Mức điểm chuẩn luôn ở top cuối
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2021 có mức điểm chuẩn trúng tuyển ở nhiều trường, nhiều ngành cao ở mức kỷ lục. Có ngành, chương trình học có mức điểm chuẩn gần tuyệt đối. Nhưng với những khối ngành kỹ thuật luôn mức thấp, thậm chí ở mức cuối bảng điểm chuẩn của trường.
Thí sinh quan tâm đến tay nghề, cơ hội việc làm nhiều hơn. Ảnh: TTXVN |
Năm nay các ngành, chuyên ngành sau của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội lấy mức điểm chuẩn 16, mức thấp nhất của Trường: Ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước/ Chuyên ngành Kỹ thuật nước - Môi trường nước, Ngành Kỹ thuật Môi trường, Ngành Kỹ thuật vật liệu; Ngành Công nghệ kỹ thuật Vật liệu xây dựng, Ngành Kỹ thuật cơ khí/Chuyên ngành máy xây dựng, Ngành Kỹ thuật cơ khí/ Chuyên ngành Cơ giới hoá xây dựng, ngành Quản lý xây dựng/ Chuyên ngành Quản lý hạ tầng.
Mặc dù, trường đã lấy mức điểm thấp nhất nhưng đợt 1 của kỳ tuyển sinh đại học hệ chính quy vẫn không tuyển đủ. Trong 7 ngành, chuyên ngành trên thì có tới 6 ngành phải tuyển bổ sung đợt 2 với mức điểm xét đầu dao động từ 18 - 20 điểm.
Là một trong những trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản top đầu, một số ngành của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng có mức điểm chuẩn thấp nhất trong bảng điểm chuẩn vào trường.
Đó là các ngành: Công nghệ kỹ thuật môi trường (18,5 điểm), Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học, Tài nguyên và môi trường nước, Địa chất học, Công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường (18 điểm). Mức điểm 18 là mức điểm chuẩn thấp nhất vào Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm nay.
Tình trạng này cũng diễn ra ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất, một số ngành đào tạo chủ chốt, có truyền thống của nhà trường như: Kỹ thuật trắc địa - bản đồ, Địa kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật mỏ, Quản lý đất đai, Địa chất học... có điểm chuẩn chỉ đạt mức 15 điểm, thấp hơn 5 điểm so với điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin.
Tại Trường Đại học Thủy lợi, một số ngành đào tạo chủ lực, có truyền thống có mức điểm rất thấp: Thủy văn học (16,85 điểm), Kỹ thuật hóa học (16,15 điểm), Kỹ thuật môi trường (16,05 điểm).
Đầu vào thấp, đầu ra đảm bảo?
Đánh giá của lãnh đạo các trường đại học cho thấy, đây là những ngành học rất cần nhân lực, thậm chí nhân lực chất lượng cao.
Lý giải về hiện tượng này PGS TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Tâm lý thí sinh đổ xô đăng ký vào các ngành hot vẫn còn. Ví dụ những ngành về Công nghệ thông tin, Máy tính, Kinh tế, những ngành quản lý, quản trị có số lượng thí sinh đăng ký rất đông. Số nguyện vọng tăng lên đột biến, dẫn đến điểm chuẩn tăng. Đây là xu hướng của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số và tác động của dịch COVID-19. Những ngành nghề liên quan đến nền tảng công nghệ thông tin ít bị ảnh hưởng trong khi những ngành nghề khác ảnh hưởng nhiều trong bối cảnh dịch bệnh”.
Ở một góc độ khác, PGS TS Đinh Xuân Thành, Trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Bất cứ một trường đại học, một chương trình đào tạo nào cũng mong muốn có nguồn sinh viên đầu vào có chất lượng cao, đáp ứng “chuẩn đầu ra” quy định cho cấp bậc phổ thông. Tuy nhiên, điểm chuẩn đầu vào chỉ phản ánh một phần chất lượng đầu vào”.
PGS TS Đinh Xuân Thành cho rằng, đối với khoa học cơ bản, đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để tiến xa được, người học phải có tình yêu, sự đam mê với ngành học, những điều này sẽ được vun đắp trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Theo một số chuyên gia tuyển sinh, chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học cần được đổi mới theo hướng đào tạo liên ngành thay vì đơn ngành như trước đây. Cơ hội việc làm của người lao động được mở rộng và đáp ứng được nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, kỹ sư cơ khí không chỉ biết thiết kế mà còn cần kiến thức về nhân văn, quản lí dự án, kinh tế kĩ thuật, IT... Như vậy, đào tạo liên ngành sẽ giúp người học phương pháp tư duy, cách học, tự học và cơ hội việc làm sẽ không bị bó hẹp.