Tôi hỏi nó có sợ chết không, nó bảo không. “Chết thì được gặp lại nhiều người thân”, nó nói, rồi nước mắt chảy ra. Tôi chẳng biết an ủi gì, lấy điện thoại ra selfie với nó, rồi nói vài câu đùa cho qua cơn tủi thân.
Có một giai đoạn Oanh hay nghĩ về cái chết. Cô bé đã sống hơn 10 năm ở xóm chạy thận gần bệnh viện Bạch Mai. Căn bệnh suy thận bắt nhiều người nghèo phải sống bám quanh bệnh viện, sức khỏe yếu ớt và không cho người ta nhiều hy vọng sống. Những người bạn cùng xóm thỉnh thoảng ra đi không kịp nói câu vĩnh biệt, làm người ta nghĩ nhiều về ngày mình chết.
Đã qua mấy cái tháng mười một. Tối 30 tháng Chạp năm nay gọi điện, Oanh cười: “Trên tường vẫn còn chữ hôm em viết đây này”. Trong giọng nói vẫn có chút phấn khởi của buổi liên hoan đêm 30. Những người chạy thận phần lớn không về quê, vì lịch chạy thận khắt khe, không cho phép họ rời xa bệnh viện quá 2 ngày. Đêm cuối năm, các bệnh nhân tụ tập dưới gốc tre trong xóm, ăn kẹo bánh, vài người khách đến tặng những phong bao lì xì nhỏ, cái bánh chưng. Cuối năm này, sức khỏe của Oanh cũng đỡ hơn. Hỏi Oanh ước gì ngày cuối năm, nó bảo em chỉ ước ai cũng có sức khỏe. “Có sức khỏe là có tất cả anh ạ”.
Tôi duy trì tình bạn với Oanh và nhiều gia đình lao động phổ thông, không phải vì tình thương. Họ dạy tôi nhiều bài học về hạnh phúc. Các cư dân trong xã hội hiện đại có một vấn đề điển hình: chúng ta bị giằng díu bởi quá nhiều mối quan hệ. Chúng ta được tạo thành bởi hàng nghìn kết nối, sở hữu hàng vạn món đồ, bị ràng buộc bởi hàng chục khế ước bao gồm các giấy tờ và hợp đồng, chưa kể chính sách vĩ mô. Bạn có thể đọc ở bất kỳ đâu một nghiên cứu nói rằng não bộ chúng ta, với tư cách một loài, đang bị quá tải.
Một số người, như Oanh, các thành viên xóm thận, hay như những gia đình ngụ cư bên bờ sông Hồng, không có gì nhiều theo hệ quy chiếu thông thường: không có tài sản, không có nhiều khế ước để tuân thủ, không có đủ dữ liệu để tính toán tương lai. Nhưng họ vẫn có niềm vui. Những niềm vui của họ rất thuần khiết. Niềm vui đó không bị chi phối bởi một chuỗi phức tạp các kết nối như doanh số của công ty, thưởng Tết, tâm trạng của lãnh đạo, bức tranh kinh tế vĩ mô hay kế hoạch tài chính năm mới, mua nhà, mua xe hay học phí của các trường Montessori. Một con người được bóc tách khỏi các khế ước sẽ cho bạn rất nhiều ý niệm khác biệt về hạnh phúc.
Hạnh phúc của bạn có thể được tạo ra từ một chuỗi tính toán phức tạp, hoặc chỉ đơn giản như Oanh là việc còn ngồi đó, bên cạnh những người quen, bên đống lửa, ăn kẹo bánh và nói dăm ba câu chuyện đùa.
Tôi thực sự tin rằng được ngồi giữa đêm 30 trong cái xóm ấy, bên cạnh đống lửa và những con người không có nhiều điều để toan tính ấy, là một may mắn.
Có rất nhiều cách đánh giá về hạnh phúc. Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) của tổ chức New Economics Foundation (Anh) luôn đặt Việt Nam trong top 5 đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững LHQ lại đặt Việt Nam ở nửa cuối, xếp hạng 94.
Nhưng có lẽ chính vì sự phức tạp và không đồng nhất ấy mà chúng ta cần những khoảnh khắc như đêm 30 và sáng ngày mùng Một. Đó là khi mà ta có cơ hội để tách mình ra khỏi các sự vận động của xã hội thường ngày, và là cơ hội để nghĩ về bản thân mình ngoài các khế ước. Chúng ta quyết định làm việc đó ở quy mô xã hội, cho dù sớm nay các sàn chứng khoán Mỹ vẫn rực sáng. Các chỉ số hạnh phúc không dựa nhiều vào GDP.
Có rất nhiều tính toán về thiệt hại của việc vài nền kinh tế hàng đầu châu Á đồng loạt “đóng cửa” vào dịp Tết Nguyên đán. Hàng chục tỷ USD thâm hụt thương mại được tạo ra vì Tết. Cũng có rất nhiều cân đo rằng thật ra Tết cũng chẳng phải dịp nghỉ ngơi, vì chuẩn bị cho mấy mâm cơm và trang trí nhà cửa thật ra rất mệt.
Nhưng Tết vẫn tồn tại ngàn đời như là một ý nguyện của cả một cộng đồng về việc dừng cái guồng quay khốc liệt của xã hội lại, cùng với các toan tính và khế ước của nó, dù chỉ trong một vài khoảnh khắc.
Sớm nay, là lúc ta chúc nhau hạnh phúc. Và chỉ có sớm nay, là lúc đủ tĩnh lặng để ta nghĩ về hạnh phúc.