Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 1: Xóm vé số 'xứ Nẫu' ở Quận Nhất

(Ngày Nay) - Có lẽ phải sử dụng bao nhiêu ngôn từ để nói về Sài Gòn đều không bao giờ là đủ cả. Sài Gòn có tất cả mọi thứ của các vùng miền, Sài Gòn có tất cả những thứ mà các vùng miền khác không có. Sài Gòn có lạc chợ, có xa quê, có những bươn chải kiếm sống, muôn phương trôi dạt về. Sài Gòn xưa hay nay vẫn vậy, vẫn luôn mang trong mình bản chất tụ hội và dung nạp người dân tứ xứ tìm đến trú ngụ mà người ta vẫn gọi là ngụ cư. Có những xóm ngụ cư mới hình thành cũng có xóm ngụ cư đã rất lâu, lâu bằng cả một đời người.
Giữa Quận Nhất có xóm ngụ cư tên là "xứ Nẫu". Ảnh: Bùi Kiều Trang
Giữa Quận Nhất có xóm ngụ cư tên là "xứ Nẫu". Ảnh: Bùi Kiều Trang

Kỳ 1: Xóm vé số “xứ Nẫu” ở Quận Nhất

Rất ít người biết ngay giữa Quận Nhất, trung tâm của thành phố phồn hoa nhất nhì đất nước có một xóm chỉ toàn người Phú Yên mà người ta quen gọi là xóm xứ Nẫu. Giọng nói đặc trưng, con người người đặc trưng và nghề nghiệp đặc trưng của xóm này là… bán vé số.

Xóm ngụ cư ở phố thượng lưu

Những chiều mưa dầm tháng 9, loanh quanh hẻm nhỏ qua các xóm nghèo, chứng kiến bao thân phận, nghe bao câu chuyện của những người ngụ cư mới cảm nhận được rằng, chỉ có những cơn mưa mới có thể cuốn trôi hết những giọt nước mắt của biết bao nhiêu con người lầm lũi xa quê, bám víu mưu sinh, chấp nhận đời tạm bợ ở chốn phồn hoa.

Từ đại lộ Nguyễn Trãi (Quận 1, TP.HCM) rất dễ dàng để nhìn thấy con hẻm 214. Ngay từ đầu hẻm người ta có thể bắt gặp rất nhiều cô, chú trung niên, người khuyết tật và cả trẻ em tay cầm xấp vé số, cổ, ngực hoặc vai đeo chiếc túi hành nghề tự trang bị hoặc được một đại lý vé số nào đó cấp cho. Không cần hỏi đâu, họ vừa từ trong xóm vé số xứ Nẫu tản ra để hành nghề bán vé số.

Xóm vé số xứ Nẫu, cứ 4,5 căn nhà là có 1 đại lý vé số lớn hoặc một tủ bán vé số nhỏ. Người bán vé số xóm này đều là dân Phú Yên hội tụ về. Chú xe ôm đầu hẻm kể, mấy chục năm trước thì đây là xóm trọ bình thường thôi. Có người đàn ông lớn tuổi tên An quê ở Phú Yên vào, thuê được căn phòng trọ nhỏ, rồi thấy người dân quê mình vào đây lưu lạc kiếm sống bằng nhiều nghề, đời sống bấp bênh nên ông An rủ về sống, cho mượn vốn lấy vé số về đi bán, cho sống tạm trong căn nhà trọ của mình.

Ban đầu là một người sống trọ, sau đến một vài người đến xin trọ, sau nữa đến nhiều người cũng chia nhau diện tích chật hẹp căn phòng trọ, rồi cùng dành dụm thuê thêm những phòng cạnh đó, và rồi cùng nhau làm nghề bán vé số. Ban đầu mọi người còn đi xa lấy vé số từ các đại lý, về sau, ông An quyết định lấy vé số về như đại lý phân phát cho mọi người để tiện hơn cho đồng hương mình mưu sinh.

