"Mỗi cán bộ hãy là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Khi đã trở thành một tấm gương “mù” thì không thể làm lãnh đạo được", ông Nhĩ nhận định.
Trước sự việc người dân phản ánh thông tin trạm trộn bê tông hoạt động trong khuôn viên trường đại học Thành Tây, phóng viên (PV) liên hệ qua số điện thoại của hiệu trưởng là Tiến sĩ Đinh Ngọc Hiện để hẹn gặp thì ông Hiện đã có những lời thiếu lịch sự, xúc phạm PV.
Thậm chí, ông Tiến sĩ này còn đe dọa nếu PV tiếp tục công việc phản ánh ý kiến của người dân (theo ngôn ngữ của ông Hiện thì đó là “chọc ngoáy”- PV) thì ông sẽ bảo "thằng"… (ông Hiện gọi tên một cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước-PV) "chỉ thẳng xuống TBT của báo". Trong khi pv còn chưa hết kinh ngạc, ông Tiến sĩ đã cảnh cáo rằng "các ông muốn tồn tại thì các ông hãy tránh xa ra" rồi kết thúc bằng một câu chửi bới ít chất tiến sĩ, đậm chất vỉa hè :"Bố mấy thằng ranh con, biến đi, nhá!".
Chân dung ông Đinh Ngọc Hiện, hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây.
Thái độ ứng xử của một vị lãnh đạo đứng đầu một trường ĐH là tấm gương cho cấp dưới cũng như cho sinh viên học tập. Những lời nói, thái độ ngông cuồng và ... thiếu văn hoá của một hiệu trưởng có học vị tiến sĩ như ông Đinh Ngọc Hiện liệu có xứng làm một tấm gương, xứng với đạo đức của nghề giáo hay không?
Trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, ông Lâm cho biết: “Với tư cách là hiệu trưởng của một trường bất kể là trường nào từ phổ thông đến ĐH thì vị trí của người đứng đầu đều rất quan trọng. Bởi vì, sản phẩm của giáo dục không chỉ là tri thức mà còn là nhân cách mỗi con người”.
Theo TS. Tùng Lâm, công việc của người hiệu trưởng không những phải bồi dưỡng nhân cách cho người học mà cho cả những người thầy để họ dạy dỗ học sinh. Vì vậy: “Một trong những yêu cầu của người lãnh đạo nhà trường là không chỉ có tâm, có tầm, có tài năng sư phạm mà họ còn phải là người hết sức gương mẫu”, ông Lâm nhấn mạnh.
Trong giáo dục, công cụ để rèn luyện nhân cách không chỉ bằng tri thức mà còn bằng chính nhân cách của những người thầy: “Tôi nghĩ người lãnh đạo trong nhà trường phải gương mẫu cả ba mặt. Đạo đức, phẩm hạnh và đặc biệt phải tôn trọng con người”.
Nhận xét về nhân cách của một người lãnh đạo, TS Tùng Lâm cho rằng, quy tắc ứng xử, giao tiếp của người lãnh đạo không những đạt đến trình độ văn minh, không gây tổn thương cho người khác mà còn phải thể hiện giá trị nhân văn của bản thân mình qua giao tiếp để có thể cảm hóa được họ. Đó mới là một hiệu trưởng giỏi, hiệu trưởng của thế kỷ 21 cần.
Một tấm gương “mù” thì không thể làm lãnh đạo
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT nhận xét: “Một người như vậy thì không thể làm lãnh đạo của một trường ĐH được. Một người lãnh đạo mang nhiều tiếng xấu như vậy thì không thể chấp nhận được. Người ta nói : “Không có lửa làm sao có khói”. Qua những sự việc liên tục xảy ra như vậy thì người đó không đủ tư cách làm hiệu trưởng, thậm chí làm cán bộ người ta cũng không tín nhiệm”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT trao đổi với PV
Trao đổi thêm với báo chí, ông Nhĩ đưa ra kiến nghị với Bộ GD&ĐT. “Với một người không đủ tư cách nắm giữ vị trí lãnh đạo thì cơ quan cấp trên nên cho ông ta nghỉ việc. Việc tiếp PV sao phải gay gắt đến thế. Người xưa có câu: “Vàng thật không sợ lửa”, là người cán bộ dù thế nào cũng phải tiếp xúc với PV. Nếu phía báo chí chưa hiểu điều gì thì phải giải thích cho họ hiểu, để sự việc được minh bạch, tôi thấy hành vi ấy của ông hiệu trưởng là không đúng”.
PGS chia sẻ, là một người lãnh đạo, trước hết là phải trung thực và khiêm tốn. Khiêm tốn để lắng nghe những điều đúng hay chưa đúng về một sự việc, luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến để tự mình soi mình. Phải lịch thiệp trong khi giao tiếp với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với cán bộ làm quản lý nhà nước. “Mỗi cán bộ hãy là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo, một khi đã trở thành một tấm gương mù thì không thể làm lãnh đạo được”, ông Trần Xuân Nhĩ nhận định.
Nhóm PV