1. Bây giờ mà nói thì có vẻ vuốt đuôi. Nhưng khi lần đầu tiên đọc Ngọn đèn không tắt của Nguyễn Ngọc Tư đăng trên báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, tôi đã nghĩ trong đầu rằng đây nhất định là tác phẩm hay nhất của cuộc thi Văn học Tuổi hai mươi năm ấy. Rồi đúng là Tư được trao giải Nhất, năm 2000 ấy, với số tiền giải thưởng là 20 triệu đồng. Rồi trong vòng 2 năm liên tiếp, cũng truyện ngắn ấy giành thêm Giải Mai Vàng và giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Nói về cái công lao của người đi trước, nói về sự biết ơn của thế hệ trẻ mà viết thành một truyện ngắn tự nhiên như hơi thở, văn chương hấp dẫn đến như thế thì quả là rất tài. Sau truyện ngắn ấy, độc giả nhớ đến một cái tên và chờ đợi sự xuất hiện của một tài năng. Và thật may mắn, Nguyễn Ngọc Tư đã là như thế!
Nhiều người đã nói nhiều về Cánh đồng bất tận. Cá nhân tôi, Cánh đồng bất tận lại không phải là tác phẩm tôi thích nhất trong số những tác phẩm của Tư. Tôi thích những thứ như là Huệ lấy chồng, như là Khói trời lộng lẫy hay Gió lẻ… Sở thích chỉ là chuyện của cá nhân, cho nên vẫn phải nói rằng Cánh đồng bất tận là tác phẩm được đông đảo người biết đến nhất, được đánh giá cao nhất hoặc có thể sẽ là tác phẩm lớn nhất của chị. Nhớ hôm ngồi xem phim Cánh đồng bất tận trong rạp, dù cũng tốn nước mắt mà khi đứng dậy vẫn thấy tiếc nuối cái không khí của tác phẩm văn học hơn.
Và Cánh đồng bất tận cho đến 2018, sau nhiều năm nổi tiếng, vẫn tiếp tục xuất hiện trên truyền thông bằng thông tin Nguyễn Ngọc Tư được trao Giải thưởng Literaturpreis tại Hội chợ sách lớn nhất thế giới Frankfurt bằng chính bản dịch tiếng Đức của Cánh đồng bất tận.
2. Vào ngày nhận giải, Tư khiến độc giả thêm một lần thổn thức bằng một bài diễn từ hiếm có đối với người Việt Nam. Trước Tư, nhiều nhà khoa học nhà văn nhà thơ nghệ sĩ người Việt khác đã từng nhận các giải thưởng ở nước ngoài, nhiều người Việt Nam khác từng phát biểu tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, nhưng có lẽ chưa có bài diễn từ nào cẩn trọng từng chữ, hay và sâu sắc như vậy (có thể người viết chưa tiếp cận được hết chăng?). Người Việt từ chính khách tới các văn nghệ sĩ ít khi chú ý và dường như ít đạt tới việc biến một bài diễn văn đọc ở đâu đó thành một tác phẩm làm rung động người nghe. Điều mà ta thường thấy ở nước ngoài, ví dụ như vừa mới đây thôi, bài đọc trong lễ tang cha của cựu Tổng thống Mỹ đã khiến cả thế giới phải kính nể.
Cho nên, tôi quả thật đánh giá rất cao bài diễn từ của Tư tại Đức. Tôi nghĩ rằng khi một nhà văn có ý thức để chuẩn bị cho một bài phát biểu rất tử tế, rất sâu sắc, thì tức là trước hết, nhà văn đó đã rất tôn trọng chính mình và tôn trọng người nghe. Tôi nghe một người bạn của chị kể rằng Tư đã rất kỳ công để chuẩn bị bài diễn từ.
Nhưng khi tôi điện thoại cho Tư để hỏi về cảm xúc của chị khi khiến cho những câu chữ ấy vang lên, thì chị nói rằng khi chuẩn bị nó thực ra là chị cũng không kì công lắm. “Tôi chỉ băn khoăn việc diễn tả thế nào cái vị trí của mình trong văn chương thế giới, tôi không là gì cả nhưng tôi cũng là tất cả. Tôi vốn tỉnh táo, không hão huyền, nên hay sợ khi đọc. Họ viết hay quá, còn lâu mình mới kịp. Đó, tôi nghĩ vậy. Nhưng chỉ bày tỏ nỗi sợ thôi thì còn gì ngầu, nên tôi nhức đầu tìm ra cách cân bằng bài viết. Sao cho nó có thể vừa khiêm nhường vừa kiêu hãnh, mà đừng mang tính học thuật quá” - nữ nhà văn kể. Và chị cũng đồng ý là đã nói ra cái gì thì phải tôn trọng người nghe, tôn trọng độc giả. Nên những năm gần đây, khi từ chối trả lời những cuộc phỏng vấn mà không có thông tin mới, Tư bảo rằng chính là vì tôn trọng tờ báo: “Đó không nên là nơi để tán gẫu”.