Rồi cứ vậy, người đi trước dẫn dắt người đi sau. Người ổn định giúp cho người tứ cố, cứ đồng hương người Phú Yên nào bơ vơ lạc chợ, xa quê vào đây mà dân trong xóm biết, mọi người sẽ tận tâm giúp đỡ cho bữa ăn, cho chỗ ở và cho công việc. Dù biết, công việc ấy cũng vất vả nhường nào, vậy đó mà nhiều năm, xóm cứ thêm người, thêm người... Những con người ngụ cư nơi đây sinh hoạt, làm việc, giúp đỡ nhau giữa thành phố đèn hoa đô hội bằng những gì họ có được như chính trên quê hương mình.

Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 1: Xóm vé số 'xứ Nẫu' ở Quận Nhất ảnh 1

Một cô "xứ Nẫu" ngồi nghỉ mệt giữa lộn xộn trước hẻm sau một ngày lặn lội khắp đường phố. Ảnh: Kiều Trang

Ly hương vốn đã rất buồn

 Con hẻm nhỏ dẫn vào xóm vé số xứ Nẫu yên ắng. Người sinh sống nơi đây rất ít khi có mặt ở nhà hay trông thấy họ loanh quanh cận kề trong xóm, họ chỉ ở nhà một vài giờ rồi lại cầm xấp tờ vé số tỏa ra các tuyến phố ở Sài Gòn để kiếm sống. Có người bán ngày ngủ đêm, có những người thì bán đêm ngủ ngày.

Ông Trần Văn Soạn (62 tuổi, quê ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) vợ mất sớm, mình ông nuôi 2 người con đến tuổi lập gia đình. Con gái đi lấy chồng xa còn con trai lấy vợ sống cùng ông, chắt chiu hết mua được chiếc xe máy xới để làm ruộng và cày xới đất cho bà con nông dân quanh vùng. Không may, hai vợ chồng con trai một ngày đánh xe ra đồng gặp tai nạn lật xe, và từ đó không về nữa, chỉ còn 3 đứa cháu nội chịu cảnh mồ côi nương tựa vào ông mà sống.

Lớn tuổi, ở quê không biết làm gì ngoài mấy sào đất trồng lúa năm nào cũng lũ lụt tràn về, thất bát đói ăn thường xuyên, cháu trai đầu mới 12 tuổi phải bỏ học phụ ông đi làm thêm đủ thứ nghề trong thị xã phụ nuôi 2 em nhỏ. Ông Soạn theo người hàng xóm vào Sài Gòn lúc qua 50… “Năm nay tôi 62 tuổi rồi, đi hơn cái tuổi đời người cho phép 2 năm. Không biết còn bán vé số được bao nhiêu năm nữa đây?”. Ông thở dài, rưng rưng xấp vé số muộn chiều vẫn còn dầy trên tay.

Trên căn gác trọ thiếu ánh sáng lụp xụp, chen chúc những vật dụng, đồ đạc dường như kín mít cả tường và trần nhà. Có tiếng trò chuyện từ trong góc phòng: Hôm nay bán được mấy?/ - Gần 80, trong ngày. Ngày mai còn nguyên./ - Đỡ hơn tao rồi, cả ngày bán có mười mấy tờ, đã vậy còn bị mưa, bị bảo vệ đuổi… về nghỉ khuya đi bán lại.

Họ xưng nhau “mày-tao” bằng giọng nói đặc sệt giọng Phú Yên, đôi khi nói nhanh quá người nghe cũng chẳng hiểu gì mấy. Nhưng có lẽ đó là tất cả mà những người đồng hương, “đồng nghiệp” có thể chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời với nhau giữa chốn thị thành tấp nập này.

Ở xóm trọ bán vé số gốc Phú Yên đa số đều là người già và tàn tật. Có cụ già chỉ còn mỗi một chân phải, bên trái là chiếc chân giả lủng lẳng thò ra bên ngoài ống quần vải cũ nhầu xoắn lên như chiếc lò xo cũ. Gần đó, ông lão cởi trần để lộ thân hình gầy gò và nước da đen đốm. Một bà lão khác nhướng đôi mắt đục ngầu lên cố nhìn và một người đàn ông nữa không có cánh tay nào ngoài 2 ụ thịt teo tóp, lủng lẳng. Áng chừng họ đều ngoài 60 tuổi cả rồi. Không ai biết và cũng không ai khơi lại tuổi trẻ của họ, thanh xuân của họ, quá khứ của họ đã như thế nào. Chỉ là tuổi về già lại xa quê, lại gom góp đời mình trong xóm trọ nghèo này. Chắc thấm đẫm những nỗi niềm buồn tủi biết là bao.

