Vì sao điểm chuẩn đại học năm nay tăng đột biến?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Có 8 nguyên nhân chính khiến điểm chuẩn đại học năm nay tăng đột biến so với những năm trước.
Giám thị hướng dẫn cho thí sinh làm thủ tục dự thi trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Giám thị hướng dẫn cho thí sinh làm thủ tục dự thi trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Điểm chuẩn một số ngành học của kì thi ĐH năm nay tăng “phi mã” so với mùa tuyển sinh năm 2021. Theo đó, ngành tăng ít nhất dao động từ 3-4 điểm và nhiều ngành tăng đến 9-10 điểm. Vậy nguyên nhân nào khiến điểm chuẩn ĐH tăng bất thường như thế?

Thứ nhất, tôi đồng ý với nhận định của Bộ GD&ĐT do số thí sinh xét tuyển đại học tăng trong khi tổng chỉ tiêu của cả hệ thống tăng không đáng kể. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành). Số ngành tăng từ 9 - 11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%. Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên có 265 ngành (chiếm 8%).

Cụ thể, 5 khối ngành có điểm chuẩn tăng mạnh nhất năm 2021 là: Kỹ thuật - công nghệ (70 ngành); sư phạm (64 ngành), hai khối ngành này đã chiếm tới 50% số ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên. Đứng ở vị trí thứ 3 là khối Kinh doanh và quản lý (42 ngành), kế tiếp là Xã hội nhân văn (32 ngành), pháp luật (10 ngành).

Thứ hai, tỉ lệ điểm giỏi của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng gấp nhiều lần so với năm 2020. Chẳng hạn, môn Tiếng Anh, tỷ lệ bài thi có điểm từ điểm 8 trở lên năm nay chiếm 22,4%, trong khi tỷ lệ này vào năm 2020 là 6,4%, năm 2019 là 5,96% và năm 2018 là 2,7%. Điểm môn Tiếng Anh tăng kéo theo điểm chuẩn vào các ngành xét tuyển tổ hợp có môn Tiếng Anh năm nay đều tăng so với năm trước.

Hay môn Địa lý, tỷ lệ bài thi có điểm từ 8 trở lên năm nay là 22%, trong khi năm ngoái là 16,5%, năm 2019 là 5,55% và 2018 chỉ có 3,16%. Đáng chú ý, môn Giáo dục công dân có số điểm trên 8 là 71,5%, năm 2020 là 66,2% và năm 2019 là 38,4% và 2018 là 29,2 %. GDCD cũng là môn có số điểm 10 cao nhất trong các môn thi (gần 20.000 điểm 10) và cao hơn 4,5 lần so với năm trước. Bên cạnh đó, điểm môn Ngữ văn năm nay cũng khá cao, cho nên những tổ hợp có môn Ngữ văn, Địa lý, GDCD điểm cũng đều tăng rất cao.

Thứ ba, năm nay nhiều trường ĐH xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau: xét tuyển thẳng, xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực, xét tuyển ưu tiên thí sinh có chứng chỉ quốc tế chiếm 50% (có trường là 80%). Những năm trước, chỉ tiêu cho các thí sinh thuộc diện ưu tiên tuyển thẳng chiếm từ 10-20%. Như thế, chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT còn lại khoảng 50% dẫn đến điểm chuẩn tăng cao là đương nhiên.

Thứ tư, năm nay số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông hơn mọi năm, vì vậy tỉ lệ “chọi” cũng có phần cao hơn. Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), năm nay có 1.014.972 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi. Còn số lượng thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 là 887.173 em.

Thứ năm, nhìn chung chất lượng giáo dục hàng năm được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ học sinh khá, giỏi năm sau đều cao năm trước. Vậy nên rất nhiều học sinh có tâm lí chọn những trường ĐH tốp đầu, những ngành “hot” những mong sau khi ra trường thì cơ hội nghề nghiệp sẽ rộng mở. Theo tìm hiểu của tôi, rất nhiều học sinh đua nhau vào những ngành thời thượng như: Kinh tế, Y dược, Công nghệ thông tin, Luật, Hàn Quốc học, Báo chí… khiến điểm chuẩn những ngành này tăng mạnh.

Thứ sáu, có những trường đại học xét tuyển theo tổ hợp nhưng lại nhân hệ số 2 môn chính cũng khiến điểm chuẩn tăng. Ví dụ, năm nay thí sinh có điểm từ 23,0 trở lên có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cụ thể, với tổ hợp môn có môn chính: điểm xét = [(Môn 1 + Môn 2 + Môn 3 + Môn chính) x 3/4] + Điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng). Hầu hết các ngành học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thêm yếu tố là môn chính kèm theo mức điểm chuẩn của từng ngành.

Thứ bảy, điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước khiến điểm tổng (sau khi cộng điểm ưu tiên, tối đa lên đến 2,5 điểm đối với thí sinh người thiểu số ở KV1) của thí sinh vượt qua ngưỡng 30/30. Có thể liệt kê, điểm chuẩn đối với tổ hợp C00 vào ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn - ĐHQGHN tiếp tục đứng ở ngưỡng tối đa 30/30 điểm; điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chương trình chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) là 30,5.

Thứ tám, do năm nay ngành sư phạm có chính sách miễn học phí, cấp sinh hoạt phí hằng tháng 3,56 triệu đồng nên đã thu hút lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hơn. Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở các cấp bậc đang thiếu rất nhiều và mức đãi ngộ dành cho nhóm ngành này cũng được nâng lên cao hơn hẳn so với trước đó, đặc biệt ở các ngành sư phạm mầm non, tiểu học.

Nhìn chung, sở dĩ có sự “lạm phát” điểm chuẩn do nhiều bất cập từ việc xét điểm thi tốt nghiệp. Trong khi đó, đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chưa có sự phân hóa rõ nét dẫn đến “đánh đồng” kết quả học sinh khá và giỏi. Nếu Bộ GD&ĐT còn duy trì kì thi 2 trong 1 thì nhất thiết phải điều chỉnh đề thi tốt nghiệp THPT sao cho có sự phân hóa cao để không còn tình trạng dở khóc dở cười như điểm chuẩn năm nay nữa.

* Bài viết, văn phong thể hiện quan điểm của tác giả

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.