Định kiến giới trong giáo dục
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 10/2023, tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông của người dân tộc thiểu số là 79,09% (nam 85,53%, nữ 72,70%), thấp hơn đáng kể so với người Kinh (nam 97,81%, nữ 94,69%). Ở nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ người dân tộc thiểu số, đặc biệt nữ dân tộc thiểu số, biết đọc, biết viết chữ phổ thông càng thấp. Trong nhóm từ 65 tuổi trở lên, chỉ có 65,87% nam và 39,08% nữ dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Ngoài ra, dù tình trạng đi học của phụ nữ dân tộc thiểu số có tăng, song tỷ lệ đạt bằng cấp vẫn ở ngưỡng thấp hơn so với nam giới.
Một cuộc khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại hai tỉnh Lai Châu và Yên Bái cho thấy, trình độ học vấn đạt được của phụ nữ địa phương chỉ ở mức 5,2 năm, trong đó 28,8% có trình độ học vấn ở bậc tiểu học, 31,6% có trình độ học vấn ở bậc THCS và chỉ có 13,2% có trình độ từ THPT trở lên. Ngoài ra, nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số cũng đã từng đến trường, nhưng sau khi thôi học, không còn sử dụng tiếng phổ thông nên bị mai một theo thời gian, không còn biết đọc và viết.
TS. Nghiêm Thị Thuỷ (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chỉ rõ, phụ nữ và trẻ em gái thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo thường gặp nhiều trở ngại hơn trong việc tiếp cận học tập. Bên cạnh đó, những định kiến về giới trong văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số với quan niệm chỉ có nam giới được đi học, còn phụ nữ thường ở nhà và trở thành lao động trong gia đình cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới học vấn của nhóm đối tượng này.
Một vấn đề tồn tại từ lâu trong đời sống của người dân tộc thiểu số nói chung đó là tình trạng tảo hôn và sinh con ở tuổi vị thành niên vẫn còn cao. Tình trạng nữ giới phải bỏ học giữa chừng còn diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc Mông. Qua đó, có thể thấy phong tục tập quán, quan niệm, lối sống và văn hoá bản địa có ảnh hưởng rất lớn tới việc tiếp cận và nâng cao trình độ học vấn của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) cũng chỉ ra rằng hầu hết chính sách giáo dục và đào tạo đối người dân tộc thiểu số hiện đều trung tính về giới. Mặc dù các chính sách này không trực tiếp đề cập đến nữ hay nam, tuy nhiên có thể làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng giới đang tồn tại trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cụ thể, Luật Giáo dục (2005, sửa đổi 2010) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014) đã quy định những biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp cho người dân tộc thiểu số, tuy nhiên hầu hết các quy định này đều “trung tính về giới”.
Bên cạnh đó, chất lượng và kỹ năng sư phạm của giáo viên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia học tập. Kết quả khảo sát của Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê năm 2019 cho thấy, so với các khu vực khác trên cả nước, giáo viên có trình độ từ đại học trở lên ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc chỉ đạt 62%.
Hành trình hướng tới sự phát triển bền vững
Mặc dù giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đang ngày càng được chú trọng đẩy mạnh ở Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên trình độ học vấn của phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế. Ở các vùng sâu, vùng xa, nhiều cô gái dân tộc thiểu số vẫn còn đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, điều này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của cá nhân họ mà còn hạn chế sự phát triển của cộng đồng.
Khi xã hội ngày càng phát triển, các ngành nghề đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn, kĩ năng cao, việc phụ nữ dân tộc thiểu số không được đi học hoặc có tỷ lệ đi học thấp sẽ khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm, thu nhập và các cơ hội liên quan đến cuộc sống sau này. Chính vì vậy, tiếp tục nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ dân tộc thiểu số là những mục tiêu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
“Đối với những phụ nữ chưa biết chữ cần thống kê đầy đủ, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân nhằm đưa ra giải pháp thích hợp. Xây dựng nội dung học tập phù hợp trên cơ sở dễ học, dễ hiểu cho cả người dạy và học, đồng thời trang bị tài liệu học tập cho người dân. Một số phụ nữ lớn tuổi chưa biết chữ, chưa biết đọc có thể thuyết phục chính người thân trong gia đình, hàng xóm lân cận trực tiếp dạy kèm. Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách trọng dụng những người có trình độ, bổ sung nhân lực vào các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương để họ có thêm động lực học tập, thay đổi cuộc sống”, ThS Nguyễn Thị Thanh Hương, Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.
Song song với đó, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục là vô cùng quan trọng. Cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động để thay đổi quan niệm sai lầm về vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình giáo dục, tạo ra một môi trường học tập thân thiện và khuyến khích.
Thay đổi lối sống và văn hoá các vùng theo hướng giữ lại những giá trị tốt đẹp, từng bước xoá bỏ những hủ tục lạc hậu cũng được xem là một bước đi cần thiết nhằm nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục cho nữ giới tại đồng bào dân tộc thiểu số. “Đây là một giải pháp cần rất nhiều thời gian, cũng như sự phối hợp của nhiều tổ chức chính trị – xã hội. Điều quan trọng hơn cả là thay đổi cách nghĩ, sẵn sàng tiếp cận cái mới, tân tiến, thay thế những thứ thuộc về thói quen, hủ tục ăn sâu vào đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số”, chuyên gia Thanh Hương nhấn mạnh.
Ngành giáo dục cũng cần có các giải pháp nâng cao chất lượng và trình độ sư phạm cho đội ngũ giáo viên khu vực miền núi nói chung và khu vực Trung du miền núi phía Bắc nói riêng. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào giáo dục hướng đến nhóm đối tượng nữ vùng dân tộc thiểu số, xây dựng trường học, cung cấp sách vở, thiết bị dạy học, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, cần có những chính sách ưu đãi về học bổng, hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, đặc biệt là nữ giới.
Khi phụ nữ dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức và kỹ năng, họ sẽ trở thành những người phụ nữ tự tin, độc lập, đóng góp tích cực vào sự phát triển của gia đình, cộng đồng và đất nước. Có thể thấy, nâng cao chất lượng giáo dục cho phụ nữ dân tộc thiểu số không chỉ là một mục tiêu mà còn là một trách nhiệm của cả xã hội trên hành trình hướng tới sự phát triển bền vững.