Ngân hàng hiếm hoi lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng mạnh
Hiện tại, đã có hơn 22 ngân hàng niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với xu hướng tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, vẫn có 3 đơn vị đi ngược xu hướng là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Trong 3 cái tên này, OCB dẫn đầu về đà đi lùi. Trong khi lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 tại VietinBank và Vietbank chỉ giảm 28% và 9% thì mức độ suy giảm tại OCB lên tới 34%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng dựng đứng do nợ xấu nhiều là một trong những nguyên nhân tạo nên con số kém lạc quan này.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 của cả hệ thống OCB đạt 668 tỷ đồng, giảm 344 tỷ đồng, tương đương 34% so với quý 1/2020. Kết quả này đến từ việc mua bán chứng khoán đầu tư suy giảm và nợ xấu tăng mạnh. Hai hoạt động này đã xóa nhòa những thành tựu mà hoạt động chính mang lại.
Cụ thể, trong kỳ, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự vẫn tăng trưởng dương, tăng từ 2.789 tỷ đồng lên 3.218 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ mang về khoản lãi 128 tỷ đồng, tăng nhẹ từ con số 127 tỷ đồng của quý 1/2020. Thế nhưng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư lại chỉ đạt 109 tỷ đồng, giảm 319 tỷ đồng, tương đương 74,5%.
Kết quả là tổng thu nhập hoạt động giảm nhẹ từ 2.050 tỷ đồng xuống 2.008 tỷ đồng. Thế nhưng, OCB lại mạnh tăng tay chi phí. Chi phí hoạt động lên tới 737 tỷ đồng, tăng 154 tỷ đồng, tương đương 26,4%. Vì vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 197 tỷ đồng, tương đương 12,4%.
Phiên họp đại hội cổ đông OCB diễn ra vào sáng ngày 23/4. |
Đáng chú ý hơn cả chính là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 435 tỷ đồng, tăng 243 tỷ đồng, tương đương 126%. Đây là một trong các nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế OCB giảm mạnh nhất ngành ngân hàng (cho đến thời điểm này).
Chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh đến từ nợ xấu tại OCB đi lên. Tại thời điểm cuối quý 1/2022, nợ xấu của OCB đạt 2.293 tỷ đồng, tăng 944 tỷ đồng, tương đương 70%, chiếm 2,17% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 278 tỷ đồng, tương đương 37,9%.
Rót tiền “tấn” vào “họ” FLC, không chỉ riêng FLC hay Bamboo Airways
Đáng chú ý, hiện tại, xét về quan hệ tín dụng, OCB đang được nhắc đến nhiều khi cho vay Công ty cổ phần Đại Nam liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng; Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, những doanh nhân vừa bị khởi tố.
Động thái OCB cho vay một số doanh nghiệp có lãnh đạo dính vòng lao lý như FLC và Đại Nam khiến cổ đông lo lắng. Tại ĐHĐCĐ thường niên mới diễn ra của OCB, cổ đông đã chất vấn lãnh đạo nội dung này.
Tuy nhiên, ít ai biết, trong “họ” FLC, OCB không chỉ cấp tín dụng cho FLC và Bamboo Airways. Với FLC, OCB hiện là một trong ba ngân hàng cho vay nhiều nhất, sau Sacombank và BIDV.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng nói với VnExpress, tổng dư nợ hiện là 2.800 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng cho vay FLC, 1.000 tỷ đồng cho Bamboo Airways và 300 tỷ tại các công ty con. Với khoản vay trị giá 1.500 tỷ đồng có tài sản đảm bảo bằng bất động sản trên 2.000 tỷ là đất đai có sổ cấp cho chủ đầu tư, không phải từ dự án hình thành trong tương lai.
Ông Tùng cho biết, FLC trước nay luôn hoàn thành nghĩa vụ trả gốc lãi và chưa bao giờ bị chuyển nhóm nợ. Với khoản 1.000 tỷ OCB cho Bamboo Airways vay, thế chấp bằng bất động sản, nếu doanh nghiệp này duy trì hoạt động tốt, ngân hàng tuy không cấp thêm vốn nhưng vẫn duy trì dư nợ hiện tại.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB, tổng dư nợ hiện tại của OCB với “họ” FLC là 2.800 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng cho vay FLC, 1.000 tỷ đồng cho Bamboo Airways và 300 tỷ tại các công ty con. |
Ông Tùng đánh giá việc ông Trịnh Văn Quyết vi phạm pháp luật là sự việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến quản lý danh mục tín dụng của OCB nhưng do đã làm đúng từ đầu và cẩn trọng nên ngân hàng chưa xác định được tổn thất.
Ông Nguyễn Đình Tùng cũng tiết lộ: tổng dư nợ hiện tại của OCB với “họ” FLC là 2.800 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng cho vay FLC, 1.000 tỷ đồng cho Bamboo Airways và 300 tỷ tại các công ty con.
Thông tin này khiến cho nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng thông tin ông Tùng đưa ra không đúng vì các số liệu thực tế cho thấy dòng vốn chảy vốn “họ” FLC là rất lớn. Tuy nhiên, không ít người đã nhầm lẫn giữa khái niệm “công ty con của FLC” và “họ FLC”. Chỉ riêng tại FLC Faros và FLC Homes, dư nợ đã đạt gần 400 tỷ đồng.
Với FLC Homes, tại thời điểm cuối quý 1/2022, dư nợ tại OCB là 110 tỷ đồng, tăng 31,7 tỷ đồng và giảm 30 tỷ đồng trong kỳ. Tài sản đảm bảo gồm bất động sản, 2 xe ô tô con thuộc sở hữu FLC Faros và tiền gửi 20 tỷ đồng của công ty tại OCB.
Ngoài ra, FLC Homes còn cầm cố 7,46 triệu cổ phần Bamboo Airways thuộc sở hữu ông Trịnh Văn Quyết và bà Lê Thị Ngọc Diệp và 30 triệu cổ phiếu do FLC sở hữu. Còn với ROS, OCB cho công ty này vay 296 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 157 triệu đồng. Số tiền tăng trong kỳ là 404 tỷ đồng, giảm là 108 tỷ đồng.
Trên thực tế, hồi đầu năm 2021, FLC đã thoái vốn hoàn toàn khỏi FLC Faros. Còn FLC Homes không có tên trong danh sách “công ty con” của FLC. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhà đầu tư, những cái tên này nằm trong “họ FLC”.