Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ

Không hiếm người ở lĩnh vực khác chuyển sang hội hoạ nhưng với nhà báo Đỗ Hữu Khôi, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn báo VietNamNet, thì khác. Từ khi cầm cọ, anh xác định ngay từ đầu sẽ là một họa sĩ chứ không phải “nhà báo vẽ tranh”, hội hoạ là lao động hết mình chứ không phải rong chơi như nghề tay trái.

Anh nói, trong nghệ thuật không có sự thiên vị. “Không thể nói mình là nhà báo nên vẽ thế là được rồi”. Tâm thế đó khiến anh vẽ với tư cách một họa sĩ.

_________________________

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 1

Chưa từng là nhà báo theo dõi lĩnh vực nghệ thuật nhưng Đỗ Hữu Khôi lại “phải lòng” hội họa hơn 10 năm nay.

Là phó tổng thư ký tòa soạn một tờ báo tiên phong chuyển đổi số với hàng trăm tin bài xuất bản mỗi ngày, nhà báo Đỗ Hữu Khôi lúc nào cũng bận rộn. Thời gian trực tin bài kéo dài từ sáng sớm đến đêm khuya. Thế nhưng, anh vẫn tìm được thời gian để vẽ. Anh chia sẻ, thời gian dành cho vẽ tranh thường từ 23 giờ đêm đến 1-2 giờ sáng hôm sau.

Khi tin bài xuất bản xong xuôi, vợ con đã say ngủ, anh được sống với hội họa. Nhưng đó chưa phải là thời gian thú vị nhất trong ngày. Với nhà báo Đỗ Hữu Khôi, 40 phút bắt đầu ngày mới, từ 7h30 đến 8h10 sáng mỗi ngày là khoảng thời gian hạnh phúc nhất.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 2

“Ăn sáng xong lúc 7h30 phút, tôi thường cà phê một mình. Khi đó, xem tranh mình vẽ từ đêm hôm trước. Cả thành công hay thất bại đều là gợi ý cho thời gian vẽ tiếp theo”, nhà báo Đỗ Hữu Khôi chia sẻ. Anh tiết lộ, bản thân có hai nhu cầu thiết yếu mỗi ngày, đó là xem tranh và nghe nhạc cổ điển.

Riêng xem tranh, trong chuỗi làm việc liên tục 10 -12 giờ mỗi ngày, anh chưa bao giờ xem tranh dưới 2 giờ đồng hồ. Anh thường xem tranh của các họa sĩ nước ngoài và học hỏi từ họ.

“Tôi luôn thèm khát làm xong nghề chính để được toàn tâm, toàn ý với vẽ. Sự thèm khát đó lúc nào cũng thường trực, nên khi đứng trước giá vẽ, tôi có cảm xúc hăm hở vẽ mỗi ngày”, nhà báo Đỗ Hữu Khôi nói.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 3

Khác hoàn toàn với những cảm xúc say mê vẽ tranh của ngày hôm nay, hội hoạ chỉ mang lại sự ác cảm cho nhà báo Đỗ Hữu Khôi thời thơ ấu. Không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha mẹ anh đều làm trong ngành giáo dục nhưng cha anh lại có anh ruột và em ruột đều là họa sĩ.

“Nhà bác ruột ở gần trường tôi học. Nhiều dịp, tôi ở nhà bác tôi cả chục ngày chơi cùng các chị. Khi tôi xuống, bác tôi thường bắt tôi ngồi mẫu để ông vẽ, có khi cầm quả bóng bay, có khi bác lại mượn con gà chọi để tôi ôm cho ông vẽ. Thật chẳng dễ chịu chút nào khi phải ngồi như vậy hàng giờ đồng hồ. Nhưng khi ấy tôi thích đánh cầu lông, bác lại có đôi vợt rất đẹp. Tôi phải ngồi mẫu để mỗi khi giải lao được đánh cầu lông với ông”.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 4
Tự hoạ của hoạ sĩ Đỗ Hữu Khôi
Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 5

Bức tranh “Lan trong vườn” của hoạ sĩ Đỗ Hữu Khôi

Đầu thập kỷ 80, người bác anh là hoạ sĩ Đỗ Sơn có vẽ loạt tranh nổi tiếng có tên Hoà Bình. Bác bảo mang một tranh trong số đó lên nhà anh để treo. Người chú ruột khi ấy đang luyện thi vào trường mỹ thuật đèo anh đi xe đạp, vận chuyển tranh về. Cái tranh sơn dầu khổ trên mét vuông hai người lớn đi xe máy vận chuyển đã khó. Một cậu bé ngồi giữ sau xe đạp thì khó khăn đến mức độ nào.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 6

Bức tranh “Một mình” của hoạ sĩ Đỗ Hữu Khôi

“Đi trên đê sông Cầu gió lộng, gió quất vào cái tranh, tôi chực ngã không biết bao lần, bây giờ tôi cũng không nhớ là bằng cách nào mà cái tranh vận chuyển đến nơi”, nhà báo Đỗ Hữu Khôi kể. Đó chính là lý do hội hoạ không tạo được hứng thú gì cho anh, nếu không nói là ác cảm.

