Thịt lợn là nguồn thịt chính trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc và quốc gia này cung cấp một nửa số lợn cho thế giới, tương đương khoảng 55 triệu tấn thịt mỗi năm, tạo ra ngành công nghiệp trị giá hơn 128 tỷ USD.
Dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng trên hầu hết Trung Quốc vào quý 4 năm 2019. Căn bệnh này không thể điều trị được và không thể chữa khỏi. Giải pháp duy nhất là tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh.
Nguồn cung thịt lợn giảm mạnh đã dẫn đến tình trạng tăng giá, nhu cầu về các nguồn thịt thay thế trên toàn quốc leo thang. Các nguồn này bao gồm động vật hoang dã, do đó làm tăng đáng kể cơ hội tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 ở người, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc và Anh đã đề xuất trong một phân tích.
“Nếu có nhiều động vật hoang dã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người, thông qua việc săn bắt hoặc buôn bán, nó có thể làm tăng cơ hội tiếp xúc giữa nhân loại và mầm bệnh COVID-19”, theo giáo sư David Robertson tại Đại học Glasgow, tác giả nghiên cứu.
Chìa khóa để ngăn chặn một đại dịch lây truyền từ động vật sang người trong tương lai đó là tìm ra cách mà COVID-19 xảy ra. Các chuyên gia y tế vẫn đang lần theo dấu vết, nhưng nhiều người đặt nghi vấn Sars-CoV-2 có thể bắt nguồn từ dơi và lây sang người, có thể qua động vật trung gian.
Giáo sư Robertson cho biết dịch tả lợn là nguyên nhân khách quan dẫn đến sự lây lan của Sars-CoV-2 vào con người.
Hiện tại, ý kiến cho rằng sự thiếu hụt thịt lợn đã khiến Sars-CoV-2 lây lan sang người chỉ là một giả thuyết, giáo sư Robertson khẳng định. “Phân tích của chúng tôi chỉ là một viên gạch trong bức tường bằng chứng. Đó là điều mà chúng ta nghĩ nên được xem xét khi hiểu những gì đã diễn ra".