Đi ngược với thông lệ
Tại khối ngân hàng thương mại Nhà nước, BIDV điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,3% xuống 0,2%; kỳ hạn 36 tháng giảm 0,2%, từ mức 7%/năm xuống 6,8%/năm.
Tương tự, Agribank cũng giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5% xuống 0,3%, ngược lại kỳ hạn 1 tháng tăng nhẹ 0,1% lên 4,3%.
Ở khối ngân hàng cổ phần, VietCapital Bank, VIB, Sacombank... cũng áp mức lãi suất huy động mới giảm 0,05% đối với kỳ hạn 1-5 tháng; giảm 0,1% với các kỳ hạn 13 và 18 tháng. Hiện lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng từ 5,2- 5,3%; kỳ hạn 3-5 tháng là 5,4%; kỳ hạn 13 tháng là 7,0-7,5%; kỳ hạn 18 tháng từ 7,2-7,9%.
Các chuyên gia cho rằng, đợt giảm lãi suất lần này có tạo một chút ngạc nhiên trên thị trường vì theo thông lệ hàng năm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều tăng vào dịp cuối năm ở nhiều biên độ khác nhau.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho hay, động thái trên chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn huy động một cách hợp lý hơn. Ngoài ra, hạ lãi suất đầu vào cũng là cơ hội để ngân hàng có thể điều chỉnh đầu ra, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất dịp cuối năm.
Khó trở thành xu hướng
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm lãi suất huy động lần này khó có khả năng để trở thành xu hướng chung cho hệ thống ngân hàng đến cuối năm, do mặt bằng lãi suất thị trường đang chịu một số áp lực như tỷ giá, lạm phát, thanh khoản...
Đặc biệt, theo biểu lãi suất giao dịch thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 1/12/2016, lãi suất bình quân liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm là 2,77% và kỳ hạn 1 tuần là 3,25%, trong khi cách đây 1 tháng lãi suất của 2 kỳ hạn này đều dưới 1%/năm.
Điều đó chứng tỏ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng lên gần 2%/năm ở các kỳ hạn từ 1 tuần trở xuống, trong khi đó kỳ hạn 6 tháng cũng đã tăng lên 5,12%/năm.
Điều này được minh chứng là do Ngân hàng Nhà nước hút ròng tiền ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu đã gây áp lực lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng. Do đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong những tuần cuối năm do nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong hệ thống tăng và cơ quan điều hành sẽ bán ra USD và hút VND về nhằm đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.
Ngoài ra, việc Fed nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ biên độ 0,25%-0,5% lên 0,5%-0,75% sẽ khiến cho sức mạnh của đồng USD ngày càng tăng và sẽ tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá USD/VND và từ đó càng làm cho lãi suất thị trường tại Việt Nam tăng lên.
Ngoài các áp lực trên, tiến sỹ Bùi Quang Tín, khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, đến cuối tháng 11/2016, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tăng gần 14,7% so với cuối năm 2015. Điều đó có nghĩa là cả hệ thống phải phấn đấu tăng thêm từ 3,3% đến 5,3% để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là từ 18-20%/năm.
"Việc tăng này là không hề dễ dàng vì theo thông lệ hàng năm thì mức tăng trưởng tín dụng của các tháng cuối năm chỉ khoảng 2%/tháng. Nhưng nếu các ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu này thì nhiều khả năng sẽ làm cho tình trạng thanh khoản trở nên căng thẳng và khi mà sự hỗ trợ từ thị trường 2 ít đi sẽ càng khiến cho lãi suất huy động trên thị trường 1 bị đẩy lên từ đó gây áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay," ông Tín phân tích.
Khảo sát mặt bằng thị trường cho thấy, hiện lãi suất huy động VND giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng có quy mô nhỏ vẫn có sự cách biệt khá lớn./.