Những người ngụ cư ở xóm vé số thường chọc ghẹo lẫn nhau rằng, người ta có hội đồng hương này đời sống sung túc, người ta có hội đồng hương nọ kinh tế phát triển, vậy thì người ta mới tụ hội, mới tìm kiếm nhau về. Ấy vậy mà, ở xóm vé số nghèo này, nghe thanh âm thì đặt thành xóm, biết quê nhà thì gọi thành tên, thấy hành nghề lại đặt thêm 2 chữ “vé số” vào cho dễ nhớ. Ở đây, có Anh Tư “Tuy Hoà”, có ông Lanh “Sông Hinh”, Bà Khoát “1 giò”… Bán vé số… Nghe mãi thì cũng quen, mà nghe mãi thì cũng buồn không sao kể siết.

Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 1: Xóm vé số 'xứ Nẫu' ở Quận Nhất ảnh 2

Bên trong căn phòng trọ nhỏ nhưng lại là chốn nương thân của rất nhiều đồng hương Phú Yên. Ảnh: Kiều Trang

Chuyện phố, phận người

 Xóm ngụ cư ở giữa Quận Nhất, trong lòng mỗi người là một nỗi lo, trên vai mỗi người là một gánh nặng... Một ngày ở xóm vé số xứ Nẫu bắt đầu bằng cảnh người già, người trung niên, đàn ông, đàn bà, người khuyết tật,… tất tả cầm tập vé số trên tay, rảo đôi chân đi bộ khắp phố phường Sài Gòn. Thường thì họ rất ít khi nghĩ trước sáng nay, buổi trưa, buổi tối sẽ ăn gì. Ai được hỏi cũng trả lời “gặp gì ăn nấy”. Ấy là khi họ nghĩ đến một ổ bánh mì từ thiện của một tấm lòng nào đó phát miễn phí giữa thành phố hay một hộp cơm của những nhà hảo tâm mà họ vẫn quen thuộc, đều đặn đến nhận khi đói lòng.

Ngụ cư Sài Gòn! - Kỳ 1: Xóm vé số 'xứ Nẫu' ở Quận Nhất ảnh 3

Xóm ngụ cư ở giữa Quận Nhất, trong lòng mỗi người là một nỗi lo, trên vai mỗi người là một gánh nặng... Ảnh: Kiều Trang

Vô hình chung, con hẻm 214 lọt thỏm giữa Quận 1, thành phố sôi động lại trở thành mảnh đất của những kẻ xa quê, vì cuộc sống những người con xứ Nẫu cứ như có một lực hút vô hình đưa đẩy họ tìm về đây như là sự bám víu cuối cùng. Ở đó, dẫu con đường lụp xụp bùn rêu, đá ngói đổ tạm chắn thành lối đi. Ở đó, dẫu những mái nhà xiêu xiêu vẹo vẹo, tôn chồng lên tôn, bạt phủ theo bạt che chắn mấy vết trống cũ kỹ theo mùa nhưng những mảng đời tha hương ngụ cư nơi đây vẫn luôn dang rộng vòng tay đón nhận, yêu thương và che chở những con người cùng cảnh ngộ.

Đối với nhiều người, hẻm bán vé số, xóm bán vé số và những con người bán vé số có thể chỉ là một xóm ngụ cư nghèo bị lãng quên ngay giữa đô thị lớn nhất nhì cả nước. Nhưng nơi này bao nhiêu năm qua, trong mắt những người con xứ Nẫu đó là một chung cư đầy ắp tình người, đầy ắp yêu thương và trở thành những góc bình yên mà họ muốn tìm về sau một ngày rong ruổi, sau những mệt nhọc trăn trở loa toan, sau những vất vả tổn thương bị lừa, bị cướp, bị mất trắng những tấm vé mưu sinh.

Và cứ thế, những tấm vé số, những phận người trong xóm xứ Nẫu ngày qua ngày, thở đều theo nhịp trầm bổng của Sài Gòn.

Kỳ 2: Thương hồ giữa chốn phồn hoa

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.