Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia, của từng doanh nghiệp và cũng là sự sống còn của người lao động.
Năng suất lao động Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN, nhưng lại ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực, khi mà năng suất lao động của Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp, trong khi Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ; còn Singapore cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật cao.
Ông Phan Chính Thức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Công tác xã hội cho biết: “Kỹ năng thấp dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp. Năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 2/5 so với Thái Lan, 1/5 so với Malaysia, 1/15 so với Singapore… Các vị trí xếp hạng cho thấy, Việt Nam còn phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc trang bị và nâng cao KNN cho người lao động”.
Bức tranh năng suất lao động được phác họa rất rõ. Cụ thể, ngành khai khoáng có năng suất lao động cao nhất do đây là ngành có tính đặc thù, giá trị sản phẩm khai khoáng bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước nóng, khí đốt; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Các ngành xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải, kho bãi, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống nhìn chung năng suất thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có năng suất thấp nhất.
Hiện Việt Nam vẫn còn tới 20,5 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi năng suất lao động khu vực này chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động, bằng 30,4% năng suất lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% năng suất các ngành dịch vụ. Thời gian qua, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp.
Lý giải về năng suất lao động còn hạn chế ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đó là do quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm (các ngành công nghiệp, dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của nước ta còn chiếm tỷ trọng thấp), máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu và chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập... Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, tích tụ công nghiệp diễn ra chậm, vẫn còn có những “rào cản” từ thể chế và khu vực doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và kém năng lực cạnh tranh. Thực tế quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
TS Nguyễn Bích Lâm nói: Đối với một quốc gia, tăng trưởng GDP nếu chỉ dựa trên tăng việc làm giản đơn, trình độ công nghệ và tay nghề lao động thấp thì thường không cao và thiếu bền vững. “Cải thiện năng suất lao động của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu” – ông Lâm khẳng định.
Mới có 24% lao động được đào tạo
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Quân đưa thông tin: Hiện lực lượng lao động Việt Nam mới chỉ có 24% lao động qua đào tạo. Số còn lại chưa có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Thị trường lao động không hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, thiếu lao động có kỹ năng. Năng suất lao động thời gian qua đã có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp.
Việc dựa vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp khiến các doanh nghiệp ít quan tâm đến áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động, quản trị mới dẫn đến năng suất của lao động Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Đi tìm lời giải cho bài toán tăng năng suất lao động, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan điểm: Muốn nâng cao năng suất lao động, Việt Nam cần phải nâng cao năng suất của hộ kinh doanh (vốn chiếm tới 30% GDP) đang có tới 9 triệu lao động. Phải đổi mới, cải thiện về quản trị, đổi mới về công nghệ. “Không thể có NSLĐ cao nếu không đưa được 5 triệu hộ kinh doanh vào khu vực doanh nghiệp; bảo vệ, nâng đỡ họ thông qua những hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” - ông Lộc khẳng định.
Còn theo ông Phan Chính Thức, trong vấn đề năng suất lao động, cần nhìn nhận lại vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tuyển dụng lao động ngay từ ghế nhà trường, sau đó phải tham gia đào tạo bài bản, đáp ứng những nhu cầu thực tế của xã hội. Phải coi doanh nghiệp là chủ thể, tham gia vào toàn bộ quá trình đào tạo lao động, từ đầu vào đến đầu ra.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đang thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề, theo địa chỉ, đặt hàng với đơn vị giáo dục trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường. Lao động Việt Nam chịu nhiều áp lực về chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng môi trường và đào tạo lại. Để thay đổi được giáo dục nghề nghiệp và cung ứng được nhân lực cao tay nghề cao cho xã hội thì phải tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Việc “đặt hàng” từ doanh nghiệp có thể giúp nhà trường điều chỉnh cách dạy, cách học, trao cho sinh viên những kĩ năng tốt nhất khi ra khỏi ghế nhà trường. Năng suất lao động phải được nâng cao ngay từ chính những “cái nôi” cung cấp nhân sự cho mọi doanh nghiệp. Nói như Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định đến năng suất lao động. “Lao động có kỹ năng phù hợp, tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu các quốc gia tập trung phát triển kỹ năng của người lao động, lấy con người làm trung tâm có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP lên tới 2%. Thậm chí kỹ năng còn được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu” – Bộ trưởng khẳng định.