Theo hãng tin Reuters, trong bài phát biểu, Tổng thống Biden đã kêu gọi người Mỹ hàn gắn chia rẽ, nói rằng thỏa hiệp của ông với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho thấy có thể làm được những gì. Ông nói: “Cho dù nền chính trị của chúng ta có khó khăn đến đâu, chúng ta cần coi nhau không phải là đối thủ mà đều là những người dân Mỹ”. Ông kêu gọi người Mỹ bình tĩnh và phối hợp để theo đuổi tiến bộ.
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ ký thành luật dự luật trần nợ công vào ngày 3/6 (giờ Mỹ), chấm dứt nhiều tháng bất ổn và nỗ lực ngăn chặn vụ vỡ nợ lần đầu tiên của Mỹ có thể xảy ra vào ngày 5/6. Ông nói: “Việc đạt được một thỏa thuận là rất quan trọng và đó là một tin rất tốt cho người dân Mỹ. Không ai có được mọi thứ họ muốn. Nhưng người dân Mỹ đã có được những gì họ cần. Chúng ta đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng kinh tế, một vụ sụp đổ kinh tế”.
Ngoài ra, ông Biden cũng ca ngợi Chủ tịch Hạ viện McCarthy - người đàm phán chính với ông trong vấn đề trần nợ công. Ông Biden nói: “Chúng tôi đã có thể hòa hợp với nhau để thực hiện mọi việc. Cả hai bên đều hành động thiện chí”.
Trước đó, đảng Cộng hòa đã từ chối tăng trần nợ trong nhiều tháng, yêu cầu ông Biden và đảng Dân chủ cắt giảm chi tiêu ngân sách năm 2024 để đổi lại đồng ý tăng trần nợ công.
Cuối cùng, ngày 27/5, ông Biden và McCarthy đã cùng nhau thảo luận về một thỏa thuận vào phút cuối, tạm dừng trần nợ công cho đến tháng 1/2025 và giới hạn chi tiêu. Kết quả đột phá này đạt được sau cuộc đàm phán nước rút trước thềm hạn chót.
Trước đó, hai bên đều giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề này. Phe Cộng hòa đề xuất cắt giảm chi tiêu 130 tỷ USD, với các khoản chi tiêu trong năm tới chỉ hạn chế ở mức bằng năm 2022, coi đây là điều kiện để đạt thỏa thuận tăng trần nợ công. Họ cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid - chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn.
Sau đó, cả Thượng viện và Hạ viện đã thông qua dự luật trong tuần này để thống nhất đình chỉ trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD.
Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu với tỷ lệ 314 trên 117 để thông qua dự luật và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu với tỷ lệ 63 trên 36.
Tuy nhiên, ngày 2/6, Fitch Ratings cho biết xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ sẽ vẫn nằm trong diện theo dõi ở mức tiêu cực, bất chấp thỏa thuận cho phép chính phủ thực hiện các nghĩa vụ của mình.
Bài phát biểu tại Phòng Bầu dục
Các tổng thống Mỹ thường phát biểu từ Phòng Bầu dục khi xảy ra các sự kiện quan trọng và kịch tính nhất: ví dụ như các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, hoặc vụ nổ tàu con thoi Challenger.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden phát biểu tại căn phòng này vì nhận thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình nếu trần nợ không được nâng lên.
Cựu Tổng thống Ronald Reagan phát biểu trước người dân từ Phòng Bầu dục sau vụ nổ tàu con thoi Challenger năm 1986. Cựu Tổng thống George W. Bush đã sử dụng địa điểm này để phát biểu trước cả nước sau vụ tấn công ngày 11/9/2001. Cựu Tổng thống Barack Obama đã phát biểu từ Phòng Bầu dục sau khi xảy ra vụ tràn dầu liên quan tập đoàn BP năm 2010.
Từ khi nhậm chức tháng 1/2021, Tổng thống Biden đã đọc Thông điệp liên bang từ Điện Capitol và có bài phát biểu từ Phòng phía Đông của Nhà Trắng trong đại dịch COVID-19.
Nhưng bài phát biểu vào tối 2/6 (giờ Mỹ) là bài phát biểu đầu tiên của ông từ Phòng Bầu dục.