Ngày ngắn hơn, ít ánh nắng hơn và lạnh hơn - những đặc tính của mùa đông khiến tâm trạng của không ít người trở nên thất thường. Uể oải, mệt mỏi, chán nản, không muốn làm điều gì… - nếu hội tụ đổ những cảm xúc này, có thể bạn đang nằm trong số 5% những người trưởng thành trên thế giới phải đối mặt với chứng Rối loạn tâm lý theo mùa (SAD). Theo giới chuyên gia y tế, đây là một dạng trầm cảm mà nhiều người phải đối mặt vào thời điểm giao mùa, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
________________________
“Đó là một cảm giác tiêu cực, nặng nề và ám ảnh”, Chelle Shohet, 33 tuổi, sống ở bắc Hertfordshire, Anh kể về giai đoạn mình phải đối mặt với chứng Rối loạn cảm xúc theo mùa từ giữa tháng 9 đến tháng 4. “SAD khiến tôi cảm thấy mờ mịt và cáu kỉnh. Nó khiến tôi rơi vào trạng thái uể oải, không có chút năng lượng và hứng thú nào, thậm chí không muốn đứng lên và đi. Nó cũng khiến tôi cảm thấy thất vọng, chán nản và cáu kỉnh bởi bất cứ thứ gì. Tôi có thể bật khóc chỉ vì làm rơi chiếc mũ”.
Về góc độ y khoa, chưa chắc chắn lý do tại sao xảy ra hiện tượng này, nhưng Hiệp hội Tâm thần Mỹ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi theo mùa, giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tạo ra sự mất cân bằng hóa học trong não. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này sẽ biến mất khi đến mùa hè hoặc mùa xuân và có thể lặp lại vào năm sau. Mặc dù SAD có thể điều trị được, nhưng nó có thể gây suy nhược nghiêm trọng sức khỏe, ảnh hưởng đến 5% người lớn ở Mỹ, chiếm khoảng 40 % thời gian trong một năm. Tại Anh tỷ lệ này có thể cao hơn, cứ 15 người có một người bị ảnh hưởng bởi SAD, với mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Một số triệu chứng phổ biến nhất của SAD bao gồm: mệt mỏi không ngừng, thay đổi giấc ngủ, tăng cân đáng kể hoặc thay đổi cảm giác thèm ăn, trầm cảm, thờ ơ, tăng cảm giác bồn chồn, cảm giác vô dụng và bối rối, thậm chí có ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử. Các triệu chứng của SAD thường xuất hiện ở độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi, nhưng chúng có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi. May mắn thay, những người trải qua SAD có thể được điều trị và nó không kéo dài quanh năm, sẽ biến mất khi mùa xuân hoặc mùa hè đến. Tuy nhiên trong giai đoạn đợi mùa hè đến, một số người cần thuốc chống trầm cảm để giúp họ đối phó với các triệu chứng của SAD. Đối với những những người thích sự ấm cúng và không khí lễ hội của mùa Đông chắc sẽ khó có thể khó hiểu cuộc sống của những người bị chứng SAD hành hạ như thế nào.
Ila Baker, 26 tuổi, ví SAD giống như một cảm giác “sắp diệt vong” - đôi khi nó sẽ kéo dài cả ngày, những lúc khác nó sẽ kéo dài vài phút hoặc vài giờ. Nhà văn từ Bristol cho biết, SAD có xu hướng tăng dần vào cuối tháng 10 và đỉnh điểm vào tháng 2 và tháng 3. Mùa đông năm ngoái, cô đã đạt đến ngưỡng cao độ khi liên tục rơi nước mắt. Cô không có động lực để làm bất cứ điều gì hoặc bắt đầu bất kỳ dự án mới nào, tránh đi chơi với bạn bè. Cô cho biết: “Tôi là một người vốn rất năng động và làm việc hiệu quả, vì vậy những thay đổi này đối với tôi là rất lớn và khiến cuộc sống của tôi lâm vào bế tắc”. SAD cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ và cô ấy cảm thấy khó khăn khi lê mình ra khỏi giường vào buổi sáng. “Tôi phải vật lộn với điều đó hàng ngày”.
SAD ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, tình bạn, tình yêu, thậm chí là công việc của bạn. Baker cho biết, SAD đã ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc gia đình và các mối quan hệ của cô nói riêng. Trong công việc, nó có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc vì cô cảm thấy khó tập trung.
