Bài 1: Mở ra cánh cửa mới và thách thức đối với ngành Y
Nhiều “kẽ hở” trong địa hạt đấu thầu đã được Quốc hội bổ sung trong luật Đấu thầu 2023. Các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, nâng cao tính cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Y tế, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý tài sản Nhà nước.
Ảnh minh hoạ |
Cơ chế được “mở khoá”
Thời gian qua, tình trạng thiếu thốn thiết bị y tế, thuốc men đã khiến các Bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, bệnh nhân không được tiếp cận điều trị, dẫn đến thiệt thòi về sức khỏe và tài sản. Nguyên nhân cơ bản đã được các Chuyên gia chỉ ra do những quy định lỗi thời, thiếu tính cụ thể, không phù hợp thực tế khiến công tác đấu thầu vật tư y tế, thuốc men gặp nhiều vướng mắc.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm có một số điểm mới rất nổi bật, đáng chú ý là các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng. Tuy nhiên, đây cũng là một thử thách đối với ngành Y tế vốn còn nhiều bất cập.
Nội dung các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế được các Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, nhằm nhanh chóng tháo gỡ những vấn đề khó khăn, bất cập còn tồn đọng. Trong đó, quy định cụ thể về các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu; quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; quy định về trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về ưu đãi trong mua thuốc...
Với nhiều quy định rõ ràng, cụ thể như vậy, chắc chắn những điểm mới nêu trên sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi các hoạt động đấu thầu diễn ra tại các cơ sở y tế, bệnh viện trên cả nước.
Một trong những nội dung nổi bật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế là các cơ sở y tế công lập tự quyết định mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn.
Luật mới cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, cũng có những quy định mới trong việc áp dụng mua sắm tập trung đối với loại thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít. Cụ thể, luật đấu thầu 2023 cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ thiết bị y tế từ một nhóm quốc gia cụ thể mua được thiết bị có chất lượng tốt. Đồng thời, cho phép áp dụng đàm phán đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ 01 hoặc 02 hãng sản xuất theo quy định tại Điều 28 Luật Đấu thầu 2023.
Ngoài ra, Luật Đấu thầu 2023 cũng tập trung giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua. Bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc trong mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất như thuê mượn máy, quy mô đặt máy…
Với những nội dung thay đổi như trên, Luật Đấu thầu 2023 mở ra cánh cửa mới cho việc đấu thầu trong lĩnh vực y tế, tháo gỡ những nút thắt khó khăn trước đây, nhưng đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ đối với ngành Y.
Ảnh minh hoạ |
Địa hạt của sai phạm
Để các hoạt động này có thể diễn ra hiệu quả, mang lại lợi ích như kỳ vọng, các cơ sở y tế phải có đủ nhân lực có trình độ, có đạo đức. Việc đấu thầu phải được tổ chức minh bạch, chặt chẽ để tránh việc chính sách mới bị lợi dụng, gian lận dẫn đến các sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng mà chúng tôi sẽ phản ánh trong kỳ sau.
Thời gian qua, có nhiều vụ án liên quan đến việc trục lợi trong hoạt động đấu thầu ở nhiều đơn vị công nói chung và bệnh viện nói riêng đã được cơ quan Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật để tạo ra nhiều cuộc đấu thầu thiếu cạnh tranh, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng. Hay có những Lãnh đạo ở các Sở ban ngành đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định, nâng khống giá các trang thiết bị, cài “quân xanh, quân đỏ”… ở các gói thầu khiến “chảy máu” ngân sách Nhà nước.
Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế, luật Đấu thầu đã tương đối lấp đầy được ‘kẽ hở”. Nếu sản phẩm đưa vào bệnh viện để đấu thầu phải rõ nguồn gốc, xuất xuất theo Quy định của luật Đấu thầu. Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu, ông Quang cho rằng Bộ Y tế và các Cơ quan chức năng cần thường xuyên tăng cường thanh kiểm tra, khi phát hiện sai phạm có xử lý nghiêm khắc. Đồng thời có đánh giá uy tín của nhà thầu trong quá trình tham gia dự thầu cũng như các giải pháp răn đe khác.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành các quy định cụ thể và chặt chẽ trong luật Đấu thầu nhưng nhiều Bệnh viện công vẫn tồn tại những bất cập, có dấu hiệu sai phạm trong công tác thực hiện đấu thầu như Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, Bệnh viện Nguyễn Trãi…
“Đội giá” trong đấu thầu ở Bệnh viện công - Bài 2: Bất thường ở nhiều Bệnh viện tại TP.HCM