“Đội giá” trong đấu thầu ở Bệnh viện công - Bài 2: Bất thường ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tại gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh do bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, bệnh viện… làm chủ đầu tư xuất hiện nhiều mã hàng có giá cao gấp đôi so với giá nhập khẩu, tổng số tiền chênh lệch lên tới hơn hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, những gói thầu này chỉ tiết kiệm cho ngân sách số tiền “nhỏ giọt”.

Chính phủ vừa nhận được tờ trình của Bộ kế hoạch và Đầu tư đề nghị ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng đồng thời tăng cường hiệu quả công tác Quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu.

“Đội giá” trong đấu thầu ở Bệnh viện công - Bài 2: Bất thường ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM ảnh 1

Ảnh minh hoạ

Thực tế trong thời gian vừa qua, hàng loạt sai phạm trong đấu thầu mua sắm, máy móc, thiết bị y tế bị đưa ra ánh sáng khiến nhiều doanh nghiệp thẩm định giá bị “tuýt còi”, nhiều thẩm định viên về giá vướng vòng lao lý… Đặc biệt, có sự móc nối tinh vi giữa các khâu, từ việc xác định nhu cầu mua sắm, thẩm định giá xây dựng HSMT, tổ chức đấu thầu, chấm thầu dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại TP.HCM, nhiều gói thầu do các bệnh viện công làm chủ đầu tư có dấu hiệu mua sắm giá cao hàng tỷ đồng.

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM

Ngày 30/12/2022, ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1 đã ký Quyết định số 2531/QĐ-BVNĐ1 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Thiết bị phòng mổ, thiết bị khối sơ sinh cho Dự án: Xây dựng mới trung tâm Sơ sinh - chuyên khoa (Khối 5b).

Liên danh công ty TNHH Hoàng Yến Meditech Việt Nam và công ty TNHH Amec Holdings là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 48.655.000.000 đồng (Bằng chữ: Bốn mươi tám tỷ sáu trăm năm mươi lăm triệu đồng), tiết kiệm 0,005% so với giá dự toán.

“Đội giá” trong đấu thầu ở Bệnh viện công - Bài 2: Bất thường ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM ảnh 2

Quyết định số 2531/QĐ-BVNĐ1 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Thiết bị phòng mổ, thiết bị khối sơ sinh cho Dự án: Xây dựng mới trung tâm Sơ sinh - chuyên khoa (Khối 5b).

Khi đi sâu vào tìm hiểu gói thầu này, PV nhận thấy nhiều sản phẩm/hàng hóa được mua sắm trong gói thầu có hiện tượng chênh lệch giá rất lớn so với mức giá nhập khẩu.

Đơn cử, máy giúp thở sơ sinh (Model máy chính: Babylog VN600; Hãng sản xuất máy chính: Drägerwerk AG & Co. KGaA - Đức) có giá trúng thầu là 1.100.000.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, theo thông tin PV có được, thiết bị này được nhập khẩu về Việt Nam có giá 438.651.834 đồng. Với số lượng 8 máy giúp thở sơ sinh được mua, số tiền chênh lệch của gói thầu cao hơn giá nhập khẩu là trên 5 tỷ đồng.

Tương tự, máy bơm tiêm điện tự động (Model: TE-SS730; Hãng/nước sản xuất: Ashitaka Factory of Terumo Corporation, Nhật Bản) được nhập khẩu về Việt Nam với giá 13.170.889 đồng. Tuy nhiên, bệnh viện Nhi đồng 1 lại phê duyệt mức giá 22.500.000 đồng cho sản phẩm này. Ước tính, tổng số tiền chênh lệch của 155 cái là hơn 1,2 tỷ đồng.

Hay lồng ấp vận chuyển tích hợp máy thở cho trẻ sơ sinh (Model máy chính: TI500 Globe-Trotter®; Hãng sản xuất máy chính: Draeger Medical Systems, Inc, Mỹ) và máy truyền dịch tự động (Model: TE-LM730; Hãng/nước sản xuất: Ashitaka Factory of Terumo Corporation/Nhật Bản) có giá nhập khẩu lần lượt là 709.735.606 đồng và 15.080.655.

