Năm Mèo bàn chuyện... o mèo

Năm Mèo bàn chuyện... o mèo

1.

Sung sướng nhất của đời người lúc trẻ, còn là gì nữa nhỉ?

Câu hỏi này, xét ra bí hiểm và tối nghĩa quá. Hỏi một cách chung chung, khó có thể trả lời. Thôi thì, xin nói luôn cho nó vuông, nói gọn cho nó trọn, rằng, thuở còn trẻ cái lúc mà chân đi không chạm đất, trí tưởng tượng bay bổng trên mây, những tưởng co chân nhảy lên một phát đã chạm tới “Bạch vân thiên tải không du du”; những tưởng dẫu bia bọt tràn trề như sông như suối chỉ cần ngửa cổ nốc cạn, nuốt cái ực một phát là xong; những tưởng chỉ một cú mắt liếc tình đưa là cả hàng vạn giai nhân mỹ nữ đều xao xuyến tâm can lẫn mê tít thò lò rồi cả thẩy ngã nhào vào lòng mình mà cất lên tiếng thơ: “Đây rượu nồng. Và hồn của em đây/ Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử” (Xuân Diệu), rồi lảnh lót tiếng hát nồng nàn như lúc Lưu Nguyễn lạc tới Đào nguyên: “Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm” (Văn Cao)…

Oách quá. Đúng là thuở ấy, mình thiệt oách xà lách.

Tóm lại cái thời còn trẻ ấy, sung sướng nhất vẫn là những lúc phóng bút làm thơ tình tràng giang đại hải tha hồ tặng cho mai, lan, cúc, trúc một cách hào hứng nhất. Nói nôm na, dân dã nghe tức cười hơn là hễ “thích thì nhích”, chẳng sợ gấu mẹ lù lù canh me trông phát khiếp. Chẳng e dè. Không lo sợ. Thích thì tán tỉnh. Thích thì tỏ tình. Ấy là lúc ai đó bước ra từ thơ Huy Cận: “Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ” đã thốt lên tiếng lòng như của chàng trai cực kỳ đáng yêu trong câu ca dao hơn 4.000 năm, nay vẫn còn vang vọng:

Mình về ta chẳng cho về

Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ

Muốn đề thơ lên đó, ít ra bấy giờ “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” (Truyện Kiều), chứ mới ban đầu tri ngộ, mới nhìn thấy dung nhan “chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường” mà đã sỗ sàng “nắm vạt áo” ắt không thể. Vậy nên, bấy giờ phải vận dụng đến sự thông minh miệng lưỡi: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”.

Ấy cũng là nghệ thuật “o mèo” đó thôi.

Năm Mèo bàn chuyện... o mèo ảnh 1

2.

Ngày xửa ngày xưa, như một lẽ tự nhiên, trong quá trình lao động, nhằm xua tan đi mệt nhọc thì lúc đó, sinh hoạt “văn nghệ văn gừng” ra đời. “Nguyên lý văn học” này, ta có thể nhìn thấy qua hò kéo lưới, kéo gỗ, kéo thuyền, giã gạo, đánh cá, hát đối đáp... Ngoài việc tạo nên sự nhịp nhàng nhằm tập trung cùng thể hiện động tác, còn là dịp trao duyên gửi tình, phát sinh tình cảm. Bởi vậy, một khi đã về quê khi đi lại trên bến đò cũ, nhìn lại dòng sông đã tắm mát trưa hè, đi ngang qua bờ ruộng đã từng thả diều sau mùa gặt hái, ai lại không bồi hồi nhớ về năm tháng thanh xuân tươi trẻ? Mà thuở ấy, có gì? Có câu hò đối đáp bay bướm, lẫn thử thách lúc trao duyên tán tỉnh xa vời nhung nhớ.

Đôi lúc đùa mà thật, thật mà đùa, đơn giản người “vấn”, kẻ “đáp” cùng tình làng nghĩa xóm nên sự bỡn cợt có lúc khiến họ… đỏ mặt. Phải nói ngay rằng, một khi đã đi vào văn học bình dân, trên đồng cạn dưới đồng sâu, trăng thanh gió mát, chèo thuyền trên sông… ta không thể đến bằng tâm thế nghiêm nghị đạo mạo, khuôn phép đạo đức một cách thái quá mà cần phải mở lòng chung vui thì mới có thể “nhập cuộc” với họ. Hơn cả thế, phải nhìn nhận rằng có lúc họ nói huỵch toẹt nọ kia là cũng nhằm mục đích gây cười, tạo ra tiếng cười vui vẻ, xua tan đi mệt nhọc, chứ không đầu không hề có ý nghĩ vẩn đục. Hiểu như thế là cảm thông, là chia sẻ với sự khỏe khoắn của bà con chân lấm tay bùn đã sáng tạo ra văn học bình dân.

