TS giáo dục Nguyễn Tùng Lâm. |
Thích là nhảy
Trong 3 năm từ khi tốt nghiệp đại học, Chu Quang Duy (25 tuổi, hiện làm trong ngành truyền thông - marketing) đã làm việc ở 7 công ty khác nhau. Lâu nhất là 2 năm, nhanh nhất là vài tuần, tính trung bình thì Duy chỉ ở lại một công ty khoảng vài tháng là sẽ “nhảy”. Nói về lý do nhảy việc nhiều lần, Duy thẳng thắn thừa nhận mình không phải người kiên trì tốt, nên nếu gặp khó khăn với công việc hiện tại (ví dụ như nơi làm việc quá xa nơi ở, mức lương không đúng với mong đợi, không hoà nhập được với đồng nghiệp…) là cậu sẽ tìm cách “nhảy” ngay.
“Hồi mới đi làm, mình hay nghĩ mình còn trẻ, được phép lựa chọn và sai lầm, nên nhiều khi nhảy việc cũng do cảm xúc là chính”, Duy nói. “Hoặc cũng có lúc mình thấy người khác làm việc này việc kia hay quá, nghĩ mình cũng làm được nên “nhảy” thử xem sao”.
Bên cạnh đó, còn có những lý do khách quan. Một số công ty không cho Duy cơ hội được làm đúng chuyên môn, hoặc chỉ giao cho cậu những công việc mang tính chất thời vụ, chứ không có đường hướng phát triển sự nghiệp rõ ràng cho nhân viên. Một số công ty không bảo đảm đúng quyền lợi đúng quyền lợi cho nhân viên, chẳng hạn như ép nhân viên làm thêm ngoài giờ mà không trả lương hoặc không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên…
“Nhảy việc giúp mình học được nhiều kỹ năng mềm, tạo dựng được nhiều mối quan hệ, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và kiến thức để tìm được công việc phù hợp hơn sau này”, Duy tâm sự. “Dù vậy, nhảy việc cũng làm con đường sự nghiệp của mình bị gián đoạn nhiều”.
Tương tự, Trần Công Thành (24 tuổi) cũng nhảy việc liên tục khi mới ra trường. Làm trong ngành thiết kế đồ hoạ, ước mơ của Thành sau này là trở thành một nhà thiết kế đồ hoạ 3D có tên tuổi, được nhiều công ty lớn mời về làm việc hoặc cộng tác. Với tham vọng ấy, Thành luôn muốn gặp được những người giỏi hơn mình để học hỏi. Tuy vậy, sau 6 lần nhảy việc ở 7 công ty khác nhau, Thành vẫn không tìm thấy người thầy của mình. Đa số công ty cậu từng làm chỉ muốn nhân viên thiết kế những sản phẩm theo kiểu “mì ăn liền” nên sẽ ưu tiên tuyển dụng những sinh viên mới ra trường, cần có thu nhập ngay chứ không coi trọng những người có tham vọng, muốn phát triển sự nghiệp lâu dài. Thành biết, những nơi như vậy không thể có một người thầy giỏi.
Tìm hiểu kỹ thông tin về nơi làm việc trước khi nộp hồ sơ là kỹ năng người trẻ cần phải có của giới trẻ muốn nhảy việc. |
“Ngoài việc đi làm, mình còn đăng ký học những khoá học thiết kế đồ hoạ để cải thiện năng lực. Mình biết bản thân phải xứng đáng thì mới gặp được thầy giỏi. Mình học và làm việc trung bình 8-12 tiếng/ngày. Tuần nào cũng là một hành trình lặp đi lặp lại giữa 3 nơi là nhà, công ty và lớp học, nếu may mắn thì chỉ có tối Chủ nhật là được ra ngoài gặp bạn bè”, Thành chia sẻ. “Nhưng bố mẹ vẫn không hài lòng, nghĩ rằng mình đang phí thời gian vào những việc vô bổ, không giúp ích gì cho tương lai. Bố mẹ muốn mình đi theo một con đường khác đã được chuẩn bị sẵn. Nhưng mình từ chối vì không cảm thấy hạnh phúc với con đường đó…”.
