Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát trên địa bàn huyện từ tháng 1, và đạt đỉnh từ đầu tháng 2 cho đến nay. Tính đến ngày 30/3, đã có 658 hộ thuộc 84 thôn bản của 32/38 xã bị dịch tả lợn châu Phi tấn công, với khối lượng lợn mắc bệnh bị tiêu huỷ là hơn 143 tấn.
Lợn chết do mắc dịch tả lợn châu Phi được mang đi tiêu huỷ. (Ảnh: Tiền Phong) |
Xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương, Nghệ An) là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh này đã xuất hiện tại cả 6 thôn thuộc xã, làm người dân phải tiêu huỷ hơn 6 tấn lợn bệnh tính đến ngày 30/3.
Ông Nguyễn Trường Tam - Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh cho biết, không ngày nào là xã không có lợn chết vì dịch tả. Cơ quan chức năng cũng đã xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng với những trường hợp vận chuyển lợn đến địa bàn có dịch, tính riêng trong tháng 3.
Tình hình dịch tả lợn châu Phi tại xã Thanh Tùng (Thanh Chương, Nghệ An) cũng căng thẳng không kém. Hầu hết các thôn trong xã đã bị dịch bệnh tấn công. Rất nhiều người dân lo lắng dịch sẽ tiếp tục đạt đỉnh mới trong thời gian tới.
"Thời điểm xã còn khó khăn thì dịch lại tái phát. Tuy nhiên xã cũng bố trí lực lượng và nguồn lực để phục vụ công tác phòng chống dịch một cách khẩn trương nhất," ông Phan Văn Dũng, chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho hay.
Lực lượng chức năng rắc vôi bột để khử trùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. (Ảnh: Tiền Phong) |
Theo ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi ngày càng trở nên khó kiểm soát là do đa số các hộ dân tại địa bàn đều chăn nuôi nhỏ lẻ, gây rất nhiều trở ngại cho công tác phòng chống dịch.
Để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, huyện Thanh Chương đã thành lập nững ban chỉ đạo phòng chống dịch từ cấp huyện đến cấp xã, với phương châm “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.