Trước tiên, tôi xin cảm ơn các cấp chính quyền đã xét duyệt cho gia đình và gần như tất cả hàng xóm của tôi danh hiệu “gia đình văn hóa”. Nhờ danh hiệu đó mà khu phố tôi ở, cả năm hàng xóm chẳng bao giờ biết mặt nhau vậy mà vài ngày gần đây rôm rả đến lạ.
Sáng ra ngõ thay vì chào nhau một hai tiếng xã giao thì giờ đã đổi thành câu hỏi tu từ: “Nhà cô có được danh hiệu gia đình văn hóa không?”. Chẳng những thế, mấy nhà có “tư thù” với nhau từ trước khiến cho cả xóm thỉnh thoảng lại giật mình thon thót với mấy câu nói đổng nói đểu, chửi rủa nhau từ tờ mờ sáng chỉ vì “nước sông phạm nước giếng” ấy vậy mà “hòa thuận” được hẳn vài ngày nhờ ai cũng giữ cái tâm thế “văn hóa” được trao tặng.
Những tấm biển “Gia đình văn hóa” ở khắp mọi nơi. Ảnh: Lao động.
Dần dần, mọi người cũng biết được hóa ra nhà nhà được công nhận “gia đình văn hóa”, người người là thành viên “văn hóa”. Chỉ có duy nhất hai nhà ở trong khu là “vô văn hóa” vì đẻ quá số con quy định và “nghèo bền vững”. Nhờ nhận thức được sự “đại trà văn hóa” đó nên rồi mọi người chán chẳng muốn “giữ kẽ” bảo toàn danh hiệu nữa. Rồi đâu lại vào đấy, lạnh nhạt vẫn lạnh nhạt mà chỗ nào đinh tai thì vẫn cứ nhức óc!
Theo như tôi được biết thì cả Việt Nam có 19 triệu trên 22 triệu gia đình được công nhận gia đình văn hóa vớ tỉ lệ hơn 85%. Mà cứ khu phố nào có tỉ lệ gia đình văn hóa cao thì khu phố đó trở thành khu phố văn hóa. Vậy với 85% gia đình văn hóa trên khắp cả nước thì chắc chắn Việt Nam là quốc gia văn hóa rồi!
Mà có lẽ đâu phải riêng năm nay Việt Nam mới có nhiều cá nhân, gia đình văn hóa như vậy. Từ nhiều năm trước, tỉ lệ gia đình văn hóa của cả nước luôn luôn chiếm phần (rất) lớn, có lẽ chỉ kém tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh THPT.
Tôi cũng đã từng nghe một câu nói rất hay: “Nếu như ai cũng là siêu nhân thì sẽ chẳng có ai là siêu nhân nữa”. Vậy, đặt vào hoàn cảnh của nước ta hiện nay, câu nói đó sẽ tam sao thất bản thành: “Nếu như gia đình nào cũng văn hóa thì sẽ chẳng có gia đình nào văn hóa nữa”. Việc “đại trà văn hóa” như thế khiên cho cái danh hiệu mất đi nhiều phần quý giá!
Ngay dưới tấm biển khu phố văn hóa là… một đống rác. Ảnh: Internet.
Thế nên, với cương vị một cá nhân văn hóa sống trong gia đình, khu phố, đất nước văn hóa, tôi xin có một đề xuất đó là không trao danh hiệu gia đình văn hóa nữa mà thay vào đó là trao danh hiệu gia đình “chưa văn hóa” cho phần thiểu số. Điều đó chắc chắn sẽ thu được rất nhiều lợi ích.
Lợi ích đầu tiên về mặt tinh thần, đó là gia đình nào được trao giấy chứng nhận “chưa văn hóa” sẽ tự cố gắng phấn đấu cho văn hóa hơn. Còn những nhà đã văn hóa rồi thì sẽ không tự cao, tự phụ vì được công nhận là văn hóa nữa.
Thứ hai, nếu cứ tính trung bình 5000 VNĐ một tấm giấy khen “Gia đình văn hóa”, nhân lên cho 19 triệu gia đình thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi khoảng 95 tỷ VNĐ chỉ để trao tấm giấy mà nhiều gia đình chẳng mặn mà gì. Sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều chi phí nếu như trao danh hiệu gia đình chưa văn hóa cho thiểu số. (Mà dự đoán là gia đình chưa văn hóa ngày càng giảm nên ngày càng tiết kiệm ngân sách hơn là điều dự đoán được.)
Hi vọng với những lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần đã liệt kê ở trên, đề xuất của tôi sẽ được các cấp, các ban ngành xét duyệt.
Một người dân văn hóa