Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam: Dấu hiệu đội giá trong đấu thầu thiết bị mạng?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam phê duyệt mua sắm các thiết bị mạng cho một số chi nhánh, phòng giao dịch thuộc chi nhánh. Tuy nhiên, giá của các mặt hàng trong gói thầu cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu với tổng chênh lệch hàng tỷ đồng.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) là tổ chức tín dụng hợp tác được thành lập năm 1994 với mục tiêu tương trợ hệ thống, giúp các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cơ sở ở xã, phường phát triển ổn định.

Co-opBank gồm 24 chi nhánh trải rộng 53 tỉnh, thành phố với chức năng điều hoà vốn trong hệ thống, cung ứng dịch vụ, chăm sóc, tư vấn cho Quỹ tín dụng thành viên Kinh doanh tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng; thực hiện một số nhiệm vụ của tổ chức liên kết hệ thống QTDND do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

Co-opBank đã trực tiếp chăm sóc, điều hoà vốn hỗ trợ gần 1.000 QTDND trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, Co-opBank đang tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến công tác đấu thầu, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam: Dấu hiệu đội giá trong đấu thầu thiết bị mạng? ảnh 1

Quyết định số 324/QĐ-NHHT ngày 11/8/2022, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Thạc Tâm phê duyệt.

Cụ thể: Năm 2022, ông Nguyễn Thạc Tâm- KT. Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam ký Quyết định số 324/QĐ-NHHT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm các thiết bị mạng cho một số chi nhánh, phòng giao dịch thuộc chi nhánh Ngân hàng Hợp tác.

Đơn vị trúng thầu là công ty Cổ phần công nghệ thông tin và truyền thông Tecapro. Gói thầu có giá dự toán 6.426.750.000 (Bằng chữ: Sáu tỷ, bốn trăm hai mươi sáu triệu, bảy trăm năm mươi nghìn đồng), giá trúng thầu 6.369.000.000 (Bằng chữ: Sáu tỷ, ba trăm sáu mươi chín triệu đồng), tiết kiệm 57.750.000 đồng, đạt tỉ lệ 0,9%.

Do đây là gói thầu tổ chức đấu thầu trực tiếp, hầu hết các thông tin được công khai minh bạch hoàn toàn theo quy định hướng dẫn và cơ sở pháp lý trong luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT của bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm, dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các hàng hóa trong gói thầu, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành của hàng hóa được mua sắm trong gói thầu cao hơn so với giá thị trường.

Cụ thể: Thiết bị mạng cho chi nhánh (Juniper SRX345) có đơn giá tại gói thầu là 147.180.000 đồng/chiếc. Phóng viên khảo sát thị trường thì nhận được báo giá của thiết bị này là 83.954.383 đồng/chiếc, chênh lệch 63.225.617 đồng/chiếc. Với số lượng 15 chiếc, tổng số tiền chênh lệch là 948.384.255 đồng.

Tương tự, thiết bị mạng cho phòng giao dịch thuộc chi nhánh (Juniper SRX320) có đơn giá tại gói thầu là 64.020.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, một đơn vị uy tín chuyên cung cấp thiết bị mạng viễn thông báo giá model Juniper SRX320 đang được bán trên thị trường với giá 25.624.368 đồng/chiếc, chênh lệch 38.395.632 đồng/chiếc. Với số lượng 65 chiếc, tổng số tiền chênh lệch là 2.495.716.080 đồng (Bằng chữ: Hai tỷ, bốn trăm chín mươi lăm triệu, bảy trăm mười sáu nghìn, không trăm tám mươi đồng).

Bên cạnh đó, theo tài liệu PV thu thập được, sản phẩm Thiết bị mạng cho chi nhánh, có model SRX345, thương hiệu Juniper Network International (Juniper SRX345), có nguồn gốc từ Đài Loan, Trung Quốc được nhập khẩu với giá 45.671.266 đồng (giá đã bao gồm VAT) vào ngày 11/11/2022. Trong khi đó, đơn giá trúng thầu là 147.180.000 đồng, giá nhập khẩu thiết bị thấp hơn giá trúng thầu 107,465,856 đồng (hơn 107 triệu đồng) /1 thiết bị. Như vậy, với số lượng 15 thiết bị, tổng chênh lệch là 1.522.631.013 đồng (hơn 1 tỷ 522 triệu đồng).

Ngoài ra, vào ngày 22/09/2022, hệ thống Thiết bị mạng cho phòng giao dịch thuộc chi nhánh (thương hiệu Juniper, model SRX320) được nhập khẩu mới 100% từ Đài Loan, Trung Quốc có giá 11.787.500 đồng (giá đã bao gồm VAT). Tuy nhiên, giá trúng thầu là 64.020.000 đồng, cao hơn 53,770,000 đồng (hơn 53 triệu đồng) /1 thiết bị. Tổng số tiền chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá trúng thầu khi mua với số lượng 65 thiết bị là 3.395.112.500 đồng (hơn 3 tỷ 395 triệu đồng).

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam: Dấu hiệu đội giá trong đấu thầu thiết bị mạng? ảnh 2

Chi tiết bảng so sánh giá do phóng viên nghiên cứu và thực hiện.

Như vậy, qua khảo sát 2/2 sản phẩm, gói thầu đã có dấu hiệu đội giá so với thị trường, giá nhập khẩu số tiền chênh lệch là 3.444.100.335 đồng (Bằng chữ: Ba tỷ, bốn trăm bốn mươi bốn triệu, một trăm nghìn, ba trăm ba mươi lăm đồng).

Biết rằng, để đưa sản phẩm đến tay chủ đầu tư, phía doanh nghiệp sẽ phải căn chỉnh bài toán lợi nhuận, bởi còn có thể phải gánh thêm các chi phí vận chuyển, kho bãi… Tuy nhiên, giá trị hàng hóa trong gói thầu và dữ liệu thị trường, xuất nhập khẩu chênh lệch số tiền hàng tỷ đồng cần được xem xét.

Phóng viên đã liên hệ với Co-opBank để tìm hiểu thông tin đa chiều, khách quan. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, phía đơn vị vẫn chưa phản hồi.

Theo luật sư Dương Văn Phúc, đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế, bản chất của việc đấu thầu đó là tạo ra sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, ngoài ra cũng tìm ra nhà thầu có năng lực, đảm bảo chất lượng nhưng mang lại giá trị tiết kiệm cho ngân sách, càng tiết kiệm càng đảm bảo được chất lượng thì khi đó mới đi đúng tinh thần của luật đấu thầu.


Nếu hoạt động đấu thầu có dấu hiệu nâng khống, đội giá, gây thiệt hại cho Nhà nước thì tùy từng trường hợp khác nhau có thể bị xử lý theo các chế tài khác nhau. Nếu sự việc ở mức độ nhẹ có thể chỉ bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, các hành vi thông thầu, có hành vi cố ý làm trái, dấu hiệu trục lợi làm thất thoát, thiệt hại cho tài sản nhà nước thì còn có thể bị xử lý hình sự về các tội danh khác nhau, tùy theo tính chất, mức độ hành vi và tính chất cụ thể khác nhau sau khi có kết luận điều tra cụ thể.


"Sai phạm liên quan đến công tác đấu thầu có thể sẽ bị truy cứu theo quy định như tại Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 220. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 353. Tội tham ô tài sản; Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…”, luật sư Phúc thông tin thêm.

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?
Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.