Sau này, khi rời quê ra Hà Nội học Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà báo Đỗ Hữu Khôi lại ở nhà người chú ruột - lúc này học ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều bạn bè của người chú đến chơi, truyện trò về nghệ thuật, vẽ tranh nhưng cảm tình với hội họa vẫn là điều gì đó rất xa xỉ với anh tuy có vài lần cầm bút vẽ.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 7

Bức tranh “Ngày bình yên” của hoạ sĩ Đỗ Hữu Khôi

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 8

Bức tranh “Hoa đỏ” của hoạ sĩ Đỗ Hữu Khôi

“Đến khi xây được ngôi nhà mới, tôi mới nghĩ, giá mà có 1-2 bức tranh của bác Đỗ Sơn treo ở nhà thì cũng thích”, anh tâm sự.

Tuy thế, khi đó tranh của hoạ sĩ Đỗ Sơn đã rất đắt, vượt xa thu nhập của một nhà báo. Anh bèn mua những bức tranh có giá 3-5 triệu rồi 10-20 triệu đồng của hoạ sĩ khác để treo. Mong muốn có tranh của bác ruột vẫn thôi thúc anh.

“Bác Đỗ Sơn là nghệ sĩ khó tính. Ngay cả những người cháu khác trong họ rất có điều kiện kinh tế bảo chú/cậu bán cháu mấy cái tranh treo nhà mới, ông ấy cũng không bán. “Mày có hiểu tranh của chú/cậu đâu mà tao bán” - ông nói với họ. “Thế cậu không bán thì chỉ cho cháu chỗ để cháu mua?”. “Cậu cũng không chỉ được vì cái cậu thích thì các cháu không thích và ngược lại”, nhà báo Đỗ Hữu Khôi kể về người bác mình.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 9

Bức tranh “Phong cảnh Phú Thọ” của họa sĩ Phạm Văn Trọng

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 10

Bức tranh “Phong cảnh Đà Lạt” của hoạ sĩ Phạm Văn Trọng

Đúng ngày giỗ ông nội, anh mới bảo hoạ sĩ Đỗ Sơn là muốn mua tranh sơn dầu để làm kỷ niệm. Không ngờ, ông bảo lúc nào xuống nhà bác xem tranh. “Lúc ấy, tôi mua một lúc 8 cái tranh và phải nhờ một hoạ sĩ tên tuổi xuống nhà tôi chỉ cho cách treo”, anh kể.

Không ngờ, đây chính là cơ duyên nhà báo Đỗ Hữu Khôi cầm bút vẽ. Ngày mùng Một, khi đợi người nhà sửa soạn quần áo đi chúc Tết, Hữu Khôi ngồi giết thời gian bằng cách vẽ lọ hoa đào trước mặt trên mấy tờ bưu thiếp. Khi đến nhà hoạ sĩ Đỗ Sơn, anh đưa điện thoại để ông xem ảnh chụp mấy bức vẽ thì hoạ sĩ nói “họ nhà này nếu ai bảo theo nghề này tao cũng can nhưng riêng mày thì vẽ đi, thiếu hụt gì xuống đây tao dạy…”. Nói vậy, nhưng khi đó hoạ sĩ Đỗ Sơn đã mệt, ông chỉ hướng dẫn bằng cách xem những bức vẽ rồi nhận xét.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 11

Đặc thù công việc làm báo rất bận rộn và căng thẳng nên anh toàn tự học. “Đã có hoạ sĩ thấy được sự đam mê của tôi và nói dạy tôi. Tôi cũng đến xưởng học được vài buổi. Nhưng thầy cũng bận, tôi đến có buổi được học, có khi thầy lại bảo đi xem triển lãm, đi chỗ này, chỗ khác cùng… mà một tuần thì tôi chỉ nghỉ làm báo được một buổi nên tôi đành tự học”, anh chia sẻ.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 12

Bức tranh “Chân dung hoạ sĩ Đỗ Sơn” của Đỗ Hữu Khôi

Từ đó, Đỗ Hữu Khôi học vẽ theo cách riêng của mình. Đó là tự đọc, tự tìm hiểu tranh của các họa sĩ nổi tiếng châu Âu và chăm chỉ vẽ. Anh chơi với rất nhiều họa sĩ Việt Nam nổi tiếng. Gửi tác phẩm của mình bằng điện thoại cho họ xem rồi trao đổi là cách học quan trọng với anh. Quá trình học hỏi ấy diễn ra hàng ngày giúp anh học hỏi được nhiều điều từ những người chuyên nghiệp.