3. Nhiều người đã nói về cái không gian và không khí Nam Bộ trong những tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư. Cá nhân mình, tôi yêu quí những truyện ngắn và những tập tản văn của Tư bởi những vấn đề thuộc về con người. Đôi khi tôi đã nghĩ không biết bằng cách nào để một nhà văn sống mãi ở một không gian quen thuộc ấy, ngay cả đến mạng xã hội cũng không tham gia, lại giữ được sự bền bỉ trong cách viết chạm tới những vấn đề sâu thẳm nhất của thân phận con người (tôi không thấy nó chỉ thuộc về những người dân miệt vườn Nam Bộ mặc dù bối cảnh mở ra có vẻ có không khí đó). Khi tôi đem thắc mắc này nói với Tư, chị đã trả lời: “Tôi đánh giá cao một nhà văn biết tưởng tượng, giỏi tưởng tượng. Khi ấy anh chị ta không còn phụ thuộc vào không gian sống của mình. Tôi biết nhiều người dùng cuộc đời của họ, những từng trải của họ đem lên trang viết. Kiểu đó thì đi không được dài, nửa chừng thì cạn. Một người sống dày dặn tới đâu thì viết chừng vài ba cuốn sách đã hết. Tôi hay đặt mình vào người khác, hình dung nếu mình là họ thì mình nghĩ gì. Mười năm trước, tôi chú ý việc kể một câu chuyện, thì giờ tôi cảm giác bên trong con người. Tôi thấy nó thật kỳ vĩ, kể cả về phần u tối, thì cũng là cái đẹp của sự u tối”.
Giờ thì tôi đã hiểu hơn vì sao Tư vẫn cần mẫn đi rất xa trên con đường của mình, chính là bởi những thân phận con người thì thuộc về nhân loại, mà những “bụi ô rô mọc ven sông, tiếng con chim bìm bịp vào lúc thủy triều lên, và ngọn gió chướng vẫn thường thổi suốt mùa khô đồng bằng hạ lưu sông Mekong” chỉ là bối cảnh làm cho những câu chuyện thêm hấp dẫn. Như Tư đã nói trong bài diễn từ tại lễ trao giải thưởng văn học tại Đức, rằng trong những truyện ngắn nhiều thổ ngữ của chị mà tới người miền Bắc Việt Nam cũng không quen, thì thứ quen thuộc, thứ chung cho bất kì độc giả nào trên trái đất này: “là những con người đi lại, nói cười và đau đớn ở trong những tác phẩm ấy. Và con người thì không xa lạ với nhau”.
4. Đã có lúc tôi thử tưởng tượng, một ngày nào đó nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ rời nơi mình đang sinh sống, đến ở TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Văn học nước nhà biết đâu sẽ có những cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn đặc sắc về đời sống thị dân ngổn ngang, bề bộn hôm nay.
“Có lúc nào Tư có dự định thay đổi môi trường sống và bối cảnh của các tác phẩm văn chương không?” - Tôi gửi câu hỏi này cho Tư và câu trả lời tôi nhận được không bất ngờ chút nào: “Bối cảnh không quan trọng với tôi. Thị dân thì cũng là con người, và tôi sẽ viết nếu tôi hứng thú. Nhưng giờ thì chưa”.
Không dùng facebook, không biết Nguyễn Ngọc Tư có quan tâm đến việc con người ngày nay đang đối xử với nhau như thế nào qua cái thế giới mạng xã hội không. Nơi mà theo ý kiến cá nhân tôi có lẽ chưa bao giờ bản tính từng cá nhân và cả cộng đồng lại bộc lộ rõ đến thế. Có lần tôi nói với Tư như vậy, và chị đã cười: “Lâu lâu có cậu em là con nghiện facebook chụp hình facebook ai đó, chủ yếu là trong giới những người viết mà cậu em nghĩ là tôi có biết, gửi sang tôi. Và tôi nhận ra không có facebook là chuyện duy nhất chắc chắn đúng. Đó là thế giới yêu chiều cưng nựng cái tôi của con người. Tôi hơi sợ. Người mê facebook bộc lộ mình dễ quá”.
