Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (2x600 MW).
Được biết, dự án NMNĐ Sông Hậu 2 là dự án nhằm xây dựng một nhà máy điện có qui mô rất lớn, với công suất lên tới 2000 MW, có tổng mức đầu tư dự kiến 3,5 tỷ USD. Đây là một trong 3 nhà máy thuộc Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu (huyện Châu Thành, Hậu Giang).
Nhà máy này dự kiến được đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng-vận hành-chuyển giao), không qua đấu thầu, hiện đang đàm phán để giao cho Tập đoàn Toyo Ink (Malaysia) thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay, đã có một số ý kiến nghi ngại từ giới chuyên gia ngành điện Việt Nam là Toyo Ink không phải là một nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực điện năng thì khó có thể triển khai một dự án tầm cỡ và đòi hỏi có trình độ, năng lực rất cao về công nghệ trong ngành điện mới.
Trên website của Tập đoàn này, cũng giới thiệu Tokyo Ink thành lập tháng 2/1979, chuyển sản xuất, kinh doanh mực in, vật liệu in, xuất nhập khẩu mực, thiết bị in ấn...Toyo Ink niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Kuala Lumpur từ năm 2003. Giá trị thị trường của Toyo Ink ở thời điểm hiện tại là 67.410.000 RM (Ringgit Malaysia), tương đương 16.852.500USD (1RM = 0,25USD).
Báo cáo Thường niên 2015 của Toyo Ink cho thấy, tháng 12/2011, Tập đoàn này đã bắt đầu nghiên cứu và triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2 với công suất 2x1000MW tại tỉnh Hậu Giang theo hình thức BOT.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đã có nhiều nhà đầu tư đang đàm phán đầu tư các dự án điện tại Việt Nam theo hình thức BOT nhưng ông không tin rằng Toyo Ink có thể thành công.
"Hiện nay, chưa có nhà đầu tư làm đầu tư thành công ở Việt Nam theo hình thức này. Tôi hiểu Toyo Ink cũng có ngành nghề đầu tư khác nhưng nếu nhìn vào hoạt động Tập đoàn này thì thấy họ rất ít kinh nghiệm đầu tư vào ngành điện", ông Ngãi nói.
"Với những dự án qui mô lớn và đòi hỏi công nghệ cao như NMNĐ Sông Hậu 2 thì phải xét rất kỹ về tiềm lực, khả năng tài chính, kinh nghiệm xem đã làm bao nhiêu dự án rồi mới có thể cho làm. Chứ dự án này mà không có kinh nghiệm thì không làm được. Toyo Ink không làm được", ông Ngãi nhận xét.
Đáng chú ý, trả lời Dân trí về thông tin, phía sau Tokyo Ink còn có cả cổ đông người Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: "Điều này càng phải cẩn thận vì hiện nay, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng ma quái lắm, nếu có rào cản, không được làm thì họ lại mượn danh qua doanh nghiệp khác".
"Với những dự án thế này, phải buộc nhà đầu tư chứng minh đầy đủ, tài chính, năng lực, kinh nghiệm...Không thể để cho họ mượn danh được", ông Ngãi khẳng định.
Dân trí cũng đã liên hệ, trao đổi với đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đại diện EVN cho biết, dự án NĐSH 2 không phải dự án nằm trong hệ thống điện mà EVN quản lý và phía EVN cũng cho biết, không biết nhiều thông tin về Tập đoàn Tokyo Ink. "Mặc dù vậy, nếu như thông tin Tokyo Ink trước nay chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực in ấn mà đàm phán, làm chủ đầu tư dự án BOT có qui mô công suất lớn như vậy thì cần phải xem xét rất kỹ vì đầu tư nhà máy nhiệt điện công suất lớn cần phải có năng lực, kinh nghiệm rất mạnh mới làm được", đại diện EVN nêu quan điểm.
Theo Dân Trí