BBC đưa tin Thomas Thwaites, biệt danh "người dê", là một trong những người được trao giải Ig Nobel 2016 trong buổi lễ diễn ra tối 22/9 tại Đại học Harvard, Mỹ.
Thwaites được trao giải Ig Nobel trong lĩnh vực sinh học cho việc sống như loài dê trên dãy Alps trong 3 ngày.
Chia sẻ về mục đích trải nghiệm, Thwaites cho biết ban đầu anh chỉ muốn xả stress, nhưng dần dần điều đó trở thành niềm đam mê. Anh muốn nghiên cứu hành vi, cách giao tiếp của loài dê, thậm chí muốn tạo ra một dạ dày nhân tạo để anh có thể ăn cỏ.
Thwaites mất một năm để nghiên cứu ý tưởng. Anh thuyết phục chuyên gia về bộ phận cơ thể giả, tiến sĩ Glyn Heath của Đại học Salford, làm cho anh một bộ chân dê.
Trong quá trình sống cùng bầy dê, Thwaites kết bạn và gắn bó thân thiết với một thành viên trong bầy, nhưng cũng có lúc xung đột suýt xảy ra.
"Tôi đi loanh quanh nhai cỏ, bạn biết đấy, tới khi nhìn lên chợt nhận ra tất cả đều đã ngừng ăn. Đã có căng thẳng xảy ra mà tôi không hề để ý, và rồi một hay hai con dê bắt đầu hất sừng. Tôi nghĩ tôi sắp dính vào một cuộc chiến rồi", Thwaites nói với BBC.
Thwaites chia sẻ giải Ig Nobel Sinh học với một đồng hương người Anh là Charles Foster, người cũng dành thời gian trải nghiệm cuộc sống từ góc nhìn của loài vật.
"Người dê" Thwaites là một nhà thiết kế thí nghiệm sống tại London. Ảnh:Plaid Zebra. |
Giải Ig Nobel ra đời năm 1991, được trao hàng năm vào mùa thu, gần với thời gian công bố giải Nobel danh giá. Giải thưởng trao cho 10 thành tựu mà "đầu tiên làm mọi người cười, sau đó khiến họ phải suy nghĩ" với mục đích khuyến khích nghiên cứu khoa học.
Giải Ig Nobel năm nay cũng vinh danh nghiên cứu về tính cách của đá hay nghiên cứu thế giới trông ra sao nếu bạn gập người và nhìn qua khoảng hở giữa hai chân.
Theo BBC, những nghiên cứu được trao giải đều có vẻ "ngớ ngẩn" song rất nhiều trong số đó, nếu xem xét kỹ, thực sự nhằm mục đích giải quyết những vấn đề hóc búa trong đời thực. Gần như tất cả chúng đều từng được đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Có nhiều nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel năm nay thì sau đó lại đoạt giải Ig Nobel hoặc ngược lại.
Giải thưởng đôi khi là sự châm biếm, nhưng phần lớn thu hút sự chú ý là những nghiên cứu có tính hài hước hay có những khía cạnh gây ngạc nhiên, như Jillian Clarke (Mỹ) với "định luật 5 giây". Cô được trao giải Ig Nobel 2004 với khám phá rằng thức ăn rơi xuống sàn nhà sẽ không bị nhiễm khuẩn nếu được nhặt lên trong vòng 5 giây.