Từ năm 1991, PGS Hà Đình Đức, một nhà giáo chuyên giảng dạy về động vật tại trường Đại học Tổng hợp cũ (nay là Đại học Khoa học tự nhiên) gắn bó với cụ rùa.
Hàng ngày, ông đều có mặt ở Hồ Gươm để quan sát, nghiên cứu về cụ rùa. Đồng thời, ông cũng tham gia nhiều hội thảo về cụ rùa cũng như có nhiều ý kiến trong việc giữ gìn, bảo tồn rùa thiêng ở Hồ Gươm.
Có hơn 20 năm nghiên cứu và bảo vệ loài rùa quý hiếm ở Hồ Gươm, khi biết tin cụ rùa qua đời, PGS Hà Đình Đức "không muốn tin vào sự thật" nhưng điều đó phù hợp với quy luật tự nhiên.
Ông Đức cảm thấy buồn và nuối tiếc. Đó là cảm giảm mất đi một cái gì đó thiêng liêng, một biểu tượng gắn bó rất gần gũi với ông Đức và những người dân Thủ đô.
Ông Đức cho rằng rùa Hồ Gươm là một sinh vật gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Vì vậy, sự việc này được nhân dân rất quan tâm. Tuy nhiên, không nên vì thế mà suy diễn sang những vấn đề khác. Những phát ngôn liên quan đến cái chết của “cụ” rùa cũng phải rất thận trọng, không thể suy diễn một cách tùy tiện gây hoang mang trong xã hội.
Lần cuối cùng ông Đức được tiếp xúc gần đây nhất với rùa Hồ Gươm chính là lần mà “cụ” được đưa lên bờ để chữa trị vết thương do rùa tai đỏ cắn. Lúc chữa bệnh xong, mai rùa rất nhẵn và bóng.
Nói về phương án ướp xác rùa Hồ Gươm, PGS Đức cho rằng quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào UBND TP.Hà Nội nhưng nên đặt tại khu vực Hồ Gươm hoặc trung tâm văn hóa Hồ Gươm. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nên đặt tại đền Ngọc Sơn. “Vì rùa hồ Gươm mang biểu tượng hòa bình, độc lập. Có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với người dân cả nước nói chung và người dân Thủ đô nói riêng”, ông Đức nói.
Trước đó, PGS Hà Đình Đức cũng đã từng 2 lần gửi đơn thư đề nghị Hà Nội công nhận rùa Hồ Gươm là báu vật quốc gia cần phải bảo tồn, cần phải có những lần khám chữa bệnh định kỳ.
Dưới đây là những hình ảnh về cụ rùa trong kho tư liệu của PGS Hà Đình Đức:
PGS Hà Đình Đức với cụ rùa ở chân tháp Rùa
PGS Hà Đình Đức đo kích thước của cụ rùa.
Cụ rùa Hồ Gươm khi nổi.
Vân Trang