Lũ về sớm và quá nhanh, dân miền Tây thiệt hại nặng
Thông tin từ Vnexpress cho biết, tại Đồng Tháp, nhiều người sinh sống trên các cồn ở sông Tiền (huyện Hồng Ngự) không kịp trở tay khi nước lũ đổ về. Bà Lê Thị Muội (42 tuổi) nói rằng, những năm trước khi lũ lên thì toàn bộ hoa màu của người dân đã thu hoạch xong. "Nhưng năm nay nước về sớm khoảng 10 ngày làm chúng tôi không kịp trở tay", bà chép miệng. Chỉ vào đống sắn mới thu hoạch, bà Muội nói như mếu: "Mấy công sắn nhà tui bị ngập úng, hư hỏng, thương lái không thu mua".
Tại Long An, mấy ngày qua, người dân ở Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng) - một xã vùng trũng Đồng Tháp Mười - đang gia cố đê bao, tháo nước ra ngoài để bảo vệ hơn 1.000 ha lúa hè thu sắp thu hoạch.
Nhiều diện tích ngô ở Đồng Tháp bị ngập sâu - Ảnh: Cửu Long/ Vnexpress |
"Mỗi ngày nước lũ lên 5-7 cm, do hệ thống đê bao tại xã chưa hoàn thiện, nên bà con phải thu hoạch hàng chục ha lúa khi còn xanh, khiến năng suất giảm khoảng 30%", Vnexpress trích lời ông Võ Hùng Kiệt - Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng.
Không chỉ giảm năng suất, giá lúa cũng bị rớt theo. Nếu như trước mùa vụ, các thương lái đã đến ruộng để đặt cọc mua lúa. Thì đến nay do thu hoạch khi lúa còn non nên bị giảm 1.000 đồng mỗi kg.
Người dân đầu nguồn miền Tây thu hoạch lúa non chạy lũ. Ảnh: Hoàng Nam/ Vnexpress |
Ngoài ra, theo người dân, việc gia cố đê bao, dùng máy bơm nước rút khỏi ruộng cũng đội thêm chi phí khoảng một triệu đồng mỗi ha, nên đa phần nông dân vụ này đạt lợi nhuận thấp.
Hàng loạt ngôi nhà đổ xuống sông Đà, người dân sơ tán khẩn cấp
Được biết, vụ lở nhà xảy ra khoảng 18h30 chiều 30/7 tại phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Một số hộ dân tổ 25-26 phát hiện móng nhà bị sạt lở, nhiều ngôi nhà cao 2-4 tầng ngả về phía lòng sông Đà sau nhà.
Căn nhà 2 tầng bị sập hết phần sau xuống bờ sông, nghiêng ngả chờ sập. Ảnh: Hoàng Hà/ Zing |
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết, sau khi phát hiện sạt lở, chính quyền địa phương đã huy động tối đa lực lượng xuống giúp bà con sơ tán người, tài sản.
"Khoảng hơn 100 người dân đã được sơ tán đến vùng an toàn, UBND TP Hòa Bình đang triển khai phương án chuyển các nhà dân đến khu tái định cư mới xã Trung Minh. Mức hỗ trợ ban đầu cho các gia đình bị sạt lở là 70 triệu đồng", ông Mạnh cho hay.
Tính đến 11h trưa ngày 31/7, có 9 nhà bị đổ sập hoàn toàn xuống sông Đà, 10 ngôi nhà sập một phần, 9 nhà có dấu hiệu bị nứt nẻ và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cần di dời.
“Biển rác” bủa vây người dân ngoại thành Hà Nội sau mưa lũ
Thông tin từ Dân Trí cho biết, hơn một tuần nay, nước ngập cao kèm theo rác thải bủa vây đã khiến cho cuộc sống của người dân tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ - Hà Nội) gặp nhiều khó khăn.
Hàng trăm hộ dân tại xã Nam Phương Tiến vẫn phải sống chung với cảnh nước lũ bủa vây. Không chỉ vậy, họ còn bị ám ảnh bởi rác thải, xác chết động vật nổi trên mặt nước, tuồn vào nhà, bốc mùi hôi thối.
Dòng nước đen kịt toàn rác bẩn - Ảnh: Dân Trí |
Rác ngập đầy khắp mọi nơi, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều người dân lo lắng tình trạng rác thải ngổn ngang sẽ dẫn tới phát sinh nhiều dịch bệnh sau mưa lũ.
Hiện nhiều người bắt đầu xuất hiện các bệnh về da, đau mắt đỏ, tiêu chảy- Ảnh: Dân Việt |
Được biết, xã Nam Phương Tiến có 400 ha đất bị ngập, 830 hộ dân bị cô lập và 647 hộ ngập sâu trong nước với hơn 3.000 người bị ảnh hưởng.
Trao đổi với Vnexpress, lãnh đạo xã Nam Phương Tiến cho biết, hiện tại chúng tôi chưa thể triển khai phun thuốc khử trùng vì mực nước còn quá cao. Thời gian tới, nước rút đến đâu chúng tôi sẽ khử trùng đến đó.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã có mưa lớn. Đặc biệt, có 9.900m đê bị ngập, bao gồm các địa bàn: Thị trấn Xuân Mai và các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn..., Theo thông tin từ báo Dân Việt.
Tổng hợp