Nhưng tại gói thầu, giá 2 thiết bị này lên đến 1.412.000.000 đồng và 31.000.000 đồng, chênh lệch gấp 2 lần so với giá nhập khẩu. Với nhu cầu mua sắm 40 cái máy truyền dịch tự động, số tiền nhập khẩu máy thấp hơn 600 triệu đồng so với gói thầu.

Quá trình khảo sát ngẫu nhiên 4/22 thiết bị được mua sắm, gói thầu đã có dấu hiệu chênh lệch cao hơn giá nhập khẩu số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Bệnh viện Nhi đồng 1 là bệnh viện chuyên khoa Nhi trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ tại số 341 đường Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Đơn vị hiện là một trong ba bệnh viện Nhi tuyến cuối phục vụ các tỉnh thành phía Nam.

Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

Ngày 14/09/2022, ông Phạm Xuân Dũng- Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM ký Quyết định số 3608/QĐ-BVUB phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu: Mua sắm hoá chất, vật tư dùng cho máy miễn dịch DXI800, máy nước tiểu lan Ureader Plus 2, máy sinh hoá AU480, máy đông máu ACL Top 550 CTS, máy huyết học DXH800 cho bệnh viện Ung Bướu TP.HCM – Cơ sở 2 năm 2022- Đợt 1.

“Đội giá” trong đấu thầu ở Bệnh viện công - Bài 2: Bất thường ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM ảnh 3

Quyết định số 3608/QĐ-BVUB phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu: Mua sắm hoá chất, vật tư...

Theo Quyết định, Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm (Địa chỉ: Số 21, ngõ 22, Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là đơn vị trúng thầu với giá 15.766.570.050 đồng (Mười lăm tỷ, bảy trăm sáu mươi sáu triệu, năm trăm bảy mươi nghìn, không trăm năm mươi đồng), tỉ lệ tiết kiệm đạt 0,05% so với giá dự toán.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm đã bán cho bệnh viện Ung Bướu TP.HCM hàng loạt thiết bị có giá cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu.

Cụ thể, định lượng TSH (3rd IS) – (Access TSH (3rd IS)_ B63284) có giá tại gói thầu là 5.064.150 đồng/hộp. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, sản phẩm cùng model, hãng sản xuất như trong gói thầu được nhập về Việt Nam với giá chỉ 2.370.750 đồng/hộp. Với số lượng 400 hộp định lượng TSH (3rd IS), tổng số tiền chênh lệch là 1.077.359.880 đồng.

Mặt hàng Định lượng Free T4 (ACCESS FREE T4_33880) được Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM mua với giá 2.658.600 đồng/hộp. Thế nhưng, sản phẩm này được nhập khẩu về Việt Nam với giá chỉ 1.183.992 đồng/hộp. Với số lượng 600 hộp Định lượng Free T4, tổng số tiền chênh lệch là 884.764.980 đồng.

Tương tự, Hoá chất dùng để chuẩn bị mẫu (ly giải hồng cầu và bảo vệ bạch cầu) cho xét nghiệm huyết học (COULTER DxH Diff Pack_628020) có giá trúng thầu là 10.220.700 đồng/hộp. So với giá nhập khẩu là 3.040.683 đồng/hộp, số tiền chênh lệch của 70 hộp hoá chất là 502.601.204 đồng.

Nghiên cứu ngẫu nhiên 16/48 sản phẩm trong gói thầu, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã mua của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm cao hơn so với giá nhập khẩu hơn 6 tỷ đồng.

Bệnh viện Nguyễn Trãi

Tại Quyết định số: 973/ QĐ-BVNT ngày 11 tháng 07 năm 2023, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Trãi Quách Thanh Hưng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu,gói thầu Mua sắm bổ sung hóa chất xét nghiệm, thuốc thử phục vụ các công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện Nguyễn Trãi năm 2023.

