Tài liệu này, được công bố trên tạp chí Science hôm thứ Năm, cho thấy các đại dương đã trải qua những thay đổi nhất quán kể từ cuối những năm 1950 và đã ấm hơn rất nhiều kể từ những năm 1960. Các đại dương đang nóng lên nhanh hơn nhiều so với tính toán của các nhà khoa họctrong bản báo cáo của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu được công bố vào năm 2014.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu được thu thập bởi hệ thống quan sát đại dương công nghệ cao có tên Argo - một mạng lưới quốc tế gồm hơn 3.000 phao robot liên tục đo nhiệt độ và độ mặn của nước. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu này kết hợp với các nghiên cứu và thông tin nhiệt độ lịch sử khác.
Các tác giả của công trình nghiên cứu cho biết hiện tượng nóng lên đang xảy ra do biến đổi khí hậu được tạo ra bởi các hoạt động của con người như đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.
Đồng tác giả công trình nghiên cứu ông Kevin Trenberth, thuộc Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gi Mỹ cho biết: "Đại dương là chứng tích của biến đổi khí hậu, cùng với hiện tượng băng tan và 93% sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất kết thúc trong đại dương. Hiện tượng nóng lên toàn cầu gần gũi với sự nóng lên của đại dương và năm 2018 sẽ là năm ấm nhất được ghi nhận, tiếp theo là năm 2017, sau đó là năm 2015", nhà khoa học chỉ ra.
Mặc dù một đại dương ấm hơn có thể làm cho nhiều người cảm thấy dễ chịu, tuy nhiên điều này mang lại những hậu quả chết người.
Một đại dương ấm hơn khiến mực nước biển dâng cao, mang đến những vấn đề như lũ lụt ven biển. Hiện tượng này cũng dẫn đến việc mất băng biển, làm nhiệt độ của nước nóng hơn. Nó có thể ảnh hưởng đến dòng tia, cho phép không khí lạnh ở Bắc cực di chuyển xa hơn về phía nam, khiến mùa đông dữ dội hơn và gây nguy hiểm cho cuộc sống của các loài động vật sống dựa vào băng biển như chim cánh cụt và gấu Bắc cực.
Một đại dương ấm hơn cũng góp phần làm tăng lượng mưa và dẫn đến những cơn bão mạnh hơn và kéo dài hơn như hai siêu bão Florence và Harvey quét qua Mỹ năm các năm 2018 và 2017 vừa qua.
"Hiện tượng nóng lên bị biến đổi với sự biến thiên tự nhiên, những vị trí hình thành nên hai cơn bão (Florence và Harvey) lại là nơi ấm nhất. Nước ấm cung cấp nhiên liệu cho sự bốc hơi và độ ẩm cho các cơn bão", ông Trenberth chỉ ra.
Nếu nhiệt độ cứ tăng 1 độ C, sẽ có thêm 7% độ ẩm trong không khí. Nhiệt độ đại dương có xu hướng ấm hơn 1,5 độ C so với bình thường, góp phần tăng thêm khoảng 10% độ ẩm trong khí quyển.
Chúng ta có thể thấy nhiều vấn đề liên quan đến thời tiết hơn nếu đại dương tiếp tục ấm lên với tốc độ này, đặc biệt là nếu không có sự can thiệp của con người để kiểm soát hiện tượng biến đổi khí hậu, các chuyên gia cảnh báo.
Nếu con người không tác động để giảm thiểu quá trình biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển ấm lên sẽ cao gấp 6 lần trong giai đoạn 2081-2100, các nhà nghiên cứu ước tính.
Tuy nhiên, nếu con người hành động và có thể đạt được các mục tiêu mà hiệp định Paris đặt ra, hiện tượng nóng lên của đại dương có thể bị cắt giảm một nửa.
Nghiên cứu mới được công bố này phù hợp với các báo cáo khác như cảnh báo của Liên Hợp Quốc vào tháng 10 rằng nhân loại chỉ còn hơn 10 năm để hành động để tránh mức độ nóng lên toàn cầu. Báo cáo đó kêu gọi các chính phủ thực hiện "những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội".
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy nhiệt độ trái đất sẽ tăng tới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào đầu năm 2030, thúc đẩy các nguy cơ hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và thiếu lương thực cho hàng trăm triệu người.
Một báo cáo của chính phủ Mỹ vào tháng 11 đã đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng tương tự rằng nước này có thể mất hàng trăm tỷ USD và hàng ngàn mạng sống vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.