Khi một người nằm trong tầm ngắm của SAD, dường như không có gì có thể giúp họ thoát khỏi bóng tối, nhưng cả Baker và Shohet đều đã đưa ra các kế hoạch hành động để giúp đỡ bản thân vượt qua những tác động tiêu cực của SAD.
Sau nhiều năm bị SAD hành hạ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của cô, Baker cho biết đã tìm ra cách vượt qua nỗi sợ hãi này là tập trung vào việc thử một cái gì đó mới mỗi năm. Ví dụ mục tiêu mới nhất là làm được nhiều việc hơn vào buổi tối của mình: “Vào mùa hè, tôi thường về nhà vào lúc 7 hay 8 giờ tối. Tuy nhiên, mùa đông tôi hay trở về nhà vào lúc 5 giờ chiều và không làm gì cả. Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến tôi phải đối mặt với các triệu chứng của SAD. Vì vậy, mùa đông này, tôi sẽ tham gia các lớp tập thể dục và hẹn hò với bạn bè ba lần một tuần hoặc hơn để tôi có thể tìm thấy những điều tích cực hơn trong ngày của mình. Sẽ rất khó để tạo động lực cho bản thân, nhưng tôi biết nó sẽ giúp ích cho tôi”.
Cô cũng tận dụng phơi mình dưới ánh sáng mặt trời nhiều nhất có thể, uống viên vitamin D, tập thể dục hàng ngày, ăn các bữa ăn lành mạnh và chống lại sự cám dỗ của bữa ăn nhẹ hoặc ăn quá nhiều (khiến cô cảm thấy khó chịu). Trong khi đó Shohet lại phải tuân thủ một kế hoạch hàng ngày do một bác sĩ và nhà tâm lý học ở New York đề xuất. Thói quen của cô bao gồm các bữa ăn lành mạnh, đi bộ hàng ngày bên ngoài, thiền định và 30 phút trị liệu bằng ánh sáng. Giống như Baker, cô cũng cố gắng tránh các loại thực phẩm có nhiều carbohydrate vì chúng khiến cô ấy cảm thấy lờ đờ hơn.
Mỗi người đều có thể tự tìm ra con đường riêng “thoát khỏi bóng tối” nhưng các chuyên gia y tế đưa ra một số biện pháp hiệu quả để bạn vượt qua các triệu chứng của SAD:
Cần ra ngoài nhiều hơn: Nhiều người đối mặt với chứng Rối loạn cảm xúc theo mùa do họ thiếu tiếp xúc với ánh sáng ban ngày. Thiếu ánh nắng vào mùa đông tác động lên tâm trạng con người. Các chuyên gia y tế cho rằng, hãy cố gắng ra ngoài trời nhiều nhất có thể. Việc ra ngoài ngay cả khi trời tắt nắng cũng có thể làm nên điều kỳ diệu.
Sử dụng hộp trị liệu ánh sáng: Nếu bạn không thể tiếp xúc với ánh nắng, hãy dùng đèn trị liệu bằng ánh sáng. Loại đèn này phát ra ánh sáng giống ánh sáng mặt trời. Ánh sáng từ bóng đèn trị liệu sẽ sáng hơn bóng đèn thông thường. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ trong những tháng mùa đông, hộp đèn có thể kích thích nhịp sinh học của cơ thể, ngăn chặn việc giải phóng melatonin, một loại hormone khiến bạn cảm thấy buồn ngủ.
Có lịch ngủ khoa học: Việc ít tiếp xúc với ánh nắng không chỉ tác động đến tâm trạng mà còn làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, khiến người bệnh cảm thấy uể oải và buồn ngủ hơn. Duy trì một lịch trình ngủ cố định và khoa học sẽ rất hữu ích. Hạn chế uống caffeine, đặt phòng ở nhiệt độ mát mẻ và tập thể dục hàng ngày để cải thiện chu kỳ giấc ngủ.
Tập Yoga: Nếu chưa chọn được hoạt động thể chất nào hãy thử tập yoga. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng yoga có tác động tích cực đến tâm trạng, giảm lo âu và trầm cảm. Yoga là một công cụ hữu ích cho những người đối phó với chứng trầm cảm theo mùa.
