Bất cập từ chuyện thi
Theo số liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT, điểm trung bình môn tiếng Anh của cả nước tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2020 là 4,57, cao hơn năm 2019 là 0,2 điểm. Mức điểm này thấp nhất trong 9 môn thi tốt nghiệp năm nay. Đây cũng không phải lần đầu môn tiếng Anh đứng ở vị trí “đội sổ”.
Theo các giáo viên trong tổ tiếng Anh của trường phổ thông liên cấp Vietschool, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là do lựa chọn tổ hợp để xét tuyển đại học. Nhiều học sinh không theo tổ hợp có môn tiếng Anh nên không tập trung cố gắng vào môn học này. Vấn đề nữa là cấu trúc bài thi còn khá cứng nhắc, ảnh hưởng đến việc thiết kế bài dạy của giáo viên.
Đối với học sinh từ cấp THCS trở lên phải làm quen với các dạng bài kiểm tra, bài thi để có thể hoàn thành các bài kiểm tra trong các kỳ thi định kỳ, thi vượt cấp, giáo viên phải chú trọng hơn đến việc hướng dẫn các em học theo hướng có thể giải quyết được những bài kiểm tra như thế. Thậm chí là học theo mẹo để có thể được điểm cao mà không cần hiểu bản chất vấn đề. Điều đó dẫn đến việc học sinh cảm thấy nhàm chán với quá nhiều kiến thức được học mà vẫn không thể sử dụng ngôn ngữ đó trong giao tiếp hằng ngày; khiến cho nhiều em cảm thấy tiếng Anh là một môn khó học và mất đi sự hứng thú, yêu thích với môn học.
Mặt khác, sự phân hóa về các mặt như nhu cầu học tiếng Anh, chất lượng giảng dạy của giáo viên, điều kiện, môi trường học tập của học sinh giữa các vùng miền trên cả nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của học sinh.
Chất lượng đội ngũ vẫn có vấn đề
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Lê, Giám đốc đào tạo Hệ thống trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring và trường Phổ thông liên cấp Edison, cho rằng, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chất lượng giáo viên. Thực tế, ngành giáo dục chưa có đủ đội ngũ giáo viên tiếng Anh đảm bảo chất lượng và đồng đều ở các địa phương, các cấp học, đặc biệt là ở những khu vực không phải đô thị lớn, ở bậc THCS và THPT.
Sở dĩ năng lực của một số thầy cô chưa đạt vì một bộ phận giáo viên không được đào tạo bài bản để trở thành giáo viên tiếng Anh. Do lịch sử để lại, một số lượng giáo viên có xuất phát điểm là giáo viên ngoại ngữ khác không phải tiếng Anh chuyển sang, hoặc tốt nghiệp tại chức… nên để nâng cao trình độ tiếng Anh và thay đổi phương pháp giảng dạy sẽ cần nhiều thời gian.
Độ tuổi trung bình của giáo viên tiếng Anh ở các bậc học THCS và THPT nhìn chung cao hơn so với bậc tiểu học, cộng với các chế độ đãi ngộ chưa thật tương xứng, điều kiện dạy học còn hạn chế (nhất là khối trường công lập, vùng sâu vùng xa)… dẫn đến sức ì lớn là những yếu tố ảnh hưởng đến động lực thay đổi và chất lượng giảng dạy của giáo viên.
“Theo kinh nghiệm của tôi, những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến tâm thế giáo viên, động lực thay đổi và phát triển nghề nghiệp của họ”, thạc sĩ Quỳnh Lê nói. Về yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nhất định để đủ điều kiện dạy tiếng Anh, thạc sĩ Quỳnh Lê cho là cần thiết nhưng cũng cần tính đến thực trạng và có lộ trình hợp lý, tránh tình trạng giáo viên quá bị áp lực về bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh dẫn đến những cuộc chạy đua gấp rút để có chứng chỉ ngoại ngữ đạt yêu cầu, nhưng hiệu quả về giảng dạy trên thực tế không được như kỳ vọng và kết quả học tập môn tiếng Anh của học sinh vẫn khiêm tốn.
Về đổi mới phương pháp dạy học, thạc sĩ Quỳnh Lê nói rằng, đã có nhiều dự án đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh để đổi mới phương pháp dạy học. Những đề án ngoại ngữ này đã có những tác động nhất định lên chất lượng giảng dạy nhưng có lẽ còn chưa đủ. Kinh nghiệm cho thấy những địa phương tích cực đào tạo giáo viên và đi theo hỗ trợ toàn diện các giáo viên này đến tận từng lớp học (sau các đợt đào tạo) thì sẽ cải thiện chất lượng dạy học và năng lực của học sinh hiệu quả hơn.
Ngược lại, nếu dự án đào tạo chỉ dừng ở việc bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh một vài đợt, mua sắm trang thiết bị dạy học... thì sẽ khó đạt được mục tiêu thay đổi chất lượng dạy học về căn bản. Việc cải tiến chất lượng dạy học cần xuất phát từ thực trạng và đặt trong bối cảnh dạy học cụ thể với định hướng và kế hoạch, phương pháp, hỗ trợ hợp lý và cần thời gian để những cải tiến thực sự mang lại kết quả mong đợi.
Ngoài ra, các yếu tố từ phía học sinh và gia đình dẫn đến sự phân hóa chất lượng tiếng Anh. Ở các vùng còn nhiều khó khăn, vùng nông thôn, học sinh thường không có động cơ học tập ngoại ngữ rõ ràng và đủ lớn. Sự đầu tư và định hướng của gia đình về việc học ngoại ngữ của con cái ở những nơi này cũng còn hạn chế so với ở thành thị, dẫn tới việc học sinh không thật sự coi trọng môn học. Giáo viên ở các nơi này vì vậy cũng khá vất vả để học sinh hào hứng với việc học tập.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, nói rằng, chất lượng dạy tiếng Anh thật sự chưa đạt được như yêu cầu mong muốn. Thời gian qua, các địa phương đã có sự đầu tư về đội ngũ như nâng chuẩn giáo viên. Nhưng điều này là để tính cho chương trình 10 năm.
Tuy nhiên, số lượng học sinh vài năm tới tốt nghiệp lớp 12 học chương trình 7 năm vẫn còn rất lớn, vì vậy, đội ngũ giáo viên dạy chương trình này tiếp tục được bồi dưỡng để đạt chuẩn. Kế hoạch bồi dưỡng của Bộ vẫn theo lộ trình của Đề án Ngoại ngữ quốc gia, song hành với lộ trình của giáo viên các môn học khác theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Giáo viên vừa được tập huấn chương trình vừa được tập huấn phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch nhà trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, thời lượng dạy tiếng Anh hiện nay trong quy định chỉ có 105 tiết/năm. Thời lượng này chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu để học sinh làm quen với tiếng Anh. Muốn nâng cao chất lượng môn học này, học sinh phải có môi trường rộng hơn để học.