỗi ngày cử các “thanh tra khạc nhổ” khắp phố phường nhằm phát hiện, phạt nóng những người khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Lý do là bởi nhiều người Ấn Độ ở thành phố vẫn còn thích nhai trầu rồi khạc nhổ bã lung tung, gây ra các vết ố dơ trên tường hoặc đường phố, lề đường. Ngoài ra chưa kể nhiều người “thích” khạc nhổ nước bọt lung tung nơi công cộng.
Nhiều tòa nhà, phương tiện giao thông công cộng có gắn biển cấm “đừng khạc nhổ bừa bãi”. Một số địa phương ở Ấn Độ còn tổ chức những chiến dịch chống lại khạc nhổ nơi công cộng.