Thường xuyên kết nối với bạn bè và gia đình sẽ giúp đối phó với chứng trầm cảm về lâu dài. Thay đổi thời tiết cùng với không có kết nối xã hội có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Hãy trò chuyện với bạn bè qua điện thoại, hẹn hò cà phê và ăn tối với họ.
Sử dụng tinh dầu: Ngửi tinh dầu là một cách tự nhiên để làm dịu tâm trí và cơ thể. Theo các nghiên cứu, ngửi tinh dầu có thể ảnh hưởng đến vùng não liên quan đến cảm xúc. Dầu bạc hà được cho là có tác dụng thúc đẩy tâm trạng và giảm mệt mỏi. Dầu hoa oải hương giúp giấc ngủ sâu và dầu cam làm giảm cảm giác lo lắng. Hãy cho vài giọt tinh dầu vào máy xông để lan tỏa khắp căn phòng của bạn.
Khi Mỹ và các quốc gia khác ở Bắc bán cầu chuyển sang thời tiết mát mẻ hơn, Australia đang trở nên ấm hơn khi mùa hè đến gần. Không chỉ là căn bệnh SAD, thời điểm giao mùa hè - thu hoặc thu - đông với đặc trưng độ ẩm không khí cao, thời tiết thay đổi đột ngột, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn có hại phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe. Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, những thay đổi theo mùa có thể kích thích một số thay đổi về gen và hệ miễn dịch, đặc biệt là trong những tháng lạnh hơn. Theo các nhà nghiên cứu, hơn ¼ gen của chúng ta thay đổi theo mùa. Tình trạng viêm toàn thân thường tăng lên trong mùa đông do cơ thể chuẩn bị cho sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng, tác động này có thể làm trầm trọng thêm các bệnh viêm như viêm khớp, hen suyễn, rối loạn miễn dịch khác và các cơn đau tim có xu hướng tăng cao nhất vào những tháng lạnh hơn. Bệnh tiểu đường loại 1 cũng có nguy cơ trở thành vấn đề với nhiều người vào mùa đông. Vì thế, chúng ta cần trang bị cho mình kiến thức để có những biện pháp phòng bệnh đúng cách. Các chuyên gia y tế đưa ra một số biện pháp được coi là vũ khí lợi hại bảo vệ sức khỏe con người trước thời điểm giao mùa.
Thể dục thể thao thường xuyên: Mỗi ngày, dù ít hay nhiều, bạn cùng các thành viên trong gia đình hãy dành thời gian tập thể dục. Nếu hạn chế về thời gian, bạn có thể tranh thủ tập 3-4 lần/tuần. Đây là cách tăng sức đề kháng, sản sinh kháng thể chống lại virus gây bệnh. Tiếp nhận nhiều ánh nắng mặt trời nhất có thể trong những ngày ảm đạm của mùa đông sẽ giúp cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể
Một chế độ ăn uống khoa học lành mạnh: Ngoài vận động, chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh, mỗi bữa ăn bạn nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Ăn uống lành mạnh để chống lại các tác nhân gây bệnh. Sử dụng nhiều trái cây và rau quả, nước trái cây giàu vitamin C và bioflavonoids như cam quýt, quả mọng, dứa …. Nên thêm gừng, tỏi nghệ vào khẩu phần ăn để chống nhiễm trùng và giảm viêm. Tiêu thụ thực phẩm lên men hoặc dùng probiotic phổ rộng để hỗ trợ sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch.
Uống đủ nước: Mỗi ngày, bạn nên bổ sung 2 – 3 lít nước để loại bỏ chất dư thừa cũng như các độc tố trong cơ thể, giúp phòng tránh bệnh tật. Uống trà thảo mộc làm ấm với chanh và mật ong giúp bảo vệ đường hô hấp và chú ý ên kế hoạch giảm cân nếu “sự lười biếng” của mùa đông khiến bạn tăng cân mất kiểm soát.
Khám sức khỏe định kỳ: Nếu không may bạn đang mắc bệnh mà bạn không hề hay biết, tầm soát sức khỏe định kỳ sẽ giúp kịp thời phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu và có phương pháp điều trị kịp thời, ngăn chặn mầm bệnh phát triển. Đồng thời, các bác sĩ sẽ tư vấn những yếu tố nguy cơ mình có thể mắc phải, từ đó có biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Bài: Anh Đức
Thiết kế: Thúy Hà