“Đội giá” trong đấu thầu ở Bệnh viện công - Bài 2: Bất thường ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM ảnh 4

Quyết định số 973/ QĐ-BVNT ngày 11 tháng 07 năm 2023, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Trãi Quách Thanh Hưng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu...

Đơn vị trúng thầu gồm có liên danh Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Nam Trung (MST: 0400567178); Công ty TNHH Trang Thiết bị Y tế Trần Danh (MST: 0311733313); Công ty TNHH Thiết Bị Y tế Bình Minh (MST: 0309781158); Công ty Cổ phần Bio-Med (MST: 0105167006). Giá trúng thầu 25.802.656.390 đồng (bằng chữ: Hai mươi lăm tỷ, tám trăm lẻ hai triệu, sáu trăm lăm mươi sáu nghìn, ba trăm chín mươi đồng), tiền tiết kiệm sau đấu thầu 3.408.609 đồng, đạt tỉ lệ 0,01% so với giá dự toán.

Nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá hàng hóa có trong gói thầu cũng như đối chiếu ký hiệu, nhãn mác và xuất xứ sản phẩm, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành mã hàng cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu.

Cụ thể, vào ngày 09/05/2022, Bộ xét nghiệm gen ung thư EGFR (model: cobas® EGFR Mutation Test v2) có cùng yêu cầu kỹ thuật như chủ đầu tư đưa ra được nhập khẩu từ hãng Roche Molecular Systems, Inc., Mỹ có giá 32.457.600 đồng. Tuy nhiên, đơn giá trúng thầu mà bệnh viện Nguyễn Trãi phê duyệt cao gấp hơn 2 lần giá nhập khẩu 84.000.000 đồng, tổng tiền chênh lệch 1.030.848.000 đồng.

Tương tự, sản phẩm Abbott RealTime HBV Amplification Reagent Kit (Hãng sản xuất: Abbott Molecular Inc./Mỹ), được chủ đầu tư phê duyệt trúng thầu với giá 26.755.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, theo như PV tìm hiểu được, mã hàng này được nhập khẩu từ Mỹ vào tháng 2/2022 có giá chỉ gần bằng 1/2 giá trúng thầu 16.331.516 đồng/hộp (đã bao gồm 15% thuế VAT và nhập khẩu). Như vậy, với 42 hộp, tổng tiền chênh lệch 437.786.346 đồng.

Bên cạnh đó, sản phẩm Alinity i BNP Reagent Kit (mã ký hiệu: 8P24-20; HSX: Fujirebio Diagnostics, Inc., Mỹ) được nhập khẩu về Việt Nam có giá 65.440.283 đồng/hộp. Trong khi đó, chủ đầu tư ký phê duyệt 17 thùng với đơn giá trúng thầu 84.908.000 đồng/hộp, chênh lệch 330.951.194 đồng.

Nhận thấy 25/146 sản phẩm có dấu hiệu mua sắm giá cao từ 2 – 4 lần so với giá nhập khẩu, số tiền chênh lệch hơn 5,5 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, các thiết bị ở những gói thầu trên còn chịu thêm 10% thuế (GTGT và nhập khẩu). Ngoài ra, để bàn giao tới chủ đầu tư thì nhà thầu còn phải “gánh” thêm một số chi phí khác. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, có thể thời điểm mua khác nhau, địa hình vận chuyển khác nhau, chương trình hậu mãi… dẫn đến chênh lệch giá là không thể tránh khỏi. Thế nhưng, số tiền chênh lệch sau khi cộng thuế tới hơn nhiều tỷ đồng ở các Bệnh viện trên là rất đáng suy ngẫm.

Quy trình đấu thầu cần khách quan và trung thực


Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra trên nhiều lĩnh vực và thanh tra chuyên ngành trong đó có lĩnh vực y tế. Đánh giá cho thấy, qua thanh tra, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm tại nhiều địa phương. Thống kê tại 54/61 tỉnh, thành phố có 4.992/15.909 gói thầu vi phạm.


Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Xuyền, nguyên Ủy viên Thường trực ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV, cho rằng: “Quy trình đấu thầu mua sắm công đã có các quy định của luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. Những gói thầu có giá sản phẩm cao bất thường so với giá trên thị trường thì rõ ràng chủ đầu tư cần phải xem xét lại các quy trình từ xây dựng giá dự toán đến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, việc tham khảo giá sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế không khó”.


Cũng theo ông Xuyền, để đấu thầu thực chất, đạt mục tiêu thì cần làm đầy đủ quy trình đấu thầu một cách khách quan và trung thực. Mục đích của đấu thầu là lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa tốt, luôn phải đáp ứng đúng và đủ về tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm và giá cả phù hợp, càng thấp càng tốt, đỡ thiệt hại cho ngân sách, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất của đấu thầu mua sắm.


“Đấu thầu mà giá hàng hóa mua sắm lại cao gấp mấy lần giá thị trường thì đấu thầu để làm gì? Thà rằng tham khảo giá thị trường rồi mua luôn là xong. Nếu hai mục tiêu của đấu thầu như tôi đã nói mà không đạt được thì rõ ràng phải xem lại tất cả quy trình đấu thầu, không thể nói là không biết hay không nắm được. Nếu nói thế là ngụy biện.


Giá sản phẩm đội cao như vậy thì tôi nghĩ là có vấn đề và cần phải xem xét. Chủ đầu tư và cơ quan quản lý cần đánh giá lại quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm ở gói thầu có đạt hai tiêu chí như tôi nói hay không. Nếu không đạt mục đích đấu thầu thì rõ ràng là đấu thầu không đạt yêu cầu về quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản công”, ông Xuyền nhấn mạnh.


Về việc có câu chuyện thông thầu, móc nối để ăn chia lợi ích hay không, ông Xuyền cho rằng cần cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, thanh tra chuyên ngành. Nếu quá trình làm mà cắt bớt quy trình, cắt bớt thủ tục để có dấu hiệu thông đồng thì cần xử lý về mặt pháp luật.


“Rõ ràng, việc mua sắm công có dấu hiệu không đạt yêu cầu nếu như có chênh lệch giá sản phẩm so với giá thị trường cao như vậy. Nếu là người quản lý thì không thể phê duyệt gói thầu như vậy được, mà phải đấu thầu lại”, ông Xuyền đưa quan điểm cá nhân.


Theo Luật sư Nguyễn Công Tín – Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), giá gói thầu được lập và xác định chặt chẽ tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì phải ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.


Pháp luật hiện hành xây dựng một cơ chế bảo đảm giá gói thầu (trong hồ sơ mời thầu) phù hợp với giá thị trường và bảo đảm các phần riêng biệt trong gói thầu (nếu có) được gọi tên rõ ràng, có giá cụ thể và thể hiện trong hồ sơ mời thầu.


Nếu để xảy ra hiện tượng “đội giá” so với giá thị trường, thì cá nhân, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định hồ sơ mời thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.


Trường hợp gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

TIN LIÊN QUAN
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
(Ngày Nay) - Một cuộc đua cạnh tranh kéo dài từ lúc mới sinh cho đến lúc đi học, đi làm khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy kiệt quệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ.
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
(Ngày Nay) - Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, các thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Trong đó, thí sinh tự do sẽ đăng ký dự thi trực tiếp, không phải trực tuyến như học sinh đang học lớp 12; địa điểm đăng ký dự thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Mỹ tìm cách tăng cường viện trợ cho Gaza
(Ngày Nay) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Jordan để thảo luận về các cách thức thúc đẩy vận chuyển hàng viện trợ đến Dải Gaza và thảo luận về tình hình căng thẳng trong khu vực thời gian qua.
Vốn FDI thực hiện 4 tháng cao kỷ lục trong 5 năm
Vốn FDI thực hiện 4 tháng cao kỷ lục trong 5 năm
(Ngày Nay) - Theo Báo cáo kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6.28 tỷ USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
(Ngày Nay) - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.