Sáng 14/8, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm việc với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.
Khẳng định ngành đường sắt với bề dày lịch sử đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên ông Dũng nói, "Thủ tướng đặt vấn đề về hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành hiện nay, đề nghị lãnh đạo ngành suy nghĩ để tăng thị phần vận tải".
Cũng theo ông Dũng, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan kêu gọi đầu tư vào ngành đường sắt; đẩy mạnh khai thác hạ tầng, duy trì an toàn và tập trung khai thác tối đa năng lực vận tải đường sắt trong từng tuyến cụ thể.
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam thừa nhận đây là lĩnh vực mà Việt Nam rất lạc hậu, trong khi ở nhiều nước trên thế giới thì phát triển mạnh.
Qua phân tích tình hình, lãnh đạo Tổng công ty nhận thấy đường sắt có ưu điểm là vận tải khối lượng lớn, an toàn, chỉ số đúng giờ cao (gấp 10 lần ôtô và 100 lần xe máy).
Tuy nhiên, nhược điểm của đường sắt Việt Nam là tốc độc chậm; tàu chở khách có vận tốc trung bình khoảng 60 km mỗi giờ, còn tàu chở hàng hoá là 30 km mỗi giờ. "Trong khi đường sắt các nước đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân thì đường sắt Việt Nam còn rất lạc hậu, với cửa sổ bằng lưới, các toa xe cũ kỹ. Hiện ngành có 994 toa tàu, đa số đã sử dụng 30 năm", ông Minh nói và cho rằng với hiện trạng như vậy thì "rất khó thu hút khách, người ta bỏ đường sắt không phải vì giá vé mà do chất lượng dịch vụ".
Ông Minh nhấn mạnh, Hội đồng thành viên Tổng công ty đã quyết định phải phát triển đường sắt với ưu tiên cho nâng cao chất lượng dịch vụ, bắt đầu từ khâu vệ sinh trên toa tàu.
Ngành cũng thực hiện bán vé điện tử với nhiều hình thức linh hoạt như bán vé sớm, vé khuyến mại...; đưa suất ăn của hàng không lên tàu.
"Chúng tôi xác định thế mạnh của mình là khai thác hiệu quả cự ly trung bình chứ không phải chặng dài, vì phân khúc đó mới cạnh tranh được với hàng không", ông Minh cho biết.
Theo ông, Tổng công ty sẽ tập trung đóng toa hành khách mới; mục tiêu đến năm 2021 thay toàn bộ toa cũ và phát triển cơ khí đường sắt để "chủ động trong đổi mới".
Ngành đường sắt cũng mở cửa xã hội hoá, với mục tiêu trong trước mắt là đầu tư 100 đầu máy mới, gồm 50 đầu máy mua nước ngoài và 50 tự sản xuất trong nước. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể mua tàu chạy trên hệ thống đường ray của ngành, hoặc thuê lại cả bộ máy vận hành.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao kế hoạch đổi mới của ngành đường sắt. Ông nêu ví dụ: "Đưa suất ăn hàng không lên nghĩa là đảm bảo chất lượng phục khách, đây là điều rất tốt".
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị ngành đường sắt đề xuất cơ chế thu hút đầu tư, "không độc quyền, bao cấp như những năm trước đây".
"Thủ tướng lưu ý đến vấn đề cổ phần hoá và thoái vốn của ngành đường sắt, hiện chưa đạt yêu cầu. Container vận chuyển qua đường sắt chắc chắn sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ, nếu có kết nối giao thông và điều kiện về kho bãi, bốc dỡ tốt", Bộ trưởng Dũng nói.