“Có thể nói, tôi chỉ không học trên giảng đường, ở trường lớp. May mắn là tôi được học, được trao đổi với những người giỏi nghề từ cách hình thành ý tưởng, triển khai, kết thúc tác phẩm. Đây cũng là sự động viên lớn bên cạnh việc bán được tranh tuy chưa nhiều”, Hữu Khôi tâm sự.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 13

Sau một thời gian nuôi dưỡng tình yêu với hội họa, đầu tháng 8/2024, nhà báo Đỗ Hữu Khôi có triển lãm đầu tiên ra mắt công chúng. Triển lãm “Gặp gỡ 2024” anh trưng bày cùng họa sĩ Phạm Văn Trọng diễn ra từ 1 đến 8/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Triển lãm trưng bày hơn 30 bức tranh của hai tác giả. Giám tuyển của triển lãm này là họa sĩ Phạm Bình Chương, người từng là Chủ nhiệm CLB Nghệ sĩ trẻ Hội Mỹ thuật Việt Nam, được biết đến nhiều với tư cách trưởng nhóm họa sĩ vẽ hiện thực. Họa sĩ Phạm Bình Chương vốn là người có bề dày giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 14

"Mẫu Sơn buổi sáng" của Phạm Văn Trọng

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 15

"Tĩnh vật" của Phạm Văn Trọng

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 16

"Ngày thu" của Đỗ Hữu Khôi

Chia sẻ với Ngày Nay, họa sĩ Phạm Bình Chương khẳng định: “Không phải là một họa sĩ được học hành bài bản nhưng Đỗ Hữu Khôi có niềm đam mê vẽ mãnh liệt, thể hiện rõ trong từng bức tranh. Dù đề tài khá quen thuộc là tĩnh vật, phong cảnh, chân dung phụ nữ… nhưng điều đáng nói là ở chỗ, Đỗ Hữu Khôi học hỏi rất nghiêm túc, kỹ càng về hình, màu sắc, bút pháp… của các họa sĩ bậc thầy cộng với sự hồn nhiên của một người không theo học chính quy khiến những bức tranh của anh vừa hồn nhiên, vừa đậm chất nghệ sĩ. Xem tranh của Đỗ Hữu Khôi nhiều bức lôi cuốn và hấp dẫn”.

Theo họa sĩ Phạm Bình Chương, điểm mạnh trong tranh của Đỗ Hữu Khôi là màu sắc. Tự học trong một thời gian dài đã mang lại hiệu quả đặc biệt, màu sắc trong tranh của nhà báo Đỗ Hữu Khôi vừa trong trẻo, vừa có chiều sâu nghệ thuật. Đỗ Hữu Khôi dùng màu tương đối nổi bật, giá trị biểu đạt của màu nóng, màu lạnh và cách hòa sắc tinh tế.

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 17

"Bên khung cửa" của Đỗ Hữu Khôi

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 18

"Chuyện trò" của Đỗ Hữu Khôi

Nhà báo vẽ tranh như một họa sĩ thực thụ ảnh 19

"Bên vườn" của Đỗ Hữu Khôi

Dù đã đạt được một số thành công bước đầu trong hội họa nhưng nhà báo Đỗ Hữu Khôi khẳng định, anh không bao giờ bỏ nghề báo để chuyển hoàn toàn sang vẽ.

“Nghề báo đã cho tôi tất cả nhưng có lẽ, số tôi phải làm trái nghề. Học kinh tế nhưng lại làm báo và cũng đã có những thành công nhất định trong nghề báo, đang yên phận làm báo lại vẽ. Tôi muốn khi nghỉ hưu thì mới tạm biệt nghề báo để chuyển hoàn toàn sang vẽ. Bên cạnh đó, tôi muốn mình luôn có sự khát khao hay sự “đói” hội họa. Như tập thể dục vậy, tập sao cho cơ thể luôn thấy thiếu thì sẽ duy trì được sự bền bỉ, lâu dài”, anh cho biết.

Chơi với nhau lâu, trao đổi hàng ngày nên chúng tôi ấp ủ một triển lãm chung. Tranh của anh Khôi lúc nào cũng toát ra sự tự nhiên, chân thành và mộc mạc. Cách vẽ của anh Khôi ào ạt, có tâm trạng, tình cảm trong cách vẽ, thể hiện được tâm tư.

Họa sĩ Phạm Văn Trọng

"Xóm nổi" giữa thành phố!
"Xóm nổi" giữa thành phố!
(Ngày Nay) - Sống giữa TP.HCM - nơi đô thị nức tiếng phồn hoa - nhưng nhiều hộ dân ở hẻm số 789, tỉnh lộ 43, P.Tam Bình, TP.Thủ Đức vẫn phải chịu cảnh “nước ngập đầu gối” mỗi khi mưa xuống hoặc lúc triều cường dâng.
Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Hàn 2024
Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Hàn 2024
(Ngày Nay) - Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Hàn năm 2024 đã được tổ chức tại Sân khấu ngoài trời thành phố Uijeongbu, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc (20/10/2014 - 20/10/2024).
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hỗ trợ sách cho học sinh vùng lũ
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hỗ trợ sách cho học sinh vùng lũ
(Ngày Nay) - Vừa qua, đoàn công tác của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã đến thăm và tặng quà cho các em học sinh Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Bản Cái, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
(Ngày Nay) - Tháng 11/2024, hàng loạt các công trình kiến trúc Pháp cổ sẽ được mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ Sáng tạo” do UBND TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức.