1.
Có đến 5,6 đứa trẻ ăn mặc cũ kỹ, tóc hoe hoe dương mắt nhìn tôi rồi lại nhìn nhau, rồi lại cười thật lớn và nói với nhau bằng giọng nói riêng. Bọn trẻ đưa những chiếc lồng đèn đã đốt sẵn nến sáng lung linh đêm trăng tròn lên như muốn khoe với người lạ, rồi co chân chạy vào trong hẻm sâu giữa 2 bờ lau sậy cao lút đầu người.
Hỏi ra mới biết, giữa khu đô thị An Phú (An Khánh, Quận 2) có một xóm lụp xụp, đa số gốc đều là người Campuchia về đây sống mấy chục nay trước, làm nghề phụ công trình. Các công trình hoàn thành, họ dựng nhà, cất lều, thuê trọ… đủ cả mọi cách để bám víu sống lại thành phố.
Cách Khu đô thị hiện đại An Phú (An Khánh, Q.2) vài trăm mét thôi, nhưng đời sống của những đứa trẻ "núp" trong lùm lau sậy này hoàn toàn khác biệt... |
Những đứa trẻ ở xóm này đều không được đi học, đến tuổi biết làm việc thì theo cha mẹ làm việc, kiếm sống qua ngày. Đến ăn một bữa ngon, ăn một bữa no còn khó khăn, nói gì đến lễ, Tết hay trung thu.
Cha mẹ những đứa trẻ sống ở đây đều là dân phụ hồ, kéo lưới, chẻ đá hoặc ai thuê gì làm nếy. Không đăng kí hộ khẩu nên những đứa trẻ sinh ra đều không có giấy khai sinh, cả mấy thể hệ sống vất vưỡng và dường như không quan tâm gì đến thế giới xô bồ cách đó chỉ vài trăm mét.
Hỏi về những chiếc đèn lồng đơn sơ các em đang chơi, nghe một bà cụ bán quán nước ở đây kể là quà của một hội nhóm từ thiện nào đó mang đến tặng. Chỉ vậy thôi mà mấy đêm gần đây con đường cô quạnh đầy lau sậy này cứ chập tối là chớp chớp ánh đèn. Chắc là lần đầu các em có Tết trung thu?!...
Khi khu đô thị An Phú lên đèn, những toà cao ốc chọc trời sáng trưng cả thành phố, những trẻ em trạc tuổi ôm vào lòng đồ chơi tiền triệu, những chiếc bánh trung thu đủ mùi đủ vị có giá lên đến tiền triệu bị chê bai thừa mứa thì cũng kề ngay đó, có những trẻ em khác, nói tiếng nói khác, sống đời sống khác đang tự mình vui với những gì tự có được dẫu ít ỏi những có lẽ cũng là một nỗi ngọt ngào, ấm áp riêng. Bởi dẫu thế nào, thì Trung thu là dành cho tất cả mọi trẻ em.
Chắc là lần đầu các em có Tết trung thu?!... |
2.
Cậu bé cao nhồng, mặc chiếc quần đùi cũ và chiếc áo không rõ màu nguyên thuỷ là trắng hay vàng, hai tay xách chiếc giỏ trẻ đầy những gói cóc, xoài đậu phộng, bim bim và những thanh kẹo cao su rẻ tiền không ngừng mời khách trong quán. Đôi mắt em liên tục liếc nhìn những đứa trẻ cùng độ tuổi hớn hở theo cha mẹ ăn tối, trên bàn ngoài những thức ăn trông ngon lành, thơm tho còn rất nhiều đồ chơi hiện đại, có vẻ như là những món quà trung thu mà gia đình dành tặng cho con.
Lặng lẽ ngồi ở một góc phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM), em Võ Thị Lợi (9 tuổi) trên tay với xấp vé số dầy giương đôi mắt buồn buồn nhìn dòng người qua lại và không quên háo hức hướng theo những tia sáng đồ chơi pháo hoa, lồng đèn, chong chóng đủ sắc màu. Tặng em một chiếc bánh trung thu nhỏ, em bẽn lẽn nhận và lí nhí cảm ơn, cẩn thận cất vào trong túi. Hỏi sao em chưa ăn? Em trả lời, để dành về nhà ăn cùng mẹ và em trai.
Nhà em quá nghèo, mẹ cũng đi bán vé số nhưng bệnh tật triền miên, như hôm nay mẹ em nằm ở nhà, em và em trai (6 tuổi) thay mẹ đi bán. Em trai em quên mất nhiệm vụ, bỏ lại chị để hoà vào một đám đông xem ông Địa, múa lân cách đó một quãng.
“Em thích được ăn bánh trung thu lắm, em trai em cũng thích. Em mới học xong lớp 1 rồi nghỉ. Mẹ nói ít lâu nữa có tiền mới cho em đi học lại”. - Lợi kể. Một bạn đọc gửi cho người viết bức ảnh cậu bé vô gia cư vui sướng vì được tặng quà Trung thu |
3.
Không hoàn toàn có chủ đích đến với những trẻ em nghèo trong thành phố, chỉ là một chiều trú cơn mưa muộn của Sài Gòn rồi lạc vào xóm nhỏ, bỗng thấy mình như được ngược dòng về lại mùa trung thu của mấy mươi năm xưa. Trung thu của những đứa trẻ nhà nghèo không biết đến lồng đèn điện tử, không biết đến hoá trang chú Cuội, chị Hằng. Chỉ có lồng đèn ông sao dán bằng tre và giấy màu tạm bợ, chỉ có nến sáng lung linh và những chiếc bánh, chiếc kẹo đủ sắc màu quê mùa làm quà mỗi dịp trung thu về.
Nhưng nếu như vầng trăng tháng Tám rải đều ánh sáng đêm rằm khắp cả mọi nơi, cho tất cả mọi người thì Tết trung thu lại không được chia đều cho tất cả mọi trẻ em. Kể cả trẻ em đang sống giữa thành phố phồn hoa, sôi động nhất cả nước.
Đồng trang lứa, nhưng số phận khác nhau, cùng là trẻ em, nhưng mưu sinh vất vả đã không cho phép đứa trẻ này được bình đẳng, được yêu thương như đứa trẻ kia. Nhất là trong một ngày hội vui dành riêng cho trẻ em, mà cứ qua một con đường, nghe một câu chuyện lại càng thêm xót xa cho mảng đời của những đứa trẻ đang thèm thuồng Trung thu.
Bùi Kiều Trang