Mà dân có “quên” không ngóng thì báo chí lại nhắc. Cứ gần tết là các báo lại “bật mí” chuyện Táo quân, tất nhiên chinh nhà đài, chính những người trong êkip sản xuất là tiên phong, cứ nhỏ giọt “hé lộ” chuyện hậu trường để hâm nóng khán giả.
Thứ nhất là dân ta thích... cười. Đất nước có hẳn cả một kho chuyện tiếu lâm cả dân gian và hiện đại thì chuyện thích cười là đương nhiên.
Nhưng không phải lúc nào cũng được cười thoải mái. Giữa ngồn ngộn các chương trình giải trí, các game show, cuộc thi hài kịch trên truyền hình, nhưng dường như người ta vẫn thèm có được những tiếng cười không nhàn nhạt. Thì chương trình “Gặp nhau cuối năm” mà dân hay gọi là Táo quân ấy giúp chúng ta thoải mái cười, vô tư cười. Cười nhưng mà đau, nhưng mà xa xót.
Tức là thứ hai, Táo quân chọc đúng chỗ đáng cười, chỗ nhẽ ra phải cười nhưng cứ giả vờ như không có chuyện gì phải cười, cứ nghiêm trọng cho qua, nghiêm trọng tảng lờ, nghiêm trọng thấy nó... không nghiêm trọng.
Thì Táo quân giúp khán giả thấy rằng, những vấn đề bà con bức xúc, bà con thấy đáng cười, bà con thấy nghiêm trọng, thì Táo quân cũng thấy. Và bằng thủ thuật gây cười, chương trình nói hộ bà con, giúp bà con... cười. Đêm cuối năm, cười một trận, ưu tư một tẹo, rồi cúng giao thừa, mai mở cửa ra đã là mùng một, năm mới ngời ngời.
Khi tôi đang ngồi gõ những dòng này thì trên VTV đang quảng cáo chương trình Táo quân năm nay. Thấy lại vẫn những gương mặt ấy, chắc lại cũng vẫn những mảng miếng ấy. Và tất nhiên cũng sẽ cười như thế, hả hê như thế.
Đang có nhiều bàn cãi là, có nên duy trì chương trình này nữa không, khi mà năm nào cũng thế, cũng những gương mặt ấy, kiểu cách như thế, thậm chí có những phản cảm?
Rồi có giải quyết được gì không hay chỉ nói cho sướng mồm, nói cho hả hê rồi mọi việc cũng vẫn đâu vào đấy, những trái ngang vẫn diễn ra, bức xúc vẫn tràn trề từ BOT đến lùi xe trên cao tốc, từ mù chữ vẫn có bằng lái xe tới đường cao tốc vừa làm xong đã hỏng, từ bệnh nhân nằm chung đến chặn xe chở thi hài, từ cô giáo tát học sinh đến học trò đâm thầy giáo... vân vân và vân vân.
Tôi thì cho rằng, thôi thì, có được niềm vui cho khán giả là tốt rồi, “không thành công cũng thành nhân”, bởi dẫu có người chê nhưng rõ ràng vẫn có rất đông người chờ đợi. Nó như món ăn đêm 30 rồi. Cũng như báo tết vậy, cứ tết là lại phải có tờ báo tết trong nhà, nên báo tết cũng trở thành một món ăn ngày tết, cứ tết là các báo lại làm báo tết, những tờ báo dồn hết tinh hoa, sức lực vào đấy để ra một giai phẩm vừa đẹp vừa đậm chất văn hóa.
Và quảng cáo được. Cả Táo quân và báo tết đều tràn ngập quảng cáo. Nó là nguồn thu của báo chí, và các doanh nghiệp, đơn vị cũng nhân dịp này mà giới thiệu mình, mất tiền một cách... ngọt ngào.
Thôi thì, lợi cả vài ba đường, Táo quân đã trở thành một thói quen, một món ăn tối 30 Tết. Dẫu nó cũng còn... rón rén lắm, cũng chưa tới tận cùng, và quan trọng là, nói để... nói thôi chứ cũng chả giải quyết được gì. Vậy nên, năm nào nó cũng có mặt, năm nào cũng thế, cũng là điều dễ hiểu. Thử xem, mấy chục năm qua, chúng ta đã đổi mới được bao lăm mà đòi Táo quân phải đổi mới. Hơn nữa, như vừa rồi vụ tòa Thái Nguyên xử anh tài xế vụ lùi xe trên cao tốc, có bạn đọc đã nói, khéo vụ này lại “được” vào Táo quân. Tức là, Táo cũng có tác dụng răn đe phết.
Có điều, làm sao để kịch bản sắc bén, để khán giả bật ra những tiếng cười sảng khoái mà chua cay, và cũng mong Táo đừng bị cắt xén nhiều quá, đừng để xem xong, khán giả phải kêu rằng nhạt quá, như có năm có người vẽ hình một anh đang dùng tay tự cù nách mình khi... xem Táo quân.