Người phụ nữ nhất quyết không xin lỗi chồng dù phải ly hôn

(Ngày Nay) - Anh chồng nói nếu vợ xin lỗi gia đình thì sẽ suy nghĩ lại chuyện hàn gắn quan hệ, song người phụ nữ một mực từ chối.
 
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2008, ngoài 20 tuổi, chị Lan (Hà Nội) kết hôn với người chồng tên Đức, hơn hai tuổi. Hai con "đủ nếp, đủ tẻ" song gia đình không hạnh phúc vì anh Đức nghi ngờ vợ không chung thủy. Sau những lần ghen tuông, cãi vã, chị dọn về nhà mẹ đẻ sống. Hai con nhỏ ở cùng chồng và ông bà nội.

Những năm tháng hôn nhân rạn nứt, chị sống một mình do bố mẹ qua đời, ngày ngày đi hàng chục cây số ra từ ngoại thành vào trung tâm Hà Nội làm thuê. Thi thoảng chồng chị cho các con sang ăn, ngủ, chơi với mẹ. Đã có lần người thân đưa chị về xin lỗi gia đình chồng để được đoàn tụ. Nhưng được ít lâu, chị không chịu nổi những lời trách móc ở đây, lại bỏ về.

Sống cảnh ly tán thời gian dài, anh Đức muốn ly hôn. Và khi biết chồng đâm đơn ra tòa, chị Lan hốt hoảng. Chị nói không muốn chia tay song cũng không muốn làm theo những yêu cầu của chồng để được đoàn tụ. Theo điều kiện của anh Đức, chị cùng người có uy tín trong dòng tộc phải sang nói chuyện “đàng hoàng” với gia đình anh, hứa đảm bảo chị sẽ thay đổi.

Toà án một huyện ngoại thành Hà Nội không thể hoà giải mối quan hệ vợ chồng, đã tuyên chấp thuận yêu cầu ly hôn của anh Đức vào đầu năm 2017. Hai con nhỏ 5-7 tuổi, tòa ra phán quyết anh Đức được quyền nuôi với lý do "các cháu vẫn sống ổn định như vậy từ nhỏ". Hai nhà cùng xã, tụi nhỏ vẫn có thể đạp xe sang nhà mẹ chơi.

Chị Lan không đồng ý, kháng án, xin đoàn tụ gia đình. Nếu không thể, chị xin được nuôi một đứa con. Cấp phúc thẩm là TAND Hà Nội khi thụ lý vụ án đã dành nhiều buổi hoà giải cho anh chị.

Ở các phiên hòa giải cũng như tại phiên tòa đầu tháng 7, chị một mực nói không muốn ly hôn, muốn được nuôi con nhưng nhất quyết "không chịu xuống nước xin lỗi chồng và gia đình anh này".

Chị òa khóc nói sống một mình cô đơn nên không muốn gia đình tan vỡ. Nhưng chị không dám về nhà với chồng vì sợ bố chồng “chửi và đuổi”. Trong khi đó, anh Đức nói đã dành nhiều ngày, nhiều lần để khuyên chị về xin lỗi, đoàn tụ song không nhận được sự hợp tác. Nay trước toà, nếu chị xin lỗi anh và đồng ý cùng về nhà nhận lỗi với gia đình thì anh sẽ "suy nghĩ lại". Nhưng chị Lan im lặng trước giải pháp chồng nêu ra.

Các thành viên HĐXX gặng hỏi nhiều lần, chị chỉ nói “có chuyện khổ tâm, khó nói”. Sau đó, chị ra điều kiện nếu chồng rút đơn ly hôn thì sẽ xin lỗi. Anh Đức nghe vậy liền đổi thái độ. Anh nói kiên quyết ly hôn bởi nhiều năm chị không xin lỗi, giờ đã muộn.

Chị đứng ôm mặt khóc nức nở. HĐXX gợi ý cho chị trình bày riêng, không ai chứng kiến nhưng chị vẫn từ chối. Toà dừng phiên xử gần nửa tiếng, chị vẫn chỉ im lặng. Sau hơn nửa tiếng hỏi đáp gần như bế tắc, HĐXX đành chuyển sang phần tranh luận. Nữ kiểm sát viên, lúc trước đề nghị tòa cho chị Lan thêm thời gian, cơ hội để hàn gắn với chồng thì lúc này bày tỏ quan điểm “không thể hàn gắn cuộc hôn nhân nên không có cơ sở để thay đổi quyết định của cấp sơ thẩm”.

Trong lúc HĐXX nghị án, chị Lan lại tiếp tục khóc, có lúc gục xuống không thành tiếng khi lại thành tiếng to. Anh Đức ngồi cạnh dỗ dành đôi câu, nhẹ buông câu trách chị “ương bướng”.

Bản án sau đó được tuyên giữ nguyên phán quyết của cấp sơ thẩm, chấp nhận cho anh Đức ly hôn và nhận phần nuôi hai con. Theo HĐXX, chị Lan tuy có thu nhập, có nơi ở ổn định song không có điều kiện chăm sóc các con. Trong khi đó, về điều kiện này, gia đình anh Đức đảm bảo được. Hơn nữa, chị Lan vẫn có quyền thăm con, cấp dưỡng, khi nào có điều kiện vẫn có thể xin thay đổi quyền nuôi con.

Tòa vừa đọc xong bản án, chị Lan òa lên khóc, gọi với theo các thẩm phán: “Tại sao lại như vậy? Tại sao không trả tôi một đứa con”. Các thành viên HĐXX thở dài, lắc đầu.

Một thành viên trong HĐXX nán lại dỗ dành chị tới hơn nửa tiếng bởi nhận thấy những dấu hiệu cực đoan trong tâm lý. Chị khóc mỗi lúc một to, nấc lên, không dừng lại được. Trong tiếng nấc, chị luôn lặp lại: “Em khổ quá. Giờ không còn ai. Đẻ con ra mà không được nuôi. Có ai khổ như em không...”.

Dù anh Đức dỗ dành, hứa mỗi tối đều đưa các con xuống ăn cơm, ngủ cùng mẹ, còn ban ngày chị đi làm để các con cho ông bà nội trông, chị vẫn không thôi khóc. Chị thất thểu rời tòa, vừa khóc than “thế là mất tất cả rồi”.

* Tên các nhân vật đã thay đổi

Theo Vnexpress
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.