Những cú nhảy được chuẩn bị kỹ càng
Bên cạnh những người trẻ nhảy việc mọi lúc mọi nơi thì vẫn còn một nhóm trẻ nhảy việc có mục đích và kế hoạch cẩn thận. Với họ, nhảy việc giúp họ khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân, từ đó định hướng được con đường sự nghiệp của mình nhanh hơn. Từ khi còn là sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trần Mẫn Linh (25 tuổi) đã bắt đầu làm công việc tiếp thị nội dung (content marketing) để nâng cao kỹ năng viết. Linh không gắn bó với nơi nào quá lâu, mà liên tục nhảy việc giữa nhiều công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau như nội thất, giáo dục, sách, môi trường… Trong 4 năm đại học, cô đã làm ở khoảng 10 công ty.
Trần Mẫn Linh trong một buổi thuyết trình tại Đại học Fulbright Việt Nam. |
“Nhảy việc là cách để mình tìm hiểu xem nhu cầu của từng đối tượng khách hàng sẽ khác nhau thế nào, từ đó biết tạo nội dung phù hợp để thu hút họ. Đây còn là bước đệm để mình vào bước chân nghề báo sau này. Vì khi viết báo, việc nắm bắt tâm lý và nhu cầu của độc giả cũng rất quan trọng”, Linh chia sẻ. Sau khi tốt nghiệp, Linh về “đầu quân” tại ban Quốc tế của một toà soạn lớn như kế hoạch ban đầu. Nhưng một thời gian sau, cô mới nhận ra mình không thực sự phù hợp với công việc này. Cô muốn được làm việc trong môi trường trẻ trung và năng động hơn, được đi xa để khám phá những vùng đất mới, gặp và nói chuyện với những người lạ nhiều hơn. Cuối cùng, Linh chấp nhận chia tay công việc được xem là đúng ngành, đúng nghề để đi theo “tiếng gọi của con tim”, đó là các dự án phát triển cộng đồng và phát triển bền vững. Giờ đây, cô đang có việc làm ổn định tại một tổ chức phi chính phủ chuyên triển khai các dự án phát triển bền vững của Đức cùng tấm bằng Thạc sĩ Chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam trong tay.
Nhảy việc có thể giúp người trẻ học được nhiều kỹ năng mềm, tạo dựng được nhiều mối quan hệ, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và kiến thức. |
Cũng như Mẫn Linh, Bùi Việt (29 tuổi) coi nhảy việc là một phần không thể thiếu. Tốt nghiệp đại học năm 2013, Việt bắt đầu sự nghiệp trong ngành âm nhạc ở thể loại âm nhạc điện tử (EDM) với vai trò là một DJ. Bên cạnh đó, Việt còn kinh doanh các thiết bị, phụ kiện cho DJ và tham gia tổ chức các sự kiện âm nhạc.
“Hồi đó, mình nhảy liên tục giữa các quán bar. Chỉ tính những quán bar, club mình ký hợp đồng cũng phải hơn 10 chỗ rồi”, Việt chia sẻ. “Mỗi quán bar, club sẽ có một kiểu chơi nhạc khác nhau, một văn hoá giải trí khác nhau, vì vậy một DJ cần phải trải nghiệm thật nhiều để biết cách chọn nhạc, chơi nhạc, thậm chí là chọn trang phục phù hợp khi tới biểu diễn tại những môi trường khác nhau”.
Nhưng rồi COVID-19 ập đến, khiến mọi công việc của Việt gần như bị đóng băng hoàn toàn. Đến khi không thể trụ lại nữa, Việt đành bỏ nghề DJ. Anh chọn công việc thiết kế đồ hoạ vì từng tốt nghiệp bằng giỏi tại Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Một buổi biểu diễn của Bùi Việt khi anh còn là một DJ. |
Sang ngành nghề mới, Việt vẫn giữ nguyên “chiến thuật” nhảy việc: Làm ở nhiều công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau như nhà hàng, du lịch, nội thất, y tế, âm nhạc… Việt cho rằng, người làm thiết kế cần phải trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, trải nghiệm nhiều phong cách thiết kế khác nhau, tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. “Đến giờ, mình vẫn không thấy hối hận về quyết định nhảy việc. Mỗi lần nhảy, là một lần bản thân mình phát triển hơn ngày hôm qua”, Việt chia sẻ.