Không dùng facebook là lựa chọn của Tư, nhất quán trong một quan niệm sống mà đến ngay cả nếu định hỏi chị về một dự định văn chương nào đó trong tương lai thì cũng là việc không nên làm. Bởi vì, đây chính xác sẽ là câu trả lời của Tư: “Tôi dè sẻn đến cả mối quan hệ bạn bè, vì nghĩ, một khi tôi có ý tưởng, đi nói với bạn tao có tính viết cái truyện như vầy vầy, thì cái khao khát viết câu chuyện đó ra không còn nữa. Nó phải được đè nén lâu, và tập trung cao”. Cũng như chả bao giờ Tư bộc lộ về cuộc sống cá nhân của mình, ai hỏi chị sẽ gửi một mặt cười và nói rằng đó là khoảng trống. Điều này, khiến cho mục tiểu sử trong từ điển mở Wikipedia về Nguyễn Ngọc Tư chỉ có đúng 3 dòng, trong khi danh mục tác phẩm dài gấp hàng chục lần. Có gì lạ đâu khi như chính Tư đã nói trong bài diễn từ, “hãy kể câu chuyện này ra, bởi bạn là nhà văn, đó là việc bạn phải làm, duy nhất. Và đó là thứ duy nhất làm nên một thế đứng kiêu hãnh, cho người viết”.
Đột nhiên, tôi nghĩ rằng đằng sau thế đứng kiêu hãnh ấy, là một Nguyễn Ngọc Tư khiêm nhường, “coi văn chương Việt Nam chỉ là cái chấm nhỏ xíu trên bản đồ văn chương thế giới. Và tôi là chấm nhỏ nằm trong chấm nhỏ ấy. Ảo tưởng luôn đem tới cho người viết sức mạnh, nhưng tôi từ chối sức mạnh đó ngay từ đầu. Bởi tôi nghĩ nó là con dao hai lưỡi”.
Bài Diễn từ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tại Lễ trao giải thưởng (trích):
Văn chương thế giới mà tôi tiếp xúc, bằng những cuốn sách chuyền tay cũ sờn, đôi khi là bản photocopy - thứ sách giả như những nhà sưu tầm thường gọi - nhưng chữ của chúng là thật.
Những cuốn sách ấy, rất sớm, đã nhấc bổng mang tôi ra khỏi lòng giếng chật chội, và vào giây phút tôi nhận ra bầu trời rộng lớn nhường nào, tôi ngộp thở. Thứ sức mạnh mà tôi có được từ ảo tưởng, rằng mình là trung tâm của thế giới, cũng mất đi.
Những cuốn sách đánh thức bản năng viết, giúp tôi bước vào thế giới văn chương bằng những câu chuyện, nhưng chính chúng đôi khi đã làm tôi thấy mình biến dạng, chực tan đi không dấu vết gì.
Nhưng may thay, tôi là một người viết. Và lúc tôi viết, tôi cố định lại hình dáng và tiếng nói của mình, lấy lại những màu sắc vốn có, bởi những lời đáng sợ kia đã ngừng bên ngoài trang giấy. Duy nhất, lúc đó, chỉ còn lời thì thầm. Hãy kể câu chuyện này. Hãy kể câu chuyện này. Hãy kể câu chuyện này…
Hãy kể câu chuyện này, nó là của bạn. Một khi lời thì thầm cất tiếng, tôi không còn bối rối bởi những ồn ã chung quanh. Những hứa hẹn và dọa dẫm. Tán thưởng và ghét bỏ. Ảo tưởng và mặc cảm. Yêu thương và đố kỵ...
Và tôi cũng tin có hàng triệu câu chuyện được viết ra dưới vòm trời này, chúng lẩn khuất đâu đó ở những xứ sở xa xôi, với những người đọc ít ỏi của mình, trong những tiểu vùng ngôn ngữ, nhưng chúng vẫn ở đó, không chờ đợi được tưởng thưởng hay vỗ về, chúng ở đó vì người viết chúng không thể và không muốn quay lưng lại với lời thì thầm: “Bạn hãy kể câu chuyện này ra, nó sinh ra là dành cho bạn, không phải sao?”.