3.

Trước hết, ta hãy bàn đến từ o.

Rằng, năm 1974, tạp chí Văn Học tại miền Nam ấn hành số đặc biệt “Tô Hoài trong xã hội người nghèo”, nhà báo Phan Kim Thịnh đặt vấn đề các tựa truyện của Tô Hoài là “O chuột hay ổ chuột”? Sở dĩ như thế, vì theo ông Thịnh, quyển Le roman Vietnamien contemporain của Bùi Xuân Bào in năm 1972, trang 438 đã ghi chú: “Tô Hoài: Ổ chuột (Trou de souris). Nhưng ngay trang cuối cuốn sách này, trang đính chính đã in lại như sau: “O chuột: Mademoiselle la souris”. Như vậy, tác giả không đồng ý chữ Ổ chuột lại dùng chữ O chuột hiểu theo nghĩa o là cô”.

Vậy, cách giải thích nào là đúng? Xin thưa, cả hai cách giải thích đều… trật. Căn cứ vào văn bản Tô Hoài ở đoạn kết, ta sẽ có cách giải thích chính xác: “cơ chừng gã mèo mướp phải dành tất cả cái hoa niên của mình để mà chỉ luẩn quẩn đi o chuột”. Vậy, “o” ở đây là “rình”, tức “rình chuột” chứ không phải cô chuột, ả chuột, bà chuột, thím chuột nào cả. Xét ra, từ o trong O chuột đã rõ ràng, không cần gì thêm. Tuy nhiên, có điều tôi lấy làm ngạc nhiên vì khi tra các từ điển tiếng Việt lại không tìm thấy giải thích o theo nghĩa vừa nêu.

Vậy, o này từ đâu mà ra?

Theo nhà nghiên cứu An Chi: “Cứ như trên thì, hiểu rộng ra và nếu liên hệ đến nghĩa của o trong o mèo, ta sẽ thấy o trong O chuột của Tô Hoài chẳng qua là o trong o mèo hiểu theo nghĩa bóng, chứ không phải là một từ o nào khác. O mèo, nói một cách ngắn gọn, mà không kém phần xác thực, là lân la ve gái. Còn o chuột cũng chỉ là rình nấp, đi quanh đi quẩn để tìm, để lùng bắt chuột mà thôi”. Cho đến nay, chưa thấy ai có lập luận gì khác, riêng tôi đồng thuận với cách giải thích này.

O mèo là tán gái. Thí dụ, vừa thấy chồng bước ra khỏi nhà, cô vợ bắt nọn: “Chà, bữa nay anh chưng diện láng cóng, ăn mặc bảnh tỏn chắc đi o mèo à?”. O là o bế, đeo đuổi tán tỉnh, chiều chuộng. Người chồng đáp: “Em tào tháo ghê. Anh đi thăm sếp”, ý muốn nói cô vợ đa nghi quá, chàng ta đi công việc chính đáng chứ nào phải đi gạ gẫm, thả thính, tán tỉnh cô nào đâu. Ca dao Nam Bộ có câu:

Ba má bày đặt cho anh

Áo bà ba may hai cái túi đựng dầu chanh o mèo

Dù vẫn biết “mèo/ o mèo” là từ bông phèn nhằm ám chỉ nhơn tình nhơn ngãi của chồng kiểu như Hoạn Thư đánh giá vai trò của Thúy Kiều lúc lang chạ với Thúc Sinh. Không những thế, người miền Nam còn có từ “Liếc mèo: liếc mắt đưa tình với phụ nữ”, Từ điển phương ngữ Nam Bộ (1994) do Nguyễn Văn Ái chủ biên giải thích. Nhưng tại sao phải là mèo, chứ không phải là con gì khác?

Có lẽ sở dĩ gọi mèo vì trong tâm thức người Việt đã thành kiến với loại “Mèo mả gà đồng”, “Mèo đàng chó điếm” - cũng mèo, gà, chó thân thuộc, đáng yêu nhưng lại là loại hoang đàng chi địa, trắc nết, hư hỏng. Vì thế, Hoạn Thư mới mắng mèo của chồng là Thúy Kiều: “Con này chẳng phải thiện nhân/ Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng/ Ra tuồng mèo mả gà đồng”. Từ thành kiến trên mới dẫn tới liên tưởng này, hễ cô ả nào léng phéng với chồng mình thì đích thị mèo. Giải thích này, hợp lý không? Nếu không xin cứ hỏi… con mèo, xem nó trả lời thế nào?

Năm Mèo bàn chuyện... o mèo ảnh 2

Trong khi chờ đợi, ta hãy tiếp tục câu chuyện đang bàn, thí dụ, đứa trẻ từ Sài Gòn ra chơi Quảng Nam, lúc đi ngang Ngũ Hành Sơn, bạn chỉ tay giới thiệu: “Cua kìa, cua kìa”. Ngạc nhiên quá, nó chẳng hề thấy con cua ở đâu cả, thì ra, âm OI, với người Quảng Nam đã biến thành UA. “Đời cua cua máy đời cáy cáy đào” là đời nào lo cho đời đó, mỗi người tự lấy số phận, cuộc sống của chính mình, chẳng khác gì “Đời cha cha lo, đời con con liệu”. Nhưng “cua” còn hàm nghĩa… tán tỉnh, chẳng hạn, một người nhận xét: “Chà, hôm nay hắn ta ăn mặc bảnh tỏn ghê ta. Cái đầu thoa dầu láng mướt, áo ủi thẳng thớm lại bỏ vào thụng, chắc đi cua gái chứ gì?”. Thì “cua” trong ngữ cảnh này chính là “o/ o mèo”.

Ruộng gò cấy lúa Nàng Co

Thương anh thì thương đại, đừng để anh gò mất công

Ruộng gò tức ruộng ở cuộc đất cao, còn gọi ruộng cao. Mà gò ở câu tám, còn hiểu là cua - nhằm chỉ hành động tán tỉnh, dỗ dành, ve vãn người đẹp. Tục ngữ có câu: “Gò với núi cũng kể loài cao, bể với ao cũng kể loài trũng” thì gò lại là đống đất cao nổi lên ở nơi bằng phẳng. Gò cương ngựa tức trì/ co/ kéo lại dây cương đặng cầm chân ngựa. Mà gò cũng là gọt dũa, năn nót cẩn thận từng chút một, chẳng hạn một người nhận xét: “Cậu ấy khi viết thư tình cho mèo là gò từng chữ”. Ngoài câu ca dao trên, “gò” được hiểu theo nghĩa tán tỉnh, ve vãn, vậy, còn từ gì nữa?

Ruộng gò cấy lúa Ba Xe

Thấy em còn nhỏ anh ve để dành

Sự dí dỏm, tinh nghịch gói gọn trong từ “để dành” rất ư láu cá. Ve cũng hàm nghĩa như o, gò, cua. Đi vào phương Nam nghĩa tình nắng ấm, ai lại không nhớ đến câu hát huê tình bay bướm:

Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm

Nhưng ve cũng là be, chai, lọ dùng để đựng chất lỏng:

Cô về chợ Thủ bán hũ bán ve

Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu

Ve và chai một khi đi chung khắng khít, trở thành “ve chai” thì lại làm nghĩa thu mua đồ cũ, lặt vặt, đã cũ, đã hỏng, hằm bà lằn xắn cấu, chứ không chỉ ve, chai. Còn có từ cùng nghĩa là đồng nát:

Đồng nát thì về cầu Nôm

Con gái nỏ mồm về ở với cha

Ngoài các từ o, gò, cua, ve chỉ cái sự tán tỉnh người đẹp còn có thể kể thêm từ gì nữa? Trong truyện dài Như thiên đường lạnh (NXB Hội Nhà văn tái bản 2017), nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ viết: “Lủy tính chim con em bà con của em đó” (tr.84). Hoặc trong kiệt tác Số đỏ, cha đẻ của Xuân Tóc đỏ viết: “Thật là đủ giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”. Chim là tiếng lóng cũng nhằm chỉ tán tỉnh, gạ gẫm.

Này bạn, nếu cô nàng vẫn phòng không bóng chiếc, vẫn “lính phòng không”? Thì mình cứ tiếp tục gò, cua, o, ve, chim… chứ nào sợ gì. Chỉ sợ là sợ, một khi mình đã yên bề gia thất, đã đi thưa về trình, đã “gấu mẹ vĩ đại” lù lù đứng sau lưng, đã “Vợ gọi thì “Dạ, bẩm bà tôi đây” ắt chớ hòng “thả thính”; chớ hòng đuổi bướm bắt chim như thời trai trẻ đơn thân độc mã; chớ hòng khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng... Nghĩ thế, không ít bậc hiền nhân quân tử “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” ngậm ngùi nhớ lại thuở vàng son rực rỡ vẫn độc thân bèn thở ngắn than dài, ngửa mặt lên trời gào một câu thảm thiết vang dội rúng động bốn phương: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu”.

Tội nghiệp chửa?

TIN LIÊN QUAN
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.