Nhảy đúng lúc, dừng đúng chỗ
Theo TS giáo dục Nguyễn Tùng Lâm, ở khía cạnh tích cực, nhảy việc thể hiện sự chủ động, tự lập của thế hệ lao động trẻ hiện nay. Họ tự đề xuất những yêu cầu về tính chất công việc, môi trường làm việc và mức lương mà họ cho là xứng đáng với năng lực, nếu nơi làm việc không thể đáp ứng thì họ sẽ không ngần ngại nhảy việc ngay. Điều đó cho thấy thế hệ trẻ hiện nay dám trải nghiệm, dám thay đổi để tìm công việc phù hợp với đam mê và năng lực của bản thân và biết cách bảo vệ quyền lợi của mình.
“Theo tôi, nhiều khi người ta cần phải trải qua nhiều môi trường với nhiều thử thách khác nhau thì mới tìm ra được những khả năng tiềm ẩn của bản thân. Nếu chấp nhận ở lại một nơi không phù hợp, họ sẽ không thể khai phá được khả năng tiềm ẩn của mình,” TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Tuy vậy, vẫn còn đó những khía cạnh tiêu cực. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nhiều bạn trẻ do không biết được sở trường của mình là gì, không xác định được mục tiêu sự nghiệp trong tương lai, cộng thêm với sự nông nổi, non nớt của tuổi trẻ nên thường xuyên nhảy việc. Họ thích chạy theo những công việc đang trở thành xu hướng (giới trẻ hay gọi là chạy theo trend) để tìm kiếm những lợi ích nhất thời mà không có chính kiến của bản thân. “Tôi khuyên các bạn trẻ nên gắn bó với những công việc giúp các bạn được thoải mái thể hiện bản thân và được người khác tôn trọng. Những công việc đó sẽ giúp các bạn tiến xa trong tương lai”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo TS giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh, việc người trẻ mong muốn làm công việc đúng với chuyên môn là tốt, nhưng không nên vì vậy mà từ chối mọi thứ không phải chuyên môn của mình. Vì ở bất cứ công ty hoặc cơ quan nào đều sẽ có những việc phát sinh ngoài ý muốn, vậy nên việc hy sinh một chút thời gian để cùng nhau giải quyết là điều nên làm. Sự giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau sẽ làm mối quan hệ đồng nghiệp gắn bó, thân thiết hơn, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng một công ty vững mạnh.
TS giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh. |
Kỹ năng tìm việc làm cũng là điều người trẻ nên trau dồi, TS. Nguyễn Thuỵ Anh đưa quan điểm. Đầu tiên, người trẻ cần chọn những nền tảng môi giới uy tín để tìm việc làm như TopCV, VietnamWorks..., tránh những nền tảng, ứng dụng không có chức năng tuyển dụng. Bên cạnh đó, người trẻ cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về công ty hoặc cơ quan mình định vào làm việc trước khi nộp hồ sơ, và hiểu rõ Luật Lao động để biết cách bảo vệ những quyền lợi của mình.
“Trải nghiệm nhiều công việc, nhiều vị trí là điều cần thiết trong những năm đầu sự nghiệp, nhưng theo tôi, sau khi đã đến độ tuổi lập gia đình, các bạn trẻ cần phải có một công việc ổn định. Bởi nếu phạm sai lầm ở giai đoạn này, cái giá phải trả sẽ lớn hơn bởi những áp lực từ gia đình, con cái… Càng lớn tuổi, cơ hội để người ta làm lại từ đầu càng ít hơn”, TS. Nguyễn Thuỵ Anh cho biết.
Theo khảo sát của Anphabe, một công ty chuyên cung cấp những số liệu, thống kê vì thị trường tuyển dụng việc làm tại Việt Nam, 62% các bạn trẻ Gen Z (15 đến 25 tuổi) ở Việt Nam nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn nhảy việc vài lần trong 1 năm ngay khi ra trường.
Cũng theo khảo sát của Anphabe, 52% Gen Z tại Việt Nam đã thực tập hoặc đi làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đó 40% bắt đầu công việc trong hai năm đầu đại học. Đáng chú ý, dù còn đi học, có tới 91% gen Z tự tin là họ biết rõ mình thích hoặc không thích làm việc trong